Liên tục mua ròng: Khi niềm tin khối ngoại được củng cố!

Tuấn Phùng

Trong các phiên gần đây, bất chấp việc bán mạnh của nhà đầu tư nội, khối ngoại lại đi ngược xu thế khi đẩy mạnh mua ròng. Vậy cơ sở, động lực nào khiến nhà đầu tư ngoại tiếp tục đặt vào niềm tin thị trường chứng khoán Việt Nam?

Nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc cùng với thông điệp rõ ràng và động thái chấn chỉnh thị trường mạnh tay của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính đã mang lại niềm tin cho nhà đầu tư ngoại.
Nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc cùng với thông điệp rõ ràng và động thái chấn chỉnh thị trường mạnh tay của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính đã mang lại niềm tin cho nhà đầu tư ngoại.

Theo các chuyên gia chứng khoán, cú trượt dài của chứng khoán tuần trước đã khiến phiên giao dịch đầu tiên của tuần này (ngày 18/4), hứng chịu hiệu ứng “hòn tuyết lăn” khi đà bán tháo cổ phiếu đã tăng mạnh. Chốt phiên ngày 18/4, VN-Index giảm 25,96 điểm (-1,78%), xuống 1.432,6 điểm; HNX-Index giảm 13,27 điểm (-3,18%), xuống 403,44 điểm; UPCoM-Index giảm 2,15 điểm (-1,91%) xuống 110,21 điểm... Xu thế giảm điểm tiếp tục tái diễn trong phiên ngày hôm nay (19/5) khi VN-Index giảm 26,15 điểm (-1,83%); HNX-Index giảm 10,42 điểm (-2,59%), xuống 392,69 điểm; UPCoM-Index giảm 1,89 điểm (-1,72%), xuống 108,32 điểm...

Trong những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4, tâm lý nhà đầu tư cũng như diễn biến trên thị trường dường như có sự bất ổn nhất định sau khi cơ quan chức năng ra quyết định bắt tạm giam lãnh đạo của một số công ty đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi nhà đầu tư nội có xu thế bán ra thì lại có một điều hết sức đáng chú ý trên thị trường: Nhà đầu tư ngoại liên tục mua ròng đột biến trong các phiên gần đây. Thống kê cho thấy, trong 5 phiên gần đây nhất, khối ngoại đã mua ròng lên đến 72,7 triệu USD (tương đương 1.709,5 tỷ đồng).

Trong đó, riêng phiên ngày 19/4, trên sàn HOSE, khối ngoại đã mua ròng 10,57 triệu đơn vị, với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 274,87 tỷ đồng, tăng gần 23% về lượng và tăng mạnh về giá trị so với phiên trước chỉ mua ròng 10,72 tỷ đồng. Trên UPCoM, khối ngoại đã mua ròng 515.800 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 2,2 tỷ đồng, tăng 20,29% về lượng nhưng giảm 62,26% về giá trị so với phiên trước...

Thực tế cho thấy, nếu như nhà đầu tư nội khá lo ngại về nhiều vụ việc vừa qua có thể làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam thì trong mắt nhà đầu tư ngoại, các hoạt động mạnh tay của cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính là lại điểm cộng, là pha ghi điểm đáng giá trong mắt của khối ngoại.

Nhiều chuyên gia nước ngoài cho rằng, cũng giống như nhiều quốc gia khác, trong quá trình hướng đến một thị trường chứng khoán phát triển ổn định, bền vững, công khai, minh bạch, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức và các vấn đề phát sinh. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý đã thể hiện một thông điệp rõ ràng với các biện pháp chấn chỉnh mạnh mẽ, quyết liệt để củng cố niềm tin nhà đầu tư.

“Chấp nhận những khó khăn nhất thời để quyết tâm chấn chỉnh, hướng đến một sự phát triển dài hơi của thị trường là điều nên làm và đáng làm”, một chuyên gia chia sẻ.

