Hiệu quả liên kết chưa cao
Chủ trương thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân nói riêng và nền kinh tế nông nghiệp nói chung. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm triển khai, đến nay các mối liên kết này vẫn chưa thật sự đầy đủ, chưa có nhiều mô hình hoàn chỉnh để giữ cho sản xuất ổn định. Hầu hết, đầu ra, giá cả nông sản gần như vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, người nông dân vẫn lao đao khi thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Nguyên nhân là do, liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân chưa chặt chẽ, các bên thường đơn phương phá vỡ hợp đồng mỗi khi có biến động giá trên thị trường. Việc quy định và áp dụng các biện pháp chế tài khi nông dân và DN vi phạm thỏa thuận gặp nhiều khó khăn. Vấn đề không chỉ đến từ phía DN. Thực tế là nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Chưa kể, do tập quán làm ăn riêng lẻ, mang tính tự phát của người dân nên việc sản xuất manh mún, sản lượng cung ứng trên thị trường thiếu đồng nhất, chất lượng không cao, chưa xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất nông sản chất lượng cao, khó cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Nhất là vấn đề dự báo thị trường của cơ quan quản lý còn nhiều hạn chế. Do vậy, định hướng cho người nông dân lúng túng trong định hướng sản xuất sản phẩm nông sản.
Thực tiễn tại tỉnh Vĩnh Long
Vĩnh Long là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích nông nghiệp hơn 116 ngàn ha, chiếm 78% diện tích đất tự nhiên với dân số hơn 1.031 ngàn người. Hàng năm, Vĩnh Long sản xuất trên 1 triệu tấn lúa, trong đó lúa hàng hóa cung cấp cho thị trường trên 700.000 tấn, góp phần ổn định an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Riêng năm 2014, tổng sản lượng lúa tỉnh Vĩnh Long sản xuất dự kiến là 1.060.000 tấn, trong đó sử dụng cho nhu cầu của tỉnh là 319.880 tấn, số lượng còn lại trên 740.000 tấn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, Vĩnh Long còn có một số sản phẩm có thế mạnh của vùng như cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản (cá tra)… Nhờ đó, đời sống của người nông dân đã từng bước được nâng lên song chưa tương xứng với tiềm năng của Tỉnh.
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 15/9/2011, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã ký Quyết định số 1749/ QĐ-UBND phê duyệt dự án xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP, phấn đấu đến năm 2015 xây dựng được các cánh đồng mẫu lớn đạt diện tích 2.500 – 3.000 ha, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, tăng thu nhập; Tổ chức chứng nhận VietGAP và tái chứng nhận VietGAP tiến tới xây dựng mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong đó, vận động DN bán trả chậm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vận động DN thu mua lúa tại một số mô hình trọng điểm của DN chọn điểm hàng năm để tiêu thụ lúa. Vụ Đông Xuân năm 2013-2014, tỉnh Vĩnh Long đã mở rộng dự án cánh đồng mẫu lớn với 3.183ha và vận động được một số DN thực hiện liên kết trong sản xuất, tiêu thu lúa trong vùng dự án cánh đồng mẫu lớn. Theo đó, các DN đầu tư thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm (trả cuối vụ không tính lãi), diện tích liên kết đầu tư thuốc là 300ha; các DN kinh doanh sản phẩm lúa gạo như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Long, Công ty Lương thực Vĩnh Long, Công ty cổ phần Lương thực – Thực phẩm Vĩnh Long đã phối hợp với chính quyền địa phương, ký hợp đồng với bà con nông dân tham gia cánh đồng mẫu lớn tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Trong đó, Công ty cổ phần Lương thực – Thực phẩm Vĩnh Long ký hợp đồng với UBND 5 xã trong huyện Vũng Liêm để tiêu thụ lúa trong mô hình cánh đồng mẫu lớn tại. Theo đó, Công ty cam kết hỗ trợ 70% không tính lãi tiền mua lúa giống và dụng cụ sản xuất cho nông dân. Đến nay, Công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân qua các vụ Đông Xuân 2012-2013 và Đông Xuân 2013-2014 là 1.649ha với tổng số tiền đầu tư 443 triệu đồng.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy vẫn còn khá nhiều tồn tại:
Thứ nhất, nhận thức và sự phối hợp thực hiện dự án liên kết của chính quyền địa phương một vài nơi chưa thật sự mạnh dạn và quyết liệt tổ chức liên kết, hỗ trợ liên kết và xây dựng kế hoạch một cách cụ thể, chi tiết trong triển khai mô hình này.
