Lần đầu tiên, Việt Nam đạt mức dự trữ ngoại hối kỷ lục
(Tài chính) Hơn 35 tỷ USD là mức dự trữ ngoại tệ lớn nhất từ trước tới nay mà Việt Nam có được, quan trọng hơn, con số này còn là dấu hiệu chỉ báo sự ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó là giá trị đồng Việt Nam cũng được củng cố.
Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói: “Được sự cho phép của Thủ tướng, tôi xin khẳng định với các đồng chí là đến nay dự trữ ngoại hối Nhà nước đã ở mức cao nhất là trên 35 tỷ USD. Như vậy, không những để phục vụ rất tốt cho nền kinh tế, mà còn đặt ra vị thế và tiềm năng đối ngoại của VND nói riêng và của nền kinh tế nói chung đối với thế giới”.
Chỉ trong quý I năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 7,7 tỷ USD. Đây cũng là mức kỉ lục ấn tượng về điều hành thị trường tiền tệ, vì khi mua vào một lượng ngoại tệ lớn như vậy nhưng không gây lạm phát cho nền kinh tế, cũng được đánh giá là thành công lớn của cơ quan điều hành tiền tệ.
Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú IMF tại Việt Nam nhận xét: “Tỷ giá ổn định sẽ tạo ra niềm tin vào đồng nội tệ, điều đó nghĩa là sẽ có nhiều niềm tin hơn khi thực hiện các hoạt động kinh tế. Tỷ giá ổn định cũng có nghĩa mối quan hệ giữa bên cho vay và bên đi vay cũng sẽ cân bằng hơn. Tỷ giá ổn định cho phép dòng vốn nước ngoài tham gia vào nền kinh tế và hệ thống ngân hàng. Tính thanh khoản bằng ngoại tệ của hệ thống ngân hàng chắc chắn sẽ được cải thiện nhờ sự ổn định của tỷ giá hối đoái giữa VND và USD. Tỷ giá ổn định sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực hơn cho nền kinh tế”.
Dự trữ ngoại hối tăng lên cũng có nghĩa là nguồn lực quốc gia được củng cố, từ đó, hạng mức tín nhiệm quốc gia cũng sẽ được nhìn nhận tích cực hơn trên trường quốc tế. Điều quan trọng hơn, đây cũng là cơ sở để người dân, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.