Hỗ trợ pháp lý cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực về vốn, đất đai…
Dự kiến chủ đề của Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2025, do Bộ Tư pháp tổ chức là Hỗ trợ pháp lý toàn diện, thực chất, hiệu quả - Đồng hành cùng kinh tế tư nhân phát triển.
Để tạo đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã báo cáo Đảng ủy Chính phủ để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về Phát triển kinh tế tư nhân.

Trong một nỗ lực tiếp nối đưa tinh thần cải cách, đổi mới của Nghị quyết số 68-NQ/TW vào cuộc sống, ngày 14/7, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về Kế hoạch tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2025 (Diễn đàn) do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) được giao chủ trì thực hiện.
Chia sẻ về nội dung, kế hoạch tổ chức Diễn đàn, bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho biết, dự kiến chủ đề của Diễn đàn năm nay là Hỗ trợ pháp lý toàn diện, thực chất, hiệu quả - Đồng hành cùng kinh tế tư nhân phát triển, với 2 phiên thảo luận bám sát tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-TW.
Theo đó, chủ đề phiên thảo luận 1 là Đơn giản hóa điều kiện gia nhập thị trường và hoạt động của doanh nghiệp. Các nội dung được định hướng tập trung thảo luận, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế và khó khăn, vướng mắc trong công tác tổ chức thi hành pháp luật như: Cắt giảm, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường, đảm bảo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, nhất quán, ổn định lâu dài, dễ tuân thủ, chi phí thấp.
Thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Minh bạch hóa, số hóa, thông minh hóa, tự động hóa, áp dụng triệt để trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính, nhất là về gia nhập, rút lui khỏi thị trường, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, sở hữu trí tuệ...
Phiên thảo luận 2 có chủ đề Hỗ trợ pháp lý cho khối kinh tế tư nhân trong tiếp cận nguồn lực về vốn, đất đai, công nghệ và chuyển đổi số. Các đại biểu sẽ đề xuất các giải pháp về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của khối kinh tế tư nhân trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác…
Điểm đáng chú ý là đối tượng thụ hưởng của Diễn đàn năm nay được mở rộng đáng kể, không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ, mà còn bao gồm cả hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh - những chủ thể lần đầu tiên được đưa vào phạm vi hỗ trợ pháp lý theo yêu cầu của các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
“Điểm mới quan trọng là lần đầu tiên Diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh có chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Chính trị, với trọng tâm là triển khai, thể chế hóa và thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68/NQ-TW...”, bà Hoa cho hay.
Tại cuộc họp, đại diện Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam…, cùng các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị về nội dung, cũng như hình thức tổ chức Diễn đàn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Ngọc thống nhất điều chỉnh chủ đề Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2025 theo hướng sát với thực tiễn, bám sát hơi thở cuộc sống, phản ánh đúng nhu cầu xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước. Chủ đề sẽ tập trung vào nhận diện và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
“Về hình thức tổ chức, đề nghị cần triển khai theo quy trình chặt chẽ, thiết thực và có trọng tâm. Trước hết, thông qua các hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến rộng rãi từ nhiều loại hình doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc khi vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, để phân loại cụ thể các nhóm vấn đề. Trên cơ sở đó, tổng hợp và chuyển các nhóm khó khăn đến từng Bộ, ngành có liên quan để tổ chức làm việc, phối hợp giải quyết, gắn với yêu cầu hoàn thiện thể chế và xác định rõ mốc thời gian xử lý”, ông Ngọc lưu ý.