Thứ hai, một số nông hộ chưa hiểu hết mục đích, yêu cầu của dự án nên có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và DN, nên chưa chú trọng đến chất lượng lúa giống khi gieo sạ.
Thứ ba, do đặc thù kênh thủy lợi và đường cơ giới nội đồng và kênh rạch nhỏ, các phương tiện vận tải lớn khó tiếp cận nơi thu hoạch lúa nên DN phát sinh thêm chi phí trung chuyển đến nơi tập kết. Các địa phương không có lò sấy, nên ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch lúa của nông dân và tiến độ thu mua của DN, nhất là khi thời tiết mưa nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lúa nhập kho.
Thứ tư, mặc dù sử dụng giống lúa chất lượng cao để sản xuất nhưng do nông dân sử dụng nhiều vòng không thống nhất nên chất lượng lúa không đồng đều. Hơn nữa, chi phí đầu tư lò sấy lúa rất lớn trong điều kiện DN gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Nếu đầu tư hệ thống lò sấy thì công suất hoạt động không nhiều do lúa thường thu hoạch rộ trong thời gian rất ngắn và một năm chỉ sử dụng 2-3 vụ, gây lãng phí lớn nguồn vốn đầu tư.
Thứ năm, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lúa trong dự án mới chỉ là liên kết đôi giữa người trồng lúa với DN cung ứng vật tư nông nghiệp hoặc người trồng lúa với DN kinh doanh lúa gạo. Chưa có sự tham gia liên kết theo chuỗi các DN tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm (người sản xuất, DN cung ứng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, DN chế biến xuất khẩu…), dẫn đến sự lãng phí về tín dụng và nguy cơ rủi ro tín dụng tăng cao.
Một số đề xuất, kiến nghị
Để có thể tạo ra một lượng giá trị ngày càng nhiều trên một đơn vị diện tích đất canh tác; hạn chế mức thấp nhất tình trạng “được mùa mất giá và ngược lại”; tiết kiệm nguồn vốn tín dụng và mang lại hiệu quả cao cho mỗi bên tham gia trong chuỗi liên kết, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét trên cơ sở dự báo thị trường xuất khẩu ngắn hạn, dài hạn và kế hoạch sản lượng sản phẩm của từng địa phương để xây dựng kế hoạch thu mua tạm trữ sản phẩm từ đầu năm và giao cho Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm quyết định thời gian thu mua tạm trữ phù hợp với lịch thu hoạch của từng địa phương để người dân các địa phương đều được hưởng lợi từ chính sách.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần triển khai mô hình cho vay liên kết thực hiện chuỗi sản phẩm trong sản xuất lúa gạo và các ngành hàng tương tự. Mở rộng mô hình cho vay theo chuỗi, ngân hàng cho DN chế biến xuất khẩu vay để ứng vốn cho nông dân thông qua cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông dân trả nợ bằng lúa khi đến vụ thu hoạch và ngân hàng cho vay DN bao tiêu sản phẩm với giá định trước, đảm bảo có lợi cho người nông dân, vừa tiết kiệm vốn lại vừa hạn chế rủi ro cho ngân hàng.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp từ khâu tuyên truyền đến tổ chức chỉ đạo thực hiện. Làm cho người dân hiểu, đồng thuận, tham gia chương trình một cách hiệu quả.
Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản: Những vấn đề cần tháo gỡ
(Tài chính) Câu chuyện liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản giữa người nông dân và doanh nghiệp đã được bàn thảo từ nhiều năm qua, tuy nhiên, việc triển khai đến nay vẫn gặp không ít trở ngại. Điệp khúc “được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa” thường xuyên diễn ra, đặt ra nhu cầu bức thiết về một sự liên kết bền vững trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Xem thêm