Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp
Theo Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, từ ngày 01/12/2018, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, họ không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp
Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, người sử dụng lao động và người lao động phải có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Theo quy định tại Luật việc làm năm 2013 thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong trường hợp: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động trên thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Mặt khác, trong Khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm 2013 giải thích thuật ngữ "Người lao động" được sử dụng trong Luật Việc làm 2013, theo đó thuật ngữ "Người lao động" được hiểu là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.
Do đó, thuật ngữ "người lao động" được quy định tại Luật Việc làm năm 2013 được hiểu là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc.
Như vậy, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì không thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, họ sẽ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tham gia 3 chế độ BHXH ngắn hạn
Theo Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, từ ngày 01/12/2018, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ phải đóng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) ngắn hạn gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Từ năm 2022 sẽ đóng các chế độ bảo BHXH dài hạn gồm: hưu trí và tử tuất.
Theo đó, từ ngày 1/12/2018, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc trong văn bản này khi di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp; hoặc đã đủ tuổi nghỉ hưu như quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động hiện hành.
Nghị định nêu rõ, người lao động nước ngoài thực hiện các chế độ BHXH bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất. Mức đóng hằng tháng mà chủ sử dụng lao động tính trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo Nghị định, trước mắt, nhóm đối tượng này sẽ tham gia ba chế độ BHXH là ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/12/2018. Riêng quy định về chế độ hưu trí và chế độ tử tuất có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 01/01/2022.
Mục đích của việc lùi thời gian thực hiện đóng chế độ BHXH bắt buộc dài hạn với 02 chế độ hưu trí và tử tuất đến năm 2022 là để đến thời điểm đó, Việt Nam sớm hoàn tất hiệp định song phương về BHXH với các nước, tránh đóng BHXH 02 lần với các nước.
Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.
Quy định mới sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa lao động trong và ngoài nước. Thay vì trả hết lương cho lao động nước ngoài, chủ sử dụng lao động sẽ trích một phần trong đó để đóng BHXH và không làm thay đổi tổng quỹ lương của doanh nghiệp.