Việc nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh mua ròng với giá trị giao dịch đột biến hoàn toàn có cơ sở riêng. Thống kê cho thấy, mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn so với nhiều thị trường khu vực. Theo Reuters, tỷ lệ P/E dự báo 12 tháng của VN-Index vào đầu tháng 3/2022 đạt khoảng 13,3 lần, thấp hơn mức từ 16 - 17 lần tại các thị trường khu vực ASEAN.

Bên cạnh đó, không phải ngẫu nhiên mà ngày 15/4 vừa qua, Công ty môi giới chứng khoán ASPS (Asia Plus Securities) của Thái Lan khuyến nghị tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ASPS, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý I/2022 của Việt Nam đã tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp đại dịch COVID-19, do nhiều tập đoàn hàng đầu toàn cầu như Apple, Samsung và Toyota bắt đầu mở rộng thị trường tại đây. ASPS dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP từ 5-7% cho đến năm 2028, vượt cả Thái Lan và Singapore.

ASPS cũng cho rằng việc chỉ số chứng khoán Việt Nam chỉ giảm 2% kể từ đầu năm nay - một mức tương đối khiêm tốn trong bối cảnh chỉ số S&P 500 đã giảm 10% - thể hiện sự ổn định của chỉ số Vn-Index bất chấp những bất ổn của thế giới.

Đồng thời, theo kết quả mới nhất tại Báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index - BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu vào môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục tăng. Trong quý I/2022, BCI đã tăng lên 73, là mức cao nhất kể từ sau đợt bùng phát dịch lần thứ tư. Các doanh nghiệp châu Âu có những nhận định tích cực về kinh tế Việt Nam trong 3 tháng tới. Hơn 2/3 (69%) số lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng ổn định và cải thiện trong khi chỉ có 5% cho rằng tình hình sẽ xấu đi.

Về các yếu tố nội tại của thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ. Tính đến ngày 31/3/2022 có 1.293/1.609 công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, tương đương 80% tổng số công ty báo cáo. Trong đó, 1.156/1.293 công ty báo cáo có lãi, chiếm 89% tổng số công ty đã thực hiện báo cáo, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 88%. Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 598/632 công ty niêm yết báo cáo có lãi trong năm 2021, chiếm 95% số công ty niêm yết thực hiện báo cáo, cao hơn số công ty niêm yết báo lãi trong năm 2020 là 584/632, tương đương 92%. Với triển vọng phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng cao trong năm 2022.

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt hơn, các hoạt động kinh tế được khôi phục, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch quốc tế dần được mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy triển vọng phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế. Số liệu công bố chính thức cũng đã cho thấy, tăng trưởng GDP quý I đã tăng khá mạnh trở lại, đạt 5,03% nhờ những kết quả tích cực từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với rất nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ kịp thời của Chính phủ. Báo cáo điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hằng quý của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo và xây dựng dự báo xu hướng sản xuất kinh doanh quý II/2022 sẽ khả quan hơn quý I/2022 khi có tới hơn 80% doanh nghiệp nhận định sản xuất kinh doanh tốt hơn và giữ ổn định.

Trong thời gian tới, dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Khi các rủi ro trên toàn cầu giảm bớt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến các thị trường có tiềm năng và có các yếu tố riêng có như Việt Nam. Đối với dòng tiền nội, dù tăng mạnh trong thời gian qua, song thị trường chứng khoán vẫn còn rất nhiều tiềm năng thu hút sự tham gia của nhà đầu tư trong nước. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi số lượng tài khoản nhà đầu tư tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là trong tháng 3 vừa qua, số tài khoản giao dịch nhà đầu tư cá nhân mở mới ghi nhận tăng thêm 271.619 tài khoản. Luỹ kế tới cuối tháng 3/2022, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt gần 5 triệu tài khoản, chính thức đạt chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là 5% dân số trước 3 năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc cùng với thông điệp rõ ràng và động thái chấn chỉnh mạnh tay của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính đã mang lại niềm tin cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại. Đồng thời, đây cũng sẽ là những yếu tố đảm bảo sự hấp dẫn cũng như sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.