Liệu Mỹ - Trung có đạt được “thỏa thuận tuyệt vời”?

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại cấp cao trong tuần này khi họ đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận có thể là bước đi đầu tiên trên con đường dài dẫn đến “hòa bình kinh tế” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông Trump thề phải đạt được thỏa thuận tốt nhất với Trung Quốc. Nguồn: internet
Ông Trump thề phải đạt được thỏa thuận tốt nhất với Trung Quốc. Nguồn: internet

Nỗ lực đạt được thỏa thuận

Robert Lighthizer - nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ đến thăm Bắc Kinh vào thứ Năm và thứ Sáu, trong khi nhà đàm phán hàng đầu Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã lên kế hoạch tới Hoa Kỳ vào tuần tới.

Điều đó cho thấy hai bên vẫn quyết tâm đạt được thỏa thuận nhằm tránh cho cuộc chiến thương mại leo thang hơn nữa - cuộc chiến đã kéo dài 8 tháng với việc hai bên  áp thuế lên tổng cộng là 360 tỷ USD hàng hóa của nhau.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh trong tuần này, Lighthizer nói rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận, nhưng không hy vọng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. “Chúng tôi làm việc với nó”, Light Lighthizer nói với Đài phát thanh National Public Radio. “Nếu có thể đạt được một thỏa thuận, chúng tôi sẽ nỗ lực để thực hiện. Nếu không, chúng tôi sẽ tìm một kế hoạch khác”.

Các nhà đàm phán của Mỹ đã bày tỏ sự lo ngại rằng Trung Quốc có thể rút lại các cam kết trước đó, trong khi các quan chức ở Bắc Kinh đã thể hiện sự phản ứng đối với các đề xuất mà họ coi là một chiều. Vì lẽ đó, kế hoạch cho một Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký kết thỏa thuận đã bị đẩy lùi tới ít nhất là cuối tháng Tư.

“Tổng thống đang mong muốn một thỏa thuận”, Keith Packard - cố vấn chính sách thương mại tại Viện R Street (một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington) cho biết. “Tôi không nghĩ là ông ấy (Trump) muốn bước vào năm 2020, thời điểm tái tranh cử, mà không có gì trong tay”.

Cuối tháng trước ông Trump đã khơi dậy sự lạc quan về một bước đột phá lớn trong quan hệ kinh tế giữa hai nước khi ông quyết định trì hoãn việc nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và gợi ý rằng ông và ông Tập có thể ăn mừng một thỏa thuận tại “Hội nghị thượng đỉnh ký kết”. Tuy nhiên sau đó ông Trump đã cảnh báo rằng có thể sẽ không ký thỏa thuận nếu mọi thứ không theo ý mình.

Ông Trump phát biểu với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa hôm thứ Ba rằng ông không có kế hoạch với một thỏa thuận thấp hơn một “thỏa thuận tuyệt vời” với Trung Quốc, theo Thượng nghị sĩ Marco Rubio - người tham dự cuộc họp cho biết.

Không loại bỏ hoàn toàn thuế quan?

Nhưng sự nghi ngờ ngày càng lớn về một kịch bản lý tưởng đối với các nhà đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp – đó là loại bỏ hoàn toàn thuế quan - sẽ được thông qua. Ông Trump cho biết tuần trước ông có kế hoạch giữ thuế quan đối với các sản phẩm của Trung Quốc cho đến khi ông chắc chắn rằng Bắc Kinh đang tuân thủ bất kỳ thỏa thuận nào, với lý do lo ngại rằng họ đã không tuân thủ các cam kết trước đó.

Câu hỏi về việc có nên dỡ bỏ các mức thuế quan hiện tại hay không đang là một trong những vấn đề khó giải quyết nhất, và có khả năng một mức thuế sẽ được giữ nguyên, Tim Keeler - một luật sư tại Mayer Brown, người từng giữ chắc vụ Chánh văn phòng cho cựu đại diện thương mại mỹ Susan Schwab, nói. “Các cuộc đàm phán thương mại nghiêm túc sẽ mất nhiều thời gian hơn mọi người mong muốn hoặc dự đoán”, theo Keeler.

Ngay cả sau khi thỏa thuận được ký kết, quan hệ thương mại giữa hai cường quốc này có thể sẽ vẫn căng thẳng trong một thời gian trước khi họ tìm được một trạng thái cân bằng mới trong mối quan hệ kinh tế của họ.

Một số chiến lược gia thị trường đã dự báo rằng, nhiều khả năng hai bên sẽ tiến tới một thỏa thuận “đình chiến” kéo dài, thay vì đảo ngược chính sách thuế quan. Trong một lưu ý nghiên cứu hồi đầu tháng này, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cho biết, kịch bản cơ sở của họ là dù hai bên đạt được bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ “giữ lại một số thuế quan của Mỹ, có khả năng nâng chúng trong các giai đoạn khi các cam kết được đáp ứng”.

BNP Paribas cũng có chung quan điểm đó. Trong một lưu ý, chiến lược gia tỷ giá Laurence Mutkin và nhà kinh tế dầu mỏ Harry Tchilinguirian dự đoán các cuộc đàm phán sẽ kết thúc với thuế quan “ổn định” với một số sắc thuế của Mỹ vẫn được giữ nguyên. "Chúng tôi cho rằng căng thẳng sẽ tiếp tục ngay cả sau khi thỏa thuận đã đạt được, khi các nhà lãnh đạo chính trị cố gắng giành lợi thế thương mại ở nước ngoài và các điểm chính trị tại quê nhà”.

Hiện hai nước vẫn đang cố gắng để thu hẹp bất đồng, nhưng xem ra là rất khó. Một số nhà đàm phán của Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang trì hoãn việc thực hiện các yêu cầu của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại, theo những nguồn tin quan thuộc với các cuộc đàm phán. Các quan chức Trung Quốc đã rút lại những cam kết về các vấn đề chính như chính sách sở hữu trí tuệ sau khi không nhận được sự đảm bảo từ chính quyền Trump rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế quan hiện tại, một nguồn tin nói.