Liên tục phát hiện hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam
Mới đây, Đội kiểm tra công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Lạng Sơn (Ban Chỉ đạo 389 Lạng Sơn) phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải phát hiện số lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Cụ thể, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 29C-945.36 do ông Nguyễn Văn Tới, trú tại số 7, tổ 8, khối 8 phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn điều khiển có dấu hiệu nghi vấn. Tại thời điểm kiểm tra, ông Tới xuất trình với đoàn kiểm tra tờ hóa đơn bán hàng do ông Nguyễn Văn Thống là người xuất bán, trú tạo tổ 3, khu Ga, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.
Kiểm tra thực tế hàng hóa, Tổ công tác phát hiện trên xe đang vận chuyển 17 loại hàng hóa được sản xuất ngoài Việt Nam, gồm: quần áo may sẵn nam, nữ các loại; hàng hóa được thể hiện trong tờ hóa đơn gồm 14 mặt hàng, có tổng trị giá 149 triệu đồng thể hiện trên hóa đơn bán hàng; có 4 loại hàng hóa không có trong hóa đơn mà ông Tới xuất trình ở trên và có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam, ước tính trị giá trên 30 triệu đồng, gồm: 200 ví giả da cầm tay nhãn hiệu LV; 100 cái áo sơ mi nam nhãn hiệu GUCCI; 120 cái quần bò người lớn nhãn hiệu GUCCI; 90 cái áo len người lớn nhãn hiệu LOUIS VUITTON.
Ngay sau đó, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra xe ô tô BKS 29H-091.24 do ông Chu Văn Bản, trú tại xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn điều khiển. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe đang vận chuyển 17 loại hàng hóa được sản xuất ngoài Việt Nam, gồm: 130 cái túi xách nữ nhãn hiệu GUCCI; 320 cái túi xách nữ nhãn hiệu CHANEL có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Trước đó, cuối tháng 10 vừa qua, trong quá trình kiểm soát, do nghi ngờ có vận chuyển hàng trái phép, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra xe ô tô chở khách BKS 29B-03043 do ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1982 trú tại thôn 4, đội 7, xã Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên điều khiển.
Tại thời điểm kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trên xe có vận chuyển 23 mặt hàng sản xuất ngoài Việt Nam không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.
Trong số hàng hóa trên có 30 hộp bột ngũ cốc dinh dưỡng đóng hộp loại 800gam/hộp; 60 chiếc máy sấy tóc Panasonic 3100 2600W và 36 bộ sản phẩm phẩm mỹ phẩm nhãn hiệu CHANEL có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng chính hãng của Panasonic và CHANEL. Sau khi kiểm tra và xác minh toàn bộ hàng hóa trên, Tổ công tác đã lập hồ sơ vụ việc, tạm giữ, niêm phong, gửi mẫu giám định các mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu cho chủ sở hữu quyền đại diện hàng hóa đã được bảo hộ tại Việt Nam để có cơ sở pháp lý xử lý theo quy định.
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng hoá sản xuất ngoài Việt Nam giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam... vẫn diễn ra khá phức tạp, nhất là dịp cuối năm.
Để ngặn chặn tình trạng này, ngoài nỗ lực của các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng thực thi chống hàng giả… Các chuyên gia khuyến nghị cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khảo sát thực trạng và xu hướng của hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để hiểu rõ hơn về các hành vi của thị trường.
Để trấn áp hàng hóa giả mạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 334/QĐ-BCT ngày 24/1/2018 về đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020.