Lo sợ bị phạt nặng, dân nhậu xài bia không cồn
Các "dân nhậu" cho rằng bia không cồn sẽ là một giải pháp giúp gỡ khó cho nhiều người không muốn uống bia nhưng vẫn phải tham gia các cuộc tiếp khách, chiêu đãi. Giúp giữ văn hóa uống bia, mời bia trong tiệc tùng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như vi phạm khi tham gia giao thông.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 và có hiệu lực chỉ sau đó 2 ngày, tức ngày 1/1/2020, nâng mức phạt người uống rượu bia lái xe lên rất cao. Cả mức phạt tiền cao nhất đối với ôtô và xe máy và hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe tăng lên rất nhiều so với trước đây.
Vì lo sợ bị phạt nặng, nhiều người đã chọn giải pháp mua bia không cồn để trên xe rồi mang tới các cuộc nhậu để sử dụng. Mục đích là để không bị lạc lõng với bạn bè và sau đó vẫn lái được xe về.
Bia không cồn được xem là "đồ uống giống bia" nhưng có độ cồn cực thấp (không quá 0.5%).
Xét về nguyên liệu và quy trình sản xuất ra bia không cồn, có thể nói nó giống như bia truyền thống. Khác là, nếu bia truyền thống được đóng chai ngay sau quá trình nấu, lên men... kết thúc thì bia không cồn còn cần trải qua quá trình xử lý hết cồn trước khi thành phẩm.
Ý tưởng về loại bia không cồn lần đầu xuất hiện ở Mỹ vào năm 1919. Đó là thời kỳ lệnh cấm rượu bia đang có hiệu lực trên toàn lãnh thổ quốc gia này. Khi đó luật pháp Mỹ quy định các loại đồ uống chỉ được phép có độ cồn tối đa là 0,5 độ. Đây quả thực là một con số vô lý, vì thậm chí cả loại bia không cồn ngày nay cũng chỉ lấy đó làm mức trần cho độ rượu của mình. Vì vậy, thời điểm đó một số nhà máy bia ở Mỹ đã bắt đầu sản xuất "đồ uống giống bia", loại nước có màu nhợt nhạt, gần như vô vị, và có độ cồn đúng ở mức 0,5 độ.
Mười ba năm sau, lệnh cấm trên đã được bãi bỏ, nhưng ảnh hưởng của nó thì vẫn còn tiếp tục. Nhiều người Mỹ đã trở nên quen thuộc với loại bia siêu nhẹ, vị ngòn ngọt (so với các loại bia được dùng trong các cuộc nhậu). Đối với những nhà máy bia đã làm ra loại "đồ uống giống bia" trong khoảng thời gian lệnh cấm có hiệu lực, thật dễ dàng để họ tiếp tục sản xuất như bình thường, nhưng có thêm một chút cồn vào sản phẩm. Đây chính là một phần nguyên nhân của sự phổ biến của loại bia nhẹ ở Mỹ (Miller, Coors, Pabst, Bud, ...) ngày nay.
Tại Việt Nam, ngoài những sản phẩm được nhập khẩu từ các nước ngoài về, cũng có một loại bia không cồn được sản xuất từ năm 2014. Với mức phạt tiền cao nhất đối với ôtô, xe máy và hình thức phạt bổ sung tước giấy phép lái xe nâng lên rất nhiều so với trước đây từ nghị định 100/2019, thì bia không cồn có lẽ sẽ dần trở thành lựa chọn của người tiêu dùng Việt.
Các "dân nhậu" cho rằng bia không cồn sẽ là một giải pháp giúp gỡ khó cho nhiều người không muốn uống bia nhưng vẫn phải tham gia các cuộc tiếp khách, chiêu đãi. Giúp giữ văn hóa uống bia, mời bia trong tiệc tùng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự tỉnh táo...
Tuy nhiên, bia không cồn dù uống không say, nhưng vẫn còn chứa một lượng cồn nhất định dù nhỏ. Một số người cơ địa nhạy cảm có thể có phản ứng "say" ngay cả với bia không cồn.
Một người bình thường không nên uống quá 4 lon bia với độ cồn khoảng 3%, để giữ được sự tỉnh táo và hạn chế sự tác động của bia và chất cồn tới cơ thể. Như vậy với bia không cồn (0.5% độ cồn) thì sẽ uống được khoảng 20 lon.
Nếu xét về khoa học và dinh dưỡng thì bia không cồn an toàn hơn và tốt hơn cho sức khỏe người uống so với bia truyền thống. Nhưng uống quá nhiều cũng sẽ gây khó tiêu, nặng bụng.
Ngoài ra có thể nói bia không cồn chứa lượng cồn cực thấp nhưng không thể khẳng định nó tuyệt đối không ảnh hưởng đến chức năng của gan, thận và nhiều bộ phận chức năng khác của cơ thể người uống.
Bên cạnh đó cũng không xác định chính xác được bia không cồn có sử dụng chất tạo mùi hay các chất kích thích thay thế nào khác để tạo sự hưng phấn khi uống bia hay không. Người dùng cũng nên đặt nghi vấn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cá nhân.
Hiện nay, giá của một thùng bia không cồn 24 lon trên thị trường đang dao động khoảng 760 - 840 nghìn đồng. Giá bán lẻ dao động khoảng 30 - 35 nghìn đồng/lon.
Trên thị trường Việt Nam, loại bia không cồn được sản xuất từ năm 2014 có giá bán một thùng bia loại 24 lon x 330ml vào khoảng 400 nghìn đồng. Tuy vậy, loại bia này cũng không bán phổ biến tại các cửa hàng tiện lợi.
Ngày 30/12, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 của Chính phủ với nhiều điểm mới. Nghị định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.
Nghị định sửa đổi 21 điều với 39 hành vi, nhóm hành vi được sửa đổi, mô tả lại; 55 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung; 21 hành vi, nhóm hành vi được bổ sung, mô tả lại theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 46. Đặc biệt, dự thảo tăng mức xử phạt đối với 50 hành vi, nhóm hành vi vi phạm.
Đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn (mức 3), ma túy. Nghị định cũng bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn mức 1 đối với xe mô tô theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy.
Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Nghị định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016 trước đây quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 4 - 6 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 ngàn đồng. Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy Nghị định cũng tăng mức phạt tương tự.