Sự chỉ đạo, điều hành nhất quán của Chính phủ, Bộ Tài chính giúp thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh
Thời gian qua, sự điều hành phù hợp, nhất quán của Chính phủ, Bộ Tài chính đã giúp thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam phát triển lành mạnh, là nơi các nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin để trao nguồn vốn cho các doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ về nhiều mặt
Với quan điểm của Chính phủ thúc đẩy phát triển TTCK, từng bước giảm gánh nặng huy động vốn đối với hệ thống ngân hàng, trong những năm qua, TTCK Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2021, vốn hóa thị trường tăng mạnh, từ 2.174.050 tỷ đồng năm 2015, lên đến 9.309.888,67 tỷ đồng năm 2021. Như vậy, trong vòng 5 năm, vốn hóa thị trường đã tăng 328,23%, đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2021, mặc dù các doanh nghiệp niêm yết chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19, song lượng vốn đầu tư vào TTCK vẫn tăng 39,38%. Nếu so với % GDP, vốn hóa thị trường trong giai đoạn 2015-2021 đã tăng 359,65% (từ 32,6% lên 149,84%).
Bên cạnh đó, tính đến tháng 3/2022, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới ở Việt Nam cũng tăng kỷ lục, với tổng số 4.986.827 tài khoản. Có thể thấy, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới có sự tăng trưởng rất nóng, đặc biệt đối với các tài khoản giao dịch cá nhân.
Riêng trong giai đoạn 2021-2022, số lượng tài khoản cá nhân tăng 56,2%, từ 2.725.087 lên đến 4.257.724 tài khoản; nếu tính cộng dồn đến tháng 3/2012, số lượng tài khoản tăng so với năm 2020 là 2.207.718 tài khoản. Như vậy, riêng 15 tháng gần đây, số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới đã vượt số lượng tài khoản cộng dồn từ năm 2000 đến năm 2018.
Do nhu cầu giao dịch chứng khoán tăng mạnh, các công ty chứng khoán được hưởng lợi trực tiếp nhất, thể hiện ở việc tăng trưởng mức lợi nhuận kỷ lục trong thời gian gần đây. Đứng đầu nhóm công ty chứng khoán đứng top đầu lợi nhuận là TCBS với lợi nhuận đạt 3.049 tỷ đồng, tăng 41,68%. Trong khi đó, tuy giá trị lợi nhuận tuyệt đối thấp hơn, nhưng VNDirect có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ nhất, với mức tăng 243,87% (tương ứng 2.383 tỷ đồng năm 2021 và 693 tỷ đồng năm 2020); tiếp đến là HSC (116,42%), SSI (112,74%) và VCSC (94,93%)...
Tuy nhiên, mặt trái của sự tăng trưởng nóng TTCK cũng dẫn đến một số hệ lụy, như xuất hiện các hành vi giao dịch nội gián, thao túng thị trường; hoặc bản thân các tổ chức phát hành cũng xuất hiện nhiều sai phạm trong quá trình huy động và sử dụng vốn trên TTCK.
Có thể kể đến như hành vi bán 74,8 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC Trịnh Văn Quyết vào tháng 1/2022 nhưng không tiến hành công bố thông tin; hành vi phối hợp, che giấu việc sử dụng nhiều tài khoản để giao dịch thao túng giá cổ phiếu của một số lãnh đạo công ty chứng khoán BOS.
Đối với tổ chức phát hành, sự việc một số cá nhân và đơn vị thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh vi phạm việc huy động và sử dụng vốn huy động thông qua kênh phát hành trái phiếu, với giá trị lên đến hơn 10.000 tỷ đồng cũng gây ra tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư về sự minh bạch của thị trường, cũng như rủi ro khi tham gia mua trái phiếu.
Trên thực tế, các quy định của pháp luật liên quan đến TTCK ở Việt Nam tương đối rõ ràng và đầy đủ, được thể hiện trong Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021). Cụ thể, Điều 12 Luật Chứng khoán đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK gồm: Các hành vi trực tiếp hoặc gián tiến thực hiện lừa đảo, gian lận trong công bố thống tin sai lệch; việc sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch, hoặc cho người khác mượn tài khoản để giao dịch, thao túng giá chứng khoán đều bị nghiêm cấm...
Liên quan đến phát hành chứng khoán riêng lẻ, Điều 31 Luật Chứng khoán quy định rõ điều kiện chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ chứng khoán như: việc phát hành cho nhà đầu tư nào cần có được xác định rõ ràng, số tiền thu được phải có phương án sử dụng; chỉ được bán cho các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…
Chính vì thế, các hành vi vi phạm của một số cá nhân, tổ chức trên TTCK Việt Nam trong thời gian qua là rất rõ ràng, thể hiện việc cố tình vi phạm những quy định của luật pháp liên quan đến những điều không được pháp luật cho phép khi tham gia trên TTCK.
