Lệnh trừng phạt của EU đối với Nga: Gậy ông đập lưng ông
(Tài chính) Tại triển lãm công nghệ mới đây ở Moscow, các doanh nghiệp châu âu đã phải đối diện với một thực tế mới khi làm ăn tại Nga vào thời điểm phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt: đó là số lượng các công ty nước ngoài tham gia triển lãm giảm tới hơn 50% so với năm ngoái. Đây chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh về những tác động tiêu cực của tình trạng đóng băng Đông - Tây tại Lục địa Già.
Cuối tháng 7 vừa qua, EU và Mỹ đã áp đặt trừng phạt kinh tế Nga, chủ yếu nhằm vào ngành năng lượng, ngân hàng và quốc phòng. Khi các chính phủ châu Âu cân nhắc nối dài danh sách đen, các số liệu mới nhất cũng báo động về những thiệt hại kinh tế phản đòn của những nước này khi tuyên chiến với Kremlin. Tháng 8, một tháng sau khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của EU sang Nga đã giảm 19% xuống còn 7,9 tỷ euro (tương đương 9,91 tỷ USD) so với tháng trước đó, và giảm tới 18% so với cùng thời điểm năm ngoái. Sự sụt giảm này cũng là một phần hệ quả từ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Moscow nhằm trả đũa phương Tây. Tuy nhiên, sự suy giảm không chỉ dừng ở đó. Trong 8 tháng năm nay, kim ngạch xuất khẩu của EU đã giảm 12% so với một năm trước đây. Các ngành chủ chốt như máy xây dựng, phương tiện vận tải… giảm 23% trong vòng 1 tháng và giảm 16% tại 28 nước thành viên EU. Đức - đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong EU - chịu thiệt hại nặng nề nhất. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga lên tới 36 tỷ euro (tương đương 48 tỷ USD), bằng gần 1/3 tổng kim ngạch của cả châu Âu. Khoảng 6.200 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tích cực tại Nga với số vốn đầu tư vào khoảng 20 tỷ euro. Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức cho biết 300.000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào giao dịch thương mại với Nga, đối tác thương mại lớn thứ 11 của nước này.
Nhiều công ty trong châu lục đã đưa ra những bản báo cáo tài chính cho thấy doanh thu giảm mạnh, đồng thời cảnh báo những hậu quả còn tồi tệ hơn nữa nếu tình hình không được cải thiện. Rheinmetall, một công ty trong lĩnh vực an ninh quốc phòng của Đức, đã giảm dự báo lợi nhuận trong năm, đồng thời cho biết họ sẽ đòi bồi thường thiệt hại từ việc chính phủ Đức thu hồi giấy phép xuất khẩu quân trang cho Nga, một động thái nằm trong các biện pháp trừng phạt của EU nhằm ngăn chặn các thỏa thuận mua bán vũ khí của Nga trong tương lai.
Trước thực tế này, giới truyền thông đã ví von rằng EU đang tự dồn mình vào chân tường. Sau 25 năm kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, EU lại tự mình dựng lên một “bức tường Berlin mới” - bức tường của những lệnh trừng phạt chống Nga.
Các quốc gia EU đều bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với lệnh trừng phạt bởi mối liên kết hợp tác kinh tế, thương mại đan xen phụ thuộc lẫn nhau. Và thật khó để trừng phạt Nga mà EU lại không bị liên đới. Đây là lý do vì sao nhiều quốc gia EU không còn mặn mà trong việc gây thêm áp lực đối với nước Nga.
Hơn nữa, trên thực tế, một số nước châu Âu còn phụ thuộc vào Nga nhiều hơn là Nga phụ thuộc họ. Hàng triệu gia đình châu Âu được sưởi ấm bởi khí đốt của Nga. Trong số những người giàu nhất ở Đức, có hơn 300.000 người hoặc hưởng lương trực tiếp hoặc có những hợp đồng thương mại với Nga. Thêm vào đó, ở nhiều nước châu âu, tỷ lệ thất nghiệp cao khiến ảnh hưởng từ các biện pháp trả đũa của Nga thêm trầm trọng.
Nhiều nước châu Âu sẽ không thể đặt hàng từ Washington, mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích của mình ở Nga khi tham gia cuộc chơi trừng phạt Nga. Tương tự như vậy, nhiều quốc gia ở châu Á sẽ phải cân nhắc nghiêm túc “lợi” và “hại” khi ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương (TPP), trong trường hợp Trung Quốc đang nhanh chóng bứt phá trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
EU có lẽ lúc này đang rất lúng túng để tìm ra phương sách ứng xử với Nga. Thực tế cho thấy việc dỡ bỏ, giảm nhẹ hay tiếp tục trừng phạt Nga đều phải được tiến hành với sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.