Lợi ích của Mỹ và một số nước
Mỹ
Là nước “cầm trịch” đàm phán TPP, Mỹ có rất nhiều lợi thế trong việc ấn định khung đàm phán sao có lợi nhất cho mình. Được 4 nước sáng lập TPP (ban đầu gọi là P4) mời tham gia năm 2008, Mỹ tiến hành tham vấn nội bộ với các nhóm lợi ích và Nghị viện nhưng chính quyền mới của Tổng thống B. Obama chỉ thật sự tham gia vào đàm phán TPP vào năm 2009.
Là thành viên lớn nhất dự kiến chiếm 57% tổng GDP và gần 40% tổng số dân của các nước TPP, Mỹ được coi là đối tác đàm phán quan trọng của hầu hết các nước. Việc gia nhập TPP của Mỹ sẽ giúp thúc đẩy thương mại nội khối và định hình mô hình kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ông Ron Kirk, đại điện thương mại Mỹ cho biết, tham vọng của Mỹ là muốn tăng xuất khẩu sang khu vực này lên gấp đôi và tạo ra 2 triệu việc làm cho người dân Mỹ trong vòng 5 năm tới.
Hiệp định TPP có thể định hình một khuôn khổ mới cho tự do hóa thương mại trong thế kỷ XXI khi vòng đàm phán Doha lâm vào bế tắc. TPP cũng giúp Mỹ vượt qua khó khăn là quốc hội phải phê chuẩn nhiều hiệp định song phương khác nhau. Với mục tiêu này, chiến lược đàm phán của Mỹ là cố gắng xây dựng một hiệp định thương mại toàn diện với mức độ cam kết cao nhất về nhiều mặt cả trong lĩnh vực thương mại và phi thương mại như lao động, môi trường, đầu tư, sở hữu trí tuệ, liên kết và cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước...
Các đề xuất Mỹ soạn cho đàm phán TPP luôn cố gắng tuân thủ đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được Mỹ ký kết thời gian vừa qua, đặc biệt là FTA Mỹ - Hàn Quốc. Ví dụ: quy định về quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS ++); hoặc quy định về đầu tư giúp cho các nhà đầu tư Mỹ "bành trướng" kinh tế cũng như phổ biến các quan điểm của Mỹ trong toàn bộ khu vực và định hướng cho các liên kết kinh tế trong tương lai.
Thực tế các đề xuất của Mỹ thực sự thiên vị cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Nhà trắng. Mỹ xác định rất rõ các lĩnh vực cần ưu tiên bảo hộ. Mỹ tập trung bảo vệ khu vực “dễ bị tổn thương” bao gồm các sản phẩm nông sản của nước này và khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (2 lĩnh vực tạo ra phần lớn việc làm tại Mỹ). Quan điểm này cũng được các bên tham gia TPP như New Zealand, Australia và Nhật Bản chắc chắn sẽ không dễ dàng đạt được thỏa thuận về vấn đề này.
Cách thức bảo hộ kiểu mới của Mỹ cũng sẽ gây bất lợi cho các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam. Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, việc giảm thuế quan hầu như không đáng kể so với các cam kết cắt giảm thuế quan hiện có. Điều đáng nói là các cam kết sâu hơn về thỏa thuận Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), các biện pháp về kiểm dịch động thực vật (SPS), môi trường, lao động và đầu tư sẽ nâng cao các rào cản phi thương mại khác, hạn chế đáng kể hàng hóa của các nước đang và kém phát triển.
Thương mại dịch vụ là một trong 3 ngành có thặng dư thương mại cao nhất của Mỹ. Các FTA mà Mỹ đã ký kết góp phần mở rộng và đẩy mạnh tăng trưởng thị trường dịch vụ cho nước này. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với hiệp định song phương Hoa Kỳ và Australia ký năm 2005, tốc độ tăng trưởng dịch vụ xuất khẩu sang Australia cao hơn hẳn các nước khác. Các lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu chủ yếu là vận tải và du lịch, nhượng tác quyền, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tài chính, bảo hiểm, viễn thông và giáo dục.
Theo phân tích của nhà nghiên cứu F.Fergussons, Mỹ cũng ưu tiên bảo vệ nhóm người nắm giữ tác quyền. Nhóm này tại Mỹ hiện đang nhận 40% tổng số tác quyền trên toàn thế giới (khoảng 100 tỷ USD/năm), nhiều hơn tổng lợi nhuận của 3 ngành hàng có thặng dư thương mại lớn nhất hiện nay của Mỹ là máy bay, ngũ cốc và dịch vụ. Theo đó, Mỹ đề xuất các quy định về sở hữu trí tuệ tương đương với TRIPS++ như tăng cường bảo hộ, các vấn đề về gia hạn thời gian bảo hộ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý giống như nhãn hiệu thương mại...
