Lớn nhất nhưng không giàu nhất
(Tài chính) Khi nhìn lại những biến đổi kinh tế của năm 2014, ngoài việc giá dầu giảm thì sự kiện Trung Quốc chính thức vượt mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới là sự kiện được giới truyền thông các nước quan tâm đăng tải. Tuy nhiên, niềm hãnh diện đó không đồng nghĩa với việc người Trung Quốc đã trở nên giàu nhất thế giới.
Ngoài GDP, một biện pháp khác để đánh giá sức mạnh của nền kinh tế là bằng chỉ số ngang giá sức mua (PPP) mà đồng tiền của một quốc gia sẽ có thể chuyển đổi thành của nước khác để mua cùng một lượng hàng hóa và dịch vụ ở mỗi nước. Trung Quốc hiện chiếm 16,5% của nền kinh tế toàn cầu khi đánh giá bằng PPP so với 16,3% của Mỹ. Như vậy, khi IMF đánh giá theo cả GDP và PPP thì Trung Quốc đều vượt Mỹ.
Dẫu vậy, thông tin kinh tế của Trung Quốc lớn nhất thế giới không có nghĩa là người dân Trung Quốc là những người giàu nhất thế giới. Từ khi tiến hành cải cách mở cửa, Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 30 năm. Nhưng đất nước vạn lý trường thành mới chỉ đuổi kịp Mỹ về tổng lượng kinh tế, song còn tụt hậu xa về chất lượng và thu nhập bình quân. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chưa bằng 1/4 so với người Mỹ. Hiện nay, theo IMF, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ là 11.868 USD, đứng thứ 89 trong số 187 nước và lãnh thổ, và đứng sau cộng hòa Dominica, Serbia, Nam Phi và Turkmenistan. Trong khi đó GDP bình quân đầu người của Mỹ là 53.001 USD, nằm trong 10 nước hàng đầu thế giới.
Hơn nữa, đất nước gấu trúc đang phải đối mặt với sự chênh lệch kinh tế theo vùng miền quá lớn. Theo đó, miền Đông là khu vực giàu có và phát triển, trong khi miền Tây không chỉ lạc hậu về quy mô kinh tế, mà thu nhập bình quân ở nhiều nơi còn không tới 1.000USD, thấp hơn mức thu nhập trung bình. Hiện nay, bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc thuộc hàng cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, tức là các thị trường mới nổi dậm chân ở mức thu nhập bình quân nhất định mà mãi chưa tiến lên được mức thu nhập cao hơn.
Theo nhiều nhà phân tích, nhiều người Trung Quốc cũng không cảm thấy quá vui mừng khi nước mình vượt Mỹ trên quy mô kinh tế bởi, với tư cách là nền kinh tế số 1, họ sẽ phải gánh vác những trách nhiệm quốc tế nặng nề hơn. Các mức phí thành viên, hội viên của các tổ chức quốc tế mà Trung Quốc góp mặt sẽ tăng lên, và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, trật tự kinh tế thay đổi cũng có nghĩa bản đồ địa chính trị thế giới thay đổi và tiếng nói của Trung Quốc chắc chắn sẽ trở nên nặng ký hơn. Có nhà phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua Mỹ còn báo trước sự lãnh đạo về chính trị và quân sự của Trung Quốc với thế giới, và chấm dứt thời kỳ Mỹ thống trị toàn cầu. Bởi sức mạnh chính trị và quân sự thường phụ thuộc sức mạnh kinh tế. Lịch sử chứng minh Anh, Pháp, Tây Ban Nha từng thống trị thế giới nhờ sức mạnh kinh tế.