"Loạn" quy hoạch", "rối" thị trường

Bùi Dung

TCTC Online - Trong khi những ồn ào xung quanh việc Chính phủ ra tay giải cứu “con tàu khổng lồ” sắp đắm Vinashin vẫn chưa lắng dịu, thì mới đây một sự kiện thời sự kinh tế khác thu hút được sự chú ý của dư luận là việc Hiệp hội Thép Việt Nam liên tiếp có các công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chấn chỉnh ngay việc cấp giấy phép đầu tư trong ngành Thép nhằm cứu ngành này đứng trước nguy cơ vỡ quy hoạch, kéo theo hàng loạt những hậu quả khó lường khác có thể xảy ra. Điều đáng nói ở đây là câu chuyện vỡ quy hoạch hiện không chỉ đang xảy ra với riêng ngành Thép, mà còn ở không ít ngành kinh tế khác.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 145/2007/QĐ-TTg về quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025. Sau hơn 3 năm thực hiện, những tưởng ngành Thép đã đi vào khuôn khổ nhưng thực tế lại cho thấy tình trạng phá vỡ quy hoạch đã liên tục xuất hiện ở nhiều địa phương.

Kết quả kiểm tra quy hoạch ngành Thép giai đoạn 2007-2015 do Bộ Công Thương vừa công bố cho thấy, đến nay, đã có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong số này có 2 dự án đã đưa vào sản xuất, 3 dự án đang hoàn chỉnh, dự kiến đưa vào sản xuất đầu năm 2009. Như vậy, từ năm 2007 đến nay, số lượng dự án ngoài danh mục quy hoạch lớn hơn cả số lượng dự án trong quy hoạch (23 dự án).

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, so với mức tiêu thụ thép năm 2009 (năm có mức tiêu thụ thép khá cao) thì công suất lắp đặt của các nhà máy hiện nay đều đã vượt gấp đôi trở lên, gây nguy cơ dư thừa thép, lãng phí trong đầu tư cũng như tranh giành thị phần tiêu thụ thép. Hiệu quả kinh tế của các nhà máy thép rất thấp. Điều đáng nói là trong khi sản lượng các loại thép đều trong tình trạng dư thừa thì các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu, tiêu tốn ngoại tệ lại chưa thu hút được các DN đầu tư.

Các chuyên gia cảnh báo, hậu quả từ “bài học thép” sẽ đắt giá hơn rất nhiều vì có nguy cơ biến Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới và ô nhiễm môi trường nhiều thế hệ. Thực trạng này nếu không sớm được chấn chỉnh sẽ gây tổn thất lớn cho nền kinh tế và sẽ trở thành tiền lệ xấu cho các lĩnh vực khác.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng vỡ quy hoạch trong ngành Thép là việc từ năm 2005 trở lại đây, giá thép trong nước và quốc tế ngày càng tăng làm cho các dự án sản xuất thép thỏi trở nên hấp dẫn hơn, nên các DN đã đổ xô vào đầu tư rất nhiều, kể cả trong nước và nước ngoài… Các địa phương cũng vì thành tích và nôn nóng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở địa phương, rất muốn kêu gọi đầu tư vào ngành Thép nhưng lại không tuân thủ theo quy hoạch nên mới xảy ra tình trạng đầu tư tràn lan. Điều đáng lo ngại nhất là việc cấp phép dự án thép tràn lan đã vượt quá công suất trong quy hoạch ngành Thép, thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp cân đối giữa sự phát triển của các ngành khác như điện, nước, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển.

Tiến trình công nghiệp hóa đất nước đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ các quy hoạch phát triển ngành để tránh sự chồng chéo, lộn xộn. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng phá vỡ quy hoạch hoặc quy hoạch "treo" đang diễn ra rất phức tạp. Cách thức quản lý "trên bảo dưới không nghe", sự xung đột lợi ích cũng như kiểu phát triển theo phong trào khiến tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng. Câu chuyện của ngành Thép không làm ngạc nhiên nhiều người bởi có vẻ như nó chỉ “nối dài” danh sách trào lưu “làm công nghiệp” theo cảm tính và mong muốn chủ quan của các DN và các địa phương dẫn đến việc "vỡ quy hoạch" như hiện nay.

Có rất nhiều ví dụ dẫn chứng cho thực trạng này. Ngành Mía đường là một ví dụ. Theo quy hoạch phát triển mía đường mà Chính phủ ban hành năm 2007 thì tới năm 2010, Việt Nam sản xuất được 1,5 triệu tấn đường. Thế nhưng đến thời điểm này thì kế hoạch này là vô cùng khó bởi với diện tích, năng suất đều giảm và hai năm qua, mỗi năm 40 nhà máy đường chỉ sản xuất 1,2 triệu tấn đường, Bộ Công Thương đã phải cấp hạn ngạch cho các nhà máy sữa, bánh kẹo nhập khẩu đường. Ngành Cao su cũng không phải là ngoại lệ.

Bốn năm trước, Tập đoàn Công nghiệp Cao su (VRG) đã đặt ra chỉ tiêu tới năm 2010, cả nước có 1 triệu ha cao su (lúc ấy cả nước chỉ có 600.000 ha). Nay diện tích cao su, kể cả đầu tư trồng ở Lào hay Campuchia tính gộp vào vẫn chưa tới 700.000 ha, xuất khẩu mủ cao su vẫn là chủ lực, trong khi đó VRG lại đang triển khai hành loạt dự án đầu tư ngoài ngành từ thủy điện, khách sạn, khu công nghiệp, thậm chí là cả chứng khoán, ngân hàng... Ngành Xi măng cũng đang loạn vì tình cảnh quy hoạch bị vỡ vụn. Trong vòng 12 năm đã 3 lần Thủ tướng Chính phủ phải liên tục điều chỉnh qui hoạch, cho thấy các nhà máy càng về sau càng phá vỡ quy hoạch, đua nhau "bao vây" các đô thị lớn và vùng danh lam thắng cảnh, phá nát cảnh quan môi trường.

Nhìn ở một góc độ khái quát, có thể thấy hạn chế lớn nhất của nhiều ngành kinh tế hiện nay chính là những yếu kém, hạn chế ở năng lực và tầm nhìn còn giản đơn, tư duy phiến diện và áp đặt chủ quan trong quy hoạch phát triển; bên cạnh đó là xu hướng phát triển theo chiều rộng, đầu tư dàn trải vẫn đang phổ biến, trong khi năng lực quản lý không theo kịp, từ đó đã gây ra những lỗ hổng lớn và nguy hiểm liên quan đến sự tồn vong của mỗi DN, và sự ổn định bền vững của cả nền kinh tế... Tình trạng đầu tư dàn trải, loạn quy hoạch trong các ngành kinh tế chủ chốt không sớm được cải thiện và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn tiếp tục bị buông lỏng quản lý, như với trường hợp Vinashin, thì trong tương lai có thể nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn.
 

Các quy hoạch phát triển của nhiều ngành liên tục bị phá vỡ đã gây ra nhiều xáo trộn. Những mía đường, cao su, bông vải, xi măng... và đến nay là khoáng sản, thép… đang là bài học rất thời sự, cần hành động quyết liệt của Chính phủ khi có ngay một cú “phanh” cần thiết trước khi bài học cũ lại lặp lại và gây ra những hậu quả nhỡn tiền.