Lành mạnh thị trường tài chính để thúc đẩy kinh tế vĩ mô
(Tài chính) Nỗ lực giải quyết những vấn đề trong hệ thống tài chính sẽ tạo những tiền đề quan trọng để giải quyết những điểm nghẽn của kinh tế vĩ mô.
Từ tổng quan thị trường…
Việc đánh giá lại thị trường tài chính năm 2013 một cách tổng quan, phân tích rõ các mặt ưu, nhược điểm có ý nghĩa quan trọng cho việc nắm bắt được các xu hướng diễn biến của thị trường tài chính. Từ đó, tạo thêm một kênh thông tin để các nhà hoạch định chính sách có những điều chỉnh chính sách trong điều hành thị trường tài chính nói riêng và kinh tế vĩ mô nói chung trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), thị trường ngân hàng năm 2013 có những dấu hiệu tích cực như: Tổng tài sản hệ thống tăng 15%, cơ cấu tài sản chuyển dịch theo hướng tích cực, vốn huy động tăng 23,6%, khi lãi suất huy động bình quân giảm 2%.
Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC phân tích, thanh khoản các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng lên là tín hiệu đáng mừng, dư nợ tín dụng đạt mức hơn 12% là khá cao.
Về hiệu quả sinh lời, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) đã giảm từ 15% (2009) xuống còn 6% (2013), còn tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) giảm từ 1,12% (2009) xuống còn 0,56% (2013). Chênh lệch lãi suất đầu ra và đầu vào đã có bước suy giảm lớn, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) giảm từ 3,5% năm 2011 xuống còn 2,8% năm 2013. Chất lượng tài sản được cải thiện, trong đó tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu TCTD đang có xu hướng bắt đầu giảm. Nợ xấu theo thông lệ quốc tế và đang trong tầm được kiểm soát và giảm xuống. Hệ thống ngân hàng đã xử lý khoảng 106 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, xử lý bằng nguồn dự phòng 66 nghìn tỷ đồng, Công ty Quản lý tài sản các TCTD mua khoảng 40 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng theo loại tiền trở nên cân đối hơn với việc tín dụng VND tăng từ 81% (2012) lên mức 85% (2013) đồng nghĩa với tỷ trọng tín dụng ngoại tệ giảm, ông Trương Văn Phước cho rằng điều này cũng phản ánh một phần là hiện tượng USD hóa đã giảm.
Từ những kết quả trên, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC khẳng định, bên cạnh những nỗ lực đáng kể của các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính... trong việc quản lý hệ thống, các ngân hàng cũng phải nỗ lực tiết giảm chi phí. Trong năm qua, mặc dù các ngân hàng có sự suy giảm lợi nhuận, nhưng toàn hệ thống đã được lành mạnh hóa hơn, có độ an toàn, thanh khoản cao, giảm bớt rủi ro cho nền kinh tế nói chung, đồng thời tiếp tục chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Đến các vấn đề kinh tế vĩ mô
Bên cạnh việc công bố các thông tin về thị trường tài chính, đại diện NFSC cũng trao đổi một số quan điểm về kinh tế vĩ mô. Cụ thể, như thời gian vừa qua, một số chuyên gia kinh tế cho rằng nền kinh tế đang vào giai đoạn thiểu phát hoàn toàn do vấn đề cầu yếu. Phản biện lại vấn đề này, ông Trương Văn Phước lại cho rằng: Thực tế không hẳn do sức cầu quá yếu, nhưng tín dụng ngân hàng sẽ còn khó khăn trong hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Quan điểm của NFSC về mặt dài hạn là nền kinh tế muốn tăng trưởng được phải cải thiện cung, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Nhưng việc cải thiện cung là cả quá trình, chưa tác động đến nền kinh tế nên việc duy trì cầu ở mức hợp lý (không phải kích cầu quá mức) là hết sức cần thiết. Vấn đề chính là cầu tín dụng thấp, ông Vũ Viết Ngoạn phân tích: Trong bối cảnh ngân hàng dư vốn, thì việc tăng tín dụng phụ thuộc phần quan trọng vào doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp hoạt động dưới công suất, không có nhu cầu mở rộng sản xuất, chưa tiêu thụ được nhiều hàng hóa thì cũng không có nhu cầu vay.
Ông Trương Văn Phước cho rằng, với khó khăn trong việc tìm kênh đầu tư, thời gian tới người dân vẫn sẽ gửi tiền tiết kiệm nhiều hơn. Việc huy động vốn là thế mạnh nền kinh tế thời gian sắp tới, thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ dồi dào (sẽ tích cực cho nền kinh tế nhưng không hẳn tốt lắm cho TCTD).
Báo cáo của NFSC cũng đánh giá thị trường chứng khoán đã có chuyển biến tích cực hơn, các chỉ số được cải thiện trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường trái phiếu Chính phủ sôi động hơn.