Tăng cường rà soát, giám sát thị trường
Việc cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ, điều tra những cá nhân, tổ chức vi phạm hành vi thao túng giá, lũng đoạn thị trường trong thời gian qua thể hiện sự sát sao của Chính phủ, của cơ quan pháp luật có liên quan trong việc rà soát, giám sát trên TTCK. Tuy nhiên, cần thiết có sự phối hợp giữa các tổ chức trực tiếp tham gia TTCK trong việc làm minh bạch, lành mạnh thị trường.
Như đã phân tích ở trên, trong giai đoạn 2020-2021 vừa qua, mặc dù có sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên các hoạt động của các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói chung, nhưng số lượng tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư vẫn tăng rất mạnh, lợi nhuận của các công ty chứng khoán vẫn đạt con số ngàn tỷ, trong đó phần lớn đến từ hoạt động tự doanh.
Có ý kiến cho rằng, các công ty chứng khoán hiện đang có lợi thế hơn rất nhiều so với các nhà đầu tư cá nhân trong việc tiếp cận thông tin của các doanh nghiệp niêm yết. Ví dụ, khi các công ty chứng khoán tiến hành tư vấn tài chính, tư vấn bảo lãnh phát hành cho các doanh nghiệp, họ được tiếp cận thông tin sâu về doanh nghiệp, đối thoại trực tiếp với ban lãnh đạo công ty đó; vì thế có rất nhiều lợi thế về mặt thông tin.
Trong khi đó, rất khó kiểm soát về việc chia sẻ, rò rỉ thông tin giữa bộ phận này với bộ phận tự doanh, bộ phận môi giới của công ty chứng khoán, từ đó gây ra hiện tượng bất bình đẳng giữa các nhóm khách hàng được hưởng lợi từ việc biết thông tin sớm, kế hoạch tăng vốn, phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc các công ty chứng khoán hoặc một số nhà môi giới chủ động thao túng, sử dụng đồng thời một lúc nhiều tài khoản để giao dịch, tạo cung cầu để làm giá chứng khoán rất khó phát hiện nếu không có sự phối hợp của các bên liên quan, như Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, ngân hàng bảo lãnh thanh toán…
Hay hành vi phát hành chứng khoán riêng lẻ chứng khoán nếu không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát chặt chẽ thì rất khó phát hiện được các đợt phát hành chứng khoán có vi phạm, do đối việc thẩm tra tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hoặc nhà đầu tư chiến lược do tổ chức phát hành xác minh và báo cáo. Chính vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia trên TTCK nhằm nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trên thị trường.
Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn
Khi xuất hiện những thông tin về bắt giữ, điều tra, đề nghị xử lý một số tổ chức, cá nhân về hành vi thao túng, sai phạm trong điều hành, quản lý trong thời gian qua, thoạt nhiên, các nhà đầu tư có thể xuất hiện tâm lý hoảng loạn, tuy nhiên về mặt dài hạn đây là tín hiệu tích cực cho sự tăng trưởng dài hạn của TTCK Việt Nam.
Bởi Chính phủ Việt Nam luôn thể hiện quyết tâm làm lành mạnh sự phát triển của TTCK, thanh lọc những hành vi vi phạm, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường vốn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Thêm vào đó, thực tế cho thấy, trên thị trường luôn xuất hiện các sự kiện, tin đồn tưởng như rất bất lợi cho TTCK; điển hình như giai đoạn năm 2011, khi lĩnh vực ngân hàng chứng kiến hàng loạt ngân hàng buộc phải tự tái cơ cấu, sáp nhập, mua lại như SCB, Habubank, TrustBank, Western Bank, NaviBank, TienphongBank, GPBank.... với việc đưa các ngân hàng còn nhiều yếu kém ở thời điểm đó đi vào khuôn khổ, giám sát chặt chẽ để phát triển lành mạnh hơn, đã làm cho nền tảng vĩ mô ổn định, hệ thống ngân hàng quay trở lại thành đầu tàu phát triển trong những năm qua.
Trong những năm gần đây, thị trường bất động sản phát triển quá nóng, đồng thời có một số cá nhân lãnh đạo và bản thân công ty bất động sản có những hành vi tiêu cực, có thể làm tác động xấu đến thị trường, vì thế việc tiến hành rà soát, điều chỉnh lĩnh vực này là điều rất cần thiết.
Cùng với đó, sự điều hành phù hợp, nhất quán của Chính phủ, Bộ Tài chính đã làm cho TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh, là nơi các nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin để trao nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Vì thế, các động thái gần đây liên quan đến việc tạm giữ, điều tra, hoặc xem xét kỷ luật những cá nhân, tổ chức có liên quan trên TTCK Việt Nam cũng là điều cần thiết để tạo môi trường phát triển minh bạch, rõ ràng cho thị trường; tạo động lực để thị trường tăng trưởng trong dài hạn.