Lịch sử hơn 600 năm của tiền giấy Việt Nam
(Tài chính) Đồng tiền giấy đầu tiên trong lịch sử tiền tệ Việt Nam là “Thông bảo hội sao” (1396) do Hồ Quí Ly phát hành. Hơn 6 thế kỷ sau, tiền giấy ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống, kinh tế Việt Nam.
Thông bảo hội sao…
Thời phong kiến, mỗi triều đại thường cho đúc một loại tiền riêng, bao gồm tiền đồng, tiền kẽm, tiền sắt và cả một số loại tiền giấy như: “Thái bình thông bảo” thời nhà Đinh và “Thiên phúc trấn bảo” thời Tiền Lê. Tuy nhiên, “Thông bảo hội sao” là loại tiền giấy đầu tiên do nhà Hồ phát hành vào năm 1396. Đó là một thời điểm rất sớm so với lịch sử tiền giấy nhưng lúc đó, chính sách ban hành tiền giấy không hề được đánh giá là tiến bộ.
Khi in xong, nhà Hồ hạ lệnh cho người đem tiền đến đổi, cứ 1 quan tiền đồng đổi lấy tiền giấy 1 quan 2 tiền. Cấm hẳn tiền đồng không được chứa và tiêu riêng. Ai làm giả phải tội chết, tịch thu điền sản vào nhà nước.
Như vậy, đồng tiền giấy này đã được đưa vào trong lưu thông một cách triệt để. Cách phát hành tiền là đổi hoàn toàn tiền cũ lấy tiền mới, nên về lí thuyết nó không ảnh hưởng gì tới giá trị đồng tiền mà thậm chí đó là một tư tưởng tiến bộ giúp tiết kiệm kim loại và sử dụng tiền thuận tiện hơn. Tuy nhiên, để tiền giấy ra đời và đi vào đời sống thực tế phải có những tiền đề kinh tế xã hội, phù hợp… Với một thực tế lịch sử chưa cho phép, chính sách tiền giấy của Hồ Quý Ly đã thất bại.
Thời kỳ Việt Nam là một phần Đông Dương thuộc Pháp. Đơn vị tiền tệ cả khu vực là Piastre, thường gọi là “bạc”. Lúc đầu có đồng bạc Mexico nặng 27,73 gam, sau đó có đồng bạc Đông Dương nặng 27 gam. Ngân hàng Đông Dương cũng phát hành cả tiền giấy, đó là tờ tiền giấy in hình 3 thiếu nữ với những bộ trang phục truyền thống của 3 nước.
Những đợt đổi tiền thời hiện đạiKể từ ngày 1/12/1945, khi nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành đồng tiền đầu tiên là đồng tiền nhôm loại 2 hào, cho đến nay chúng ta đã có rất nhiều các loại tiền xu, tiền giấy, tiền polymer khác nhau.
Đi cùng lịch sử phát hành tiền là những lần chúng ta thực hiện đổi tiền, có thể tổng kết những lần đổi tiền từ sau Cách Mạng Tháng Tám cho đến nay như sau:
Lần thứ nhất vào ngày 15/5/1947, Chính phủ ra sắc lệnh 48/ SL cho phép lưu hành trong cả nước giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng. Đồng thời nhà nước thực hiện thu đổi đồng bạc Đông Dương, tỷ lệ 1 đồng Việt Nam lấy 1 đồng bạc Đông Dương.
Lần thứ hai vào ngày 6/ 5/ 1951, tại Sắc lệnh số 15/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chuẩn y việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt nam (NHQG VN) (để thay thế “Nha ngân khố quốc gia” và “Nha tín dụng sản xuất” trực thuộc Bộ Tài Chính). Ngay khi ra đời, theo sắc lệnh số 19/SL và 20/SL ngày 12/5/1951, NHQG đã chính thức phát hành đồng tiền giấy mang tên: "NHQG Việt Nam" thay đồng tiền Tài chính. Đổi 10 đồng tiền Tài chính ăn 1 đồng tiền NHQG. Đây là một cuộc đổi tiền diễn ra tới 20 tháng, dài nhất trong lịch sử đổi tiền của NHVN.
Lần thứ ba, vì tiền NHQG đầu tiên được in ra năm 1951 là để đổi đồng Tài chính trước đó nên hầu hết những người có tiền đổi là thuộc khu vực công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên đến tháng 2 năm 1959 Chính Phủ quyết định phân phối lại thu nhập và đã đổi tiền lần thứ 2 với tỷ lệ 1 đồng NHQG mới ăn 1000 đồng NHQG cũ.
Với giá trị mới này, vào thời điểm từ tháng 2/1959 đến tháng 10/1960 một đồng NGQGVN bằng 1,36 Rúp Liên Xô và cũng tương đương 1,2 USD. Cuộc đổi tiền năm 1959 được đánh giá là “ngoạn mục” nhất trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Đến tháng 10/ 1961 đồng tiền NHQG VN ở miền Bắc được đổi tên thành đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN VN) với cùng một mệnh giá để tránh trùng tên với đồng tiền NHQG ở miền Nam của chính phủ nguỵ quyền Sài Gòn.
Lần thứ tư, trong 3 năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, để có một thời gian đệm cần thiết và quan trọng, hai miền vẫn dùng hai đồng tiền khác nhau: Miền Bắc vẫn là tiền NHNN Việt Nam, miền Nam tiếp tục dùng tiền của chính quyền cũ. Ngày 3/5/1975 chính quyền cách mạng tiếp quản NHQG của Nguỵ quyền Sài Gòn và vẫn sử dụng đồng tiền của chế độ cũ trong lưu thông để không gây rối loạn trong lưu thông tiền tệ ở miền nam những ngày đầu giải phóng.
Ngày 6/6/1975 - 5 tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT - 75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do Ông Trần Dương làm Thống đốc. Đến ngày 22/ 9/1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền nam Việt Nam đã tổ chức cuộc đổi tiền trên qui mô toàn miền nam để đưa đồng tiền mới lấy tên là "Tiền Ngân hàng Việt Nam" (còn gọi là tiền giải phóng) vào lưu thông với tỷ lệ 1 đồng NHVN ăn 500đ tiền của chế độ cũ và tương đương với 1 USD.
Lần thứ năm, ngày 2/5/ 1978, Nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố đổi tiền lần thứ 3 trên phạm vi toàn quốc, thống nhất tiền tệ cả nước với tỷ lệ 1đồng tiền NHNN cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền Giải phóng ở miền Nam ăn 1đồng NHNN mới.
Và lần gần đây nhất, ngày 14/9/1985 Nhà nước lại phải công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới.
Như vậy, kể từ đồng tiền giấy “Thông bảo hội sao” do nhà Hồ phát hành năm 1396 đến đồng tiền hiện đại Polymer, hơn 600 năm đã trôi qua với vô số những thăng trầm của đồng tiền giấy nhưng qua đó tiền giấy ngày càng khẳng định được vị trí quan trọng của mình.