Lộ diện động lực tăng trưởng mới của Trung Quốc


Trung Quốc đặt kỳ vọng cao vào lực lượng sản xuất mới trong việc hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trung Quốc nỗ lực đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất mới
Trung Quốc nỗ lực đẩy nhanh sự phát triển của lực lượng sản xuất mới

Trong thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo và truyền thông Trung Quốc thường xuyên sử dụng cụm từ “lực lượng sản xuất mới” khi thảo luận về cách khôi phục và chuyển đổi nền kinh tế. Cụm từ này càng nổi bật hơn sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình gọi khái niệm này là yếu tố hàng đầu để thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế Trung Quốc.

Được biết, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra khái niệm này lần đầu tiên trong chuyến thăm tỉnh Hắc Long Giang ở phía Đông Bắc Trung Quốc vào tháng 9 năm ngoái, khi ông liệt kê “năng lượng mới, vật liệu mới và sản xuất công nghệ cao” là những ngành công nghiệp cần trở thành lực lượng sản xuất mới.

Trung Quốc từ lâu đã xác định phát triển chất lượng cao và đổi mới công nghệ là động lực mới trong chiến lược tăng trưởng nhằm giúp nền kinh tế nước này tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng năm vừa qua đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực sản xuất và bất động sản.

Đất nước này cũng đang bị ảnh hưởng bởi thị trường bất động sản suy yếu, đầu tư tư nhân sụt giảm và dân số già hóa - tất cả những điều này đã cản trở sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc sau ba năm kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt. Áp lực từ bên ngoài cũng là một yếu tố, với nhu cầu toàn cầu yếu và các biện pháp hạn chế thương mại từ Mỹ.

“Các lực lượng sản xuất mới sẽ dẫn đầu sự đổi mới và phá vỡ mô hình phát triển khỏi các động lực kinh tế truyền thống,” Chủ tịch Tập Cận Bình nói vào ngày 31/1 khi chủ trì một phiên thảo luận của Bộ Chính trị Trung Quốc. Ông Tập cho biết: "Sự đổi mới độc đáo và đột phá trong nước sẽ ươm tạo các ngành công nghiệp mới, mô hình mới và động lực mới để giúp đất nước đạt được sự tự chủ về khoa học và công nghệ nhằm chiến đấu trong cuộc chiến về các công nghệ cốt lõi”.

“Lực lượng sản xuất mới sẽ dẫn đầu trong việc xây dựng một mô hình công nghiệp hiện đại hóa,” ông Tập nói thêm, đồng thời cho biết thêm rằng sự đổi mới phải được áp dụng một cách thiết thực cho các chuỗi công nghiệp và giá trị. Đầu tư xanh, nền kinh tế kỹ thuật số, khoa học và công nghệ đều được coi là chất xúc tác tiềm năng cho tăng trưởng và gắn liền với khái niệm này.

Theo báo cáo từ China Central, sau chuyến thăm của ông Tập, tỉnh Hắc Long Giang đã công bố kế hoạch nhằm đẩy nhanh việc hình thành lực lượng sản xuất mới, đồng thời xác định 24 ngành công nghiệp, trong đó có nhiều ngành liên kết với sản xuất công nghệ cao để nhận được nhiều hỗ trợ hơn.

Tuy nhiên, sản lượng của lĩnh vực sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc chỉ tăng 2,7% trong năm ngoái, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ khi Cục Thống kê Quốc gia bắt đầu công bố dữ liệu vào năm 2018. Trong khi đầu tư vào sản xuất công nghệ cao tăng 9,9% vào năm ngoái, đây cũng là tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2015.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường tới Thiểm Tây, một tỉnh công nghiệp hóa mạnh ở phía Tây Bắc, ông đã chỉ ra những thách thức khác, đồng thời kêu gọi các lực lượng sản xuất mới để thúc đẩy nền kinh tế. Ông Lý cho biết các nhà sản xuất nên sẵn sàng chi tiền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để cạnh tranh với các công ty trên thị trường toàn cầu. Hiện, Trung Quốc đã trở thành nước chi tiêu lớn thứ hai cho R&D; mặc dù vậy nước này vẫn tụt hậu so với Mỹ.

Theo ông Huang Qifan, cựu Thị trưởng Trùng Khánh, điểm nghẽn lớn nhất của Trung Quốc trong quá trình hiện đại hóa nền kinh tế nằm ở những hạn chế trong việc phát triển các dịch vụ sản xuất, chẳng hạn như điện toán đám mây, máy tính hoặc tư vấn tài chính và pháp lý.

Ông nói với SCMP: “Nếu một quốc gia có ngành sản xuất lớn nhưng tỷ trọng dịch vụ sản xuất thấp, thì chỉ có thể sản xuất các sản phẩm có giá trị trung bình đến thấp. Chúng ta có thể sản xuất thiết bị mới nhất cho mạng 5G, nhưng chúng ta không thể sử dụng nó. Điều này giống như việc xây dựng một bến cảng nhưng không có người điều hành, sửa đường nhưng không có ô tô”.

Jon Taylor, Trưởng khoa khoa học chính trị của Đại học Texas ở San Antonio nhận định, việc Trung Quốc sử dụng cụm từ lực lượng sản xuất mới nhấn mạnh giai đoạn tiếp theo của việc thương mại hóa công nghệ và khoa học khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi việc củng cố khả năng tự lực về công nghệ cốt lõi.

“Chủ tịch Tập không còn chấp nhận một nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả, do đó ông ấy nhấn mạnh vào việc mở rộng năng lực đổi mới công nghệ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang suy nghĩ lại một số khía cạnh quan trọng về cách điều hành nền kinh tế, bao gồm quyền sở hữu nhà nước và phân bổ nguồn lực cho các động lực kinh tế mới", ông Jon chỉ ra và nhấn mạnh thế giới sẽ nhanh chóng cảm nhận sự thay đổi lớn trong cơ cấu sản xuất của Trung Quốc trong thời gian tới.

Theo Cẩm Anh/Diendandoanhnghiep.vn