Một vấn đề nữa mà Mỹ đang lo ngại, đó là các thành viên mới tham gia đàm phán TPP có thể kéo dài thời gian và khó đi đến ký kết đúng lịch trình. Nhiều nhóm lợi ích phản đối sự gia nhập của Australia và Nhật Bản, vì sợ làm giảm việc làm của Mỹ trong ngành nông sản và ô tô. Để rút ngắn thời gian đàm phán, chủ trương của Mỹ là ưu tiên thỏa thuận với các đối tác chưa có FTA song phương với Mỹ. Thậm chí, Mỹ còn thẳng thừng từ chối Australia khi nước này đề nghị xem xét lại FTA đã ký liên quan đến việc mở rộng thị trường mía đường khi đàm phán TPP…
Một số nước khác
Chile, Peru và Mexico có thu nhập bình quân đầu người nằm ở mức trung bình của các quốc gia thành viên, đã đạt được thỏa thuận FTA với Mỹ. Mục tiêu mà các nước này tham gia đàm phán TPP hướng tới là đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.
Australia tham gia TPP năm 2008 nhằm củng cố quan hệ thương mại trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thông qua TPP, Australia hi vọng đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ tài chính, dịch vụ khai thác mỏ và xuất khẩu sữa. Trong quá trình tham gia đàm phán, Australia đã từ chối cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư. Ngay trong đàm phán FTA với Mỹ trước đây, Australia cũng đưa ra yêu cầu riêng và cuối cùng Mỹ cũng đành chấp nhận loại trừ này của Australia, đánh đổi lại là từ chối mở cửa thị trường mía đường của mình. Australia muốn nhân cơ hội đàm phán TPP lần này để bàn lại về mở cửa thị trường mía đường cho dù Mỹ tuyên bố không đàm phán lại.
Canada tham gia TPP năm 2012 nhằm củng cố quan hệ với các đối tác trong khu vực, tạo thêm việc làm, tăng trưởng và thịnh vượng lâu dài cho người dân thông qua các cơ hội mở rộng thị trường và kinh doanh mới. Nước này đang tích cực đàm phán về mua sắm công nhằm xóa bỏ chính sách “mua hàng Mỹ”. Hiện Canada cũng bảo hộ ngành bò sữa và gia cầm ở mức độ cao. Khi tham gia vào TPP, Cananda phải dỡ bỏ các chính sách bảo hộ này nhưng gặp phải sự phản đối gay gắt của người dân.
New Zealand có tới hơn 70% kim ngạch thương mại và đầu tư với các nước đối tác APEC. TPP sẽ “bật đèn xanh” cho nước này tham gia vào thị trường Mỹ, Peru, đặc biệt là xuất khẩu dịch vụ và tăng cường thu hút đầu tư của Mỹ vào du lịch tại New Zealand. Trong quá trình đàm phán TPP, nước này phản đối các quy định về đầu tư và sở hữu trí tuệ, nhấn mạnh yếu tố tự chủ ra các quyết định về chính sách.
Nhật Bản dự kiến tham gia đàm phán vào tháng 7/2013. Động thái này của Nhật Bản nhằm khẳng định quyết tâm cải tổ nền kinh tế theo hướng mở cửa. Chính phủ của ông Shinzo Abe đang phải đối mặt với việc cắt giảm thuế quan khi gạo nhập khẩu vào nước này đang chịu mức thuế cao tới 778%. Thị trường ôtô và sở hữu trí tuệ cũng là vấn đề Nhật Bản quan tâm khi tham gia đàm phán TPP.
Malaysia tham gia đàm phán TPP nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ và thu hút đầu tư FDI khi đám phán thương mại song phương giữa Mỹ và Malaysia đến nay vẫn chưa có hồi kết. Các ý kiến phản đối của Malaysia nhằm vào vấn đề cấp phép dược phẩm và sở hữu trí tuệ.
