Lộ trình nâng hạng tín nhiệm quốc gia

Barry David Weisblatt - Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán VPBank

(Tài chính) Đây là lần nâng mức tín nhiệm đầu tiên của Moody’s đối với Việt Nam kể từ năm 2005 và đó thực sự là một bước tiến đáng kể.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng rằng, Chính phủ sẽ đặt ra mục tiêu nâng xếp hạng quốc gia lên  mức “Đầu tư” trong vòng 10 năm tới cũng  như sẽ hợp tác tích cực hơn với Moody’s hoặc các tổ chức xếp hạng khác để đặt ra một lộ trình cụ thể cho mục tiêu này.

Để đạt được mức tín nhiệm “Đầu tư” cần phải được xếp hạng ở mức Baa3 theo chuẩn của Moody’s và tương đương BBB theo chuẩn của S&P hoặc Fitch. Đây là tiêu chuẩn quan trọng vì nhiều quỹ đầu tư toàn cầu có chính sách chỉ đầu tư vào các trái phiếu ở nhóm “Đầu tư”, do đó, họ không được phép đầu tư vào trái phiếu Chính phủ Việt Nam.

Ngoài ra, xếp hạng nợ của các công ty trong nước thường bị giới hạn bởi “trần Quốc gia”, tức là rất khó cho một công ty ở Việt Nam có thể có mức xếp hạng tín nhiệm cao hơn của Chính phủ. Với chính sách không nắm giữ trái phiếu có độ tín nhiệm dưới nhóm “Đầu tư”, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thể mua và giữ các trái phiếu từ các công ty Việt Nam.

So sánh với các quốc gia láng giềng

Chúng ta có thể thấy tác động của việc được xếp hạng trong nhóm “Đầu tư” tới lãi suất trái phiếu Chính phủ khi nhìn sang các quốc gia láng giềng.

Hiện tại, Indonesia và Philippines có xếp hạng Baa3 – mức thấp nhất trong nhóm “Đầu tư”. Thái Lan được đánh giá cao hơn hai cấp, ở mức Baa1. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm của Thái Lan là 3,08%, chỉ cao hơn 0,73% so với tỷ lệ lạm phát.

Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm của Philippines được giao dịch ở mức 2,291%, thấp hơn mức lạm phát 4,4% của quốc gia này. Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm của Indonesia đang được giao dịch ở mức lãi suất 7,801%, cao hơn so với tỷ lệ lạm phát 6,7%.

Ngược lại, trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm của Việt Nam hiện có mức lãi suất 6,85%, cao hơn 2% so với tỷ lệ lạm phát. Nguyên nhân của việc mức lãi suất thực ở mức cao của trái phiếu là do xếp hạng tín nhiệm hiện đang ở mức thấp. Do được xếp hạng đánh giá ở nhóm “Đầu tư” và lạm phát ổn định, chi phí lãi vay của Chính phủ Việt Nam có thể ở mức thấp hơn 4%, theo đó sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách.

Các công ty Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ việc nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Hiện tại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang có lợi thế hơn các công ty trong nước do khả năng tiếp cận dòng vốn nước ngoài với chi phí rẻ hơn.

Chi phí đi vay thấp hơn giúp các công ty này mở rộng quy mô hiệu quả hơn và cải thiện được khả năng sinh lợi. Các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đã ghi nhận hoạt động xuất khẩu đạt tăng trưởng bình quân năm (CAGR) là 21% kể từ năm 2005, cao hơn mức 10% của các doanh nghiệp trong nước cùng thời gian. Việc cải thiện xếp hạng tín dụng và chi phí vay vốn của các doanh nghiệp Việt Nam có thể giúp các doanh nghiệp này đạt được mức tăng trưởng như các doanh nghiệp FDI.

Có lẽ quan trọng hơn cả, người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ mức tín nhiệm  ”Đầu tư”. Thái Lan, Indonesia và Philippines có mức thu nhập GDP bình quân đầu người/năm lần lượt đạt 5.779 USD, 3.475 USD và 2.765 USD so với 1.911 USD của Việt Nam. Có sự liên kết trực tiếp giữa xếp hạng tín nhiệm nợ của quốc gia và mức độ giàu có của cá nhân.

Chính phủ đã có những bước đi hiệu quả để đạt được mức xếp hạng  B1. Đầu tiên là, kiểm soát lạm phát xuống mức hiện tại chỉ còn 4,80%. Thành tích này phần lớn là do cán cân thương mại được cải thiện, đạt mức thặng dư 1,26 tỷ USD theo báo cáo  mới nhất. Thặng dư thương mại  cho phép Chính phủ nâng dự trữ ngoại hối lên mức 35 tỷ USD tính đến tháng 7/2014 và đã giúp Chính phủ duy trì tỷ giá ổn định trong ba năm qua.

Phải tiếp tục tái cấu trúc ngành ngân hàng

Để có thể chuyển từ mức hiện nay là B1 lên bảy cấp đạt Baa3 – mức “Đầu tư” là không dễ dàng. Với mục tiêu này, Chính phủ phải giải quyết vấn đề tái cấu trúc ngành ngân hàng. Chính phủ đã đề ra một số biện pháp khi thông qua Thông tư 02 và Thông tư 09 và việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tuy nhiên, những chuyển biến trên lại quá chậm. VAMC vẫn chưa đạt được mục tiêu mua bán nợ xấu trong năm nay. Tính đến thời điểm hiện tại, VAMC đã mua 50.721 tỷ đồng nợ xấu, nhưng chưa lên bất kỳ kế hoạch thực tế nào để thanh lý tài sản thế chấp của các khoản vay này. Kết quả là, các ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ, thay vì cho vay để sản xuất.

Đây là dấu hiệu của của một nền kinh tế yếu kém. Trước khi khủng hoảng tại khu vực đồng Euro diễn ra, các ngân hàng nội địa ở một số nước trong khu vực đồng Euro đã giữ một tỷ lệ lớn nợ Chính phủ. Tỷ lệ này ở Đức lên đến gần 30%, khoảng 20% ở Tây Ban Nha??, khoảng 10% ở Pháp, Hy Lạp, Italia, Hà Lan và Bồ Đào Nha. Ngược lại, tỷ lệ này không đáng kể tại Mỹ và Anh.

Việt Nam cần phải xây dựng một hệ thống ngân hàng lành mạnh, nơi các ngân hàng cho vay đối với các hoạt động sản xuất, thay vì mua trái phiếu Chính phủ. Đó là một bước trong quá trình cải thiện xếp hạng nợ Chính phủ của Việt Nam lên  mức ”Đầu tư” và gia tăng lợi ích của người dân.