Chào mừng 76 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2021):

Lời thề Độc lập


Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Lời thề Ðộc lập và lời tuyên thệ của Chính phủ lâm thời trước hàng nửa triệu người dân và phái bộ Đồng Minh ngày 2/9/1945 đã tạo ra thế và lực mới, trở thành lời thề quyết tâm để đất nước ta đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ, giặc bành trướng trong hơn 70 năm qua, mở đầu cho các lời thề thiêng liêng giữ nước sau này.

Ảnh tư liệu. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam/tapchicongsan.org.vn
Ảnh tư liệu. Nguồn: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam/tapchicongsan.org.vn

Tự do - độc lập, quyền trời cho của mỗi dân tộc

Mở đầu Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyền con người bằng việc trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được.

Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và trích Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Điều tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ, khi trích hai bản Tuyên ngôn bất hủ của thế giới, Người đã phát triển sáng tạo, khi khẳng định quyền dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau: Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Người đưa ra một mệnh đề không thể phủ nhận về quyền độc lập của mọi dân tộc: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Bản Tuyên ngôn Ðộc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo có nội dung rất phong phú, thể hiện tầm cao trí tuệ, tầm nhìn bao quát về thời đại cùng những dự báo thiên tài. Tuyên ngôn cũng thể hiện lập trường kiên định về độc lập - tự do của dân tộc, vừa có tính chiến đấu mạnh mẽ với lập luận khôn khéo, chặt chẽ, bằng lời văn súc tích, rõ ràng.

Tuyên ngôn Độc lập đặt dấu chấm hết ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật trong 87 năm, tuyên bố xóa bỏ chế độ phong kiến mấy nghìn năm và mở ra thời đại mới cho dân tộc Việt Nam: Thời đại độc lập dân tộc đi lên Chủ nghĩa xã hội. 

Sau này, trong nhiều bài nói của mình, Người nhiều lần khẳng định tính tất yếu của quyền độc lập của mỗi dân tộc, coi đó như là quyền trời cho mỗi dân tộc và quyền đó trở thành sức mạnh vô địch khi mỗi dân tộc sử dụng cái quyền thiêng liêng ấy: "Tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc... Hễ một dân tộc đã đứng lên kiên quyết tranh đấu cho Tổ quốc họ thì không ai, không lực lượng gì chiến thắng đư­ợc họ".

Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước

Từ thực tế cuộc Cách mạng Nga, V.I. Lênin đã chỉ ra: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều” và “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ…”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã diễn ra đúng như vậy.

Kết thúc Bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đây là lời thề thiêng liêng, thể hiện sâu sắc khát vọng độc lập, tự do của Nhân dân ta, biểu thị quyết tâm và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Lời thề Ðộc lập và lời tuyên thệ của Chính phủ lâm thời trước hàng nửa triệu người dân và phái bộ Đồng Minh trong ngày 2/9/1945 đã tạo ra thế và lực mới, trở thành lời thề quyết tâm để đất nước ta đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ, giặc bành trướng trong hơn 70 năm qua, mở đầu cho các lời thề thiêng liêng giữ nước sau này.

Ngay sau Lễ Tuyên ngôn Độc lập, Nhân dân cả nước ta đã kiên cường chống lại đủ loại thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn thất học… để kiên quyết củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, giữ vững tự do, độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tranh thủ mọi thời cơ có thể để cổ vũ cho quyết tâm giữ vững độc lập, tự do. Ngay cả khi là thượng khách của Chính phủ Pháp giữa thủ đô Paris, Người vẫn khảng khái nêu lên nguyện vọng ấy: “Paris đã từng chiến đấu và đau khổ cho tự do, sẽ hiểu và ủng hộ những khát vọng của nhân dân Việt Nam cũng là những khát vọng của chính họ”.

Và trong cuộc trường chinh sau đó, nước ta phải liên tục đương đầu với các thế lực đế quốc mạnh hơn gấp bội. Mỗi lần như thế, lời thề non sông trong ngày Tuyên ngôn Độc lập lại có sức cổ vũ, lôi cuốn, hàng triệu con người. Trước dã tâm của thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến năm 1946.

Lời kêu gọi Người viết rất ngắn, chỉ hơn 200 chữ, nhưng đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, trình bày lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta và khẳng định ý chí quyết tâm đập tan mọi âm mưu quỷ kế của bọn phá hoại hòa bình. Người cũng vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, đồng thời khẳng định cuộc kháng chiến nhất định thắng lợi vẻ vang.

Lời kêu gọi khẳng định khát vọng hòa bình, ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Trước tình thế nước sôi, lửa bỏng ấy, thay mặt toàn thể dân tộc Việt Nam, Người khẳng định: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

 Đọc Lời kêu gọi của Người, mỗi người dân Việt Nam dù tôn giáo, chính kiến, thành phần, dân tộc, nhận thức có khác nhau, song đều gặp nhau ở một hợp điểm: Là người Việt Nam, nay Tổ quốc lâm nguy, thì ai ai cũng phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu nước bằng mọi cách, bằng bất kỳ vũ khí nào, miễn là góp được công sức cho công cuộc kháng chiến của dân tộc.

20 năm sau, tháng 8/1965, Mỹ ồ ạt đổ 30 vạn quân viễn chinh cùng rất nhiều vũ khí, thiết bị quân sự vào miền Nam Việt Nam hòng nhanh chóng tiêu diệt lực lượng cách mạng và bình định miền Nam; đồng thời mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ ra miền Bắc.

Trước tình hình ấy, ngày 17/7/1966, qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!".

Hai thời điểm cách nhau vừa đúng 20 năm, trước tình hình đất nước lâm nguy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thay mặt Nhân dân cả nước, long trọng tuyên bố quyết tâm giữ nền độc lập.

Hôm nay, trước vận hội và thách thức đan xen, trước nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong một thế giới đầy biến động khôn lường, một lần nữa những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 tiếp tục được coi là sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.      

Theo TS. Chu Đức Tính - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh/daibieunhandan.vn