Khó khăn và thách thức
Khó khăn đầu tiên các nước này gặp phải liên quan đến các quy định về đầu tư. Dự thảo chương trình đầu tư do Mỹ đề xuất cho thấy, có nhiều điều khoản phức tạp và gây tranh cãi đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với nhà nước nơi nhận đầu tư (theo đó nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện nước nhận đầu tư ra một tổ chức trọng tài). Nghiên cứu của tổ chức xã hội Public Citizen (Mỹ) lo ngại, nguy cơ chính phủ các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với “vô vàn các vụ kiện” bởi các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các nước phát triển. Đơn cử: năm 2010, Tập đoàn Renco Group Inc (Mỹ) đã kiện Chính phủ Peru và đòi bồi thường 800 triệu USD vì đã từ chối gia hạn lần 3 cho nhà đầu tư này để hoàn thành dự án nhà máy Sulphua… Đáng chú ý, 70% các vụ kiện hiện nay đều liên quan đến chính sách môi trường, khai thác khoáng sản, xã hội và sức khỏe của người dân. Như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài có thể gây sức ép tới các chính phủ khi ban hành hoặc thực thi các chính sách nói trên;
Hai là, các quy định liên quan đến môi trường và lao động sẽ tăng chi phí sản xuất của các nước;
Ba là, việc thực thi các quy định về việc bảo vệ tác quyền liên quan tới sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển. Rõ ràng việc bảo vệ tác quyền này chỉ có lợi cho bên nắm giữ tác quyền đến từ các nước phát triển. Các nước đang phát triển chưa có nhiều tác quyền và cũng hạn chế năng lực nghiên cứu để có được các tác quyền mới.
Hàm ý cho Việt Nam khi đàm phán TPP
Thứ nhất, với các quy định về sở hữu trí tuệ, Việt Nam chỉ nên chấp nhận các quy định về sở hữu trí tuệ linh hoạt theo TRIPS, hoặc các quy định mức bảo hộ thấp hơn so với mức bảo hộ cao như TRIPS+ chỉ có lợi cho các nước phát triển. Nếu Việt Nam tiến hành bảo hộ theo cách trên thì chúng ta sẽ không đủ kinh phí để tiến hành các nghiên cứu để được hưởng lợi ích của việc bảo hộ. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận về bảo hộ, Việt Nam nên cố gắng đàm phán theo hướng áp dụng quy định bảo hộ cao với các nước phát triển và mức độ thấp hơn với các nước đang phát triển;
Thứ hai, về đầu tư, chúng ta nên từ chối quy định về quan điểm giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư và thay vào đó là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà nước; Đưa ra các điều kiện loại trừ nếu nước nhận đầu tư điều chỉnh chính sách cho các trường hợp cần thiết như đối phó với khủng hoảng, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, xã hội và sức khỏe người dân;
Thứ ba, về lao động, Việt Nam là một nước đang phát triển, chúng ta không thể so sánh điều kiện lao động với các nước khác (Mỹ, Nhật Bản, Australia), do đó, chúng ta nên có thể cam kết thúc đẩy việc áp dụng các quyền lao động cơ bản theo quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hay các quy định về lao động của hiệp định P4 nhưng không thể chấp nhận sự trừng phạt thương mại cho các vi phạm về lao động;
Thứ tư, đối với thị trường hàng hóa, Việt Nam có các sản phẩm xuất khẩu lợi thế vào thị trường TPP như may mặc, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… Với mức thuế quan hiện nay thì việc cắt giảm thuế quan sẽ không thực sự mang lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Chúng ta cần chú ý đàm phán về các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn cho sản phẩm và quy định về xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần cân nhắc bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương là các sản phẩm nông sản xuất khẩu lợi thế với các sản phẩm nông sản khó qua được các rào cản kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm do các nước phương Tây quy định;
Thứ năm, để đạt được lợi ích tối đa từ việc tham gia TPP, Việt Nam cần cân nhắc tất cả ảnh hưởng của TPP đến nền kinh tế thông qua việc công khai thông tin về tiến trình đàm phán và lấy ý kiến rộng rãi của các nhóm có liên quan, đưa ra các chiến lược đàm phán hiệu quả vì lợi ích của quốc gia.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 6 – 2013
Lợi ích từ TPP cho một số nước trên thế giới
(Tài chính) Dự kiến Hiệp định Kinh tế Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ kết thúc các vòng đàm phán vào cuối năm 2013 với các cam kết sâu và toàn diện về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, chính sách cạnh tranh và các vấn đề phi thương mại như lao động, môi trường, đầu tư, doanh nghiệp nhà nước... Nhằm giúp Việt Nam tiến tới đàm phán thành công trong thời gian tới, dưới đây là kinh nghiệm đàm phán của một số nước.
Xem thêm