Lời giải cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 1%
Tại báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, chưa đến 1%.
Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân dẫn tới tiến độ giải ngân thấp là do lãi suất cho vay cao, thời hạn ngắn chưa thu hút người vay.
Thông tin về tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết, ngân hàng BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng.
Ngân hàng Vietinbank đã giải ngân cho 01 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng. Ngân hàng Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng cho biết, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) có trách nhiệm tham gia Chương trình hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng.
Phân tích, làm rõ các yếu tố khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đạt tiến độ giải ngân thấp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, gói tín dụng này hiện gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế dù đã có 129 dự án nhà ở xã hội với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng.
Tuy nhiên, Người đứng đầu ngành Xây dựng cho biết, hiện tại, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng như: Không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hai lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà. Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn ở mức cao, trong khi thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên "chưa thực sự thu hút người vay".
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện và tiêu chí vay ưu đãi. Một số đã được cắt giảm như điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, giúp chủ đầu tư sớm được công bố danh mục vay vốn để tiếp cận với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Để việc giải ngân gói hỗ trợ tín dụng này đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Cùng với đó, rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở. Theo đó, xác định các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp về rút gọn thủ tục pháp lý đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.
Đồng thời, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương cho các đối tượng tham gia được vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.