Lợi ích khó ngờ từ các loại sữa hạt
Với nhu cầu sử dụng sữa thực vật đang ngày càng tăng lên, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu qua một số loại sữa thực vật phổ biến được chế biến từ các hạt đậu, trái cây…
Sữa đậu nành
Đây là một trong những loại sữa phổ biến được sử dụng để thay thế cho sữa bò. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sữa đậu nành gần nhất với sữa bò, phù hợp cho những ai không tiêu hóa được chất lactose có trong sữa động vật.
Ngoài ra, sữa đậu nành có thể giúp người uống tạo nên một chế độ ăn uống cân bằng. Các nguồn hoạt chất estrogen và progesterone trong sữa đậu nành còn giúp cân bằng nồng độ hormone của phụ nữ. Sữa đậu nành cũng không có cholesterol và chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn và axit béo cần thiết, giúp giảm cholesterol và tăng cường sức khỏe cho tim mạch. Tuy nhiên, trẻ nhỏ hay người dị ứng với một số thành phần trong đậu nành nên cân nhắc việc sử dụng loại sữa này.
Sữa hạnh nhân
Lựa chọn thứ hai trong sữa thực vật chính là sữa hạnh nhân. Do loại sữa này không chứa đường, có lượng calo thấp và ít carbohydrate nên phù hợp với người có chế độ ăn ít carbohydrate.
So với gạo và sữa đậu nành, sữa hạnh nhân có nhiều vitamin và khoáng chất nhất bao gồm đồng, kẽm, sắt, magiê, canxi, kali…
Ngoài ra, hàm lượng các axit béo không bão hòa đơn cao (MUFA) có thể hỗ trợ cho việc giảm cân và kiểm soát cân nặng của người uống. Loại sữa thực vật này còn là nguồn cung cấp vitamin chống oxy hóa tự nhiên, cũng như không làm tăng lượng đường trong máu, nên có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý việc chọn sữa hạnh nhân được đóng hộp sẵn bởi một số loại có chứa chất phụ gia có thể gây viêm ruột hoặc chứa lượng đường nhiều.
Sữa yến mạch
Sữa yến mạch bổ dưỡng và chứa nhiều chất xơ hòa tan, giàu vitamin và canxi, cũng như có hàm lượng chất béo bão hòa thấp. Sữa yến mạch chứa nhiều chất beta-glucans (chất xơ hòa tan) giúp giảm lượng cholesterol trong máu. Sữa thực vật này còn giúp tăng cường sức khỏe của xương vì giàu canxi và vitamin D. Chất xơ hòa tan trong sữa yến mạch giúp người thường được tiêu hóa chậm nên giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Lưu ý: bạn nên chọn sữa yến mạch không đường hoặc ít đường vì nếu nhiều đường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật trong đường ruột.
Sữa gai dầu
Sữa gai dầu được làm từ hạt gai dầu, giàu chất protein, chất béo không bão hòa omega-3, omega-6 cũng như không có chứa carbohydrate tự nhiên. Vì giàu axit béo omega-3 nên sữa gai dầu có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, cũng như tăng cường sức khỏe làn da.
Sữa dừa
Là sữa được làm từ phần cơm trắng của quả dừa (hay còn gọi là cùi dừa). Sữa dừa có hương vị dễ chịu và có ít protein hơn sữa hạnh nhân. Lợi ích của sữa sừa: các chất béo triglyceride trong sữa dừa giúp cải thiện mức năng lượng, hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các chất béo trung tính có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách thúc đẩy mức cholesterol HDL (tốt) và giảm cholesterol xấu. Tuy nhiên, người uống không nên uống nhiều sữa dừa do chất carbohydrate có trong sữa dừa có thể dẫn đến tình trạng tăng cân nặng cũng như gây cho hệ tiêu hóa các vấn đề không tốt như táo bón hoặc tiêu chảy.
Sữa gạo
Sữa gạo được làm bằng cách kết hợp gạo xay một phần với nước. Vị của loại sữa này có vị ngọt ngào và có nhiều hương vị khác nhau. Sữa gạo là loại ít gây dị ứng nhất so với các lựa chọn sữa khác và có lượng mangan và selen cao nhất so với các sản phẩm thay thế sữa khác.
Chất chống oxy hóa trong sữa gạo giúp ngăn ngừa sự tấn công của tình trạng nhiễm trùng và tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Sữa gạo có hàm lượng chất béo thấp, phù hợp cho chế độ ăn kiêng để giảm cân nặng. Ngoài ra, nó mang lại lợi ích cho những người bị thừa cholesterol. Sữa gạo còn là nguồn vitamin B dồi dào, có thể giúp cải thiện sự trao đổi chất, tuần hoàn và chức năng thần kinh, hỗ trợ thúc đẩy sức khỏe tim mạch.
Lưu ý: đối với trẻ em, nếu lựa chọn dùng sữa hạt thì nên bổ sung thêm protein và dinh dưỡng từ nhiều nguồn thực phẩm khác. Đối với người trưởng thành thì sữa có nguồn gốc thực vật chính là sự lựa chọn tốt nhất.