Lựa chọn mô hình giám sát tài chính quốc gia tối ưu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Gần đây, khi thị trường tài chính có những biến động lớn và xuất hiện một số rủi ro vượt tầm kiểm soát, những tranh luận về mô hình giám sát tài chính quốc gia tối ưu xuất hiện nhiều hơn. Tại Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2013 diễn ra ở Hà Nội ngày 27/8 tới, lựa chọn mô hình giám sát tài chính quốc gia tối ưu sẽ là vấn đề thảo luận chính.

Phó giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng, thị trường tài chính đang được giám sát theo mô hình phân tán, với hệ thống giám sát nhiều cơ quan cùng thực hiện. Hiện nay có 5 cơ quan có trách nhiệm giám sát tài chính gồm Cơ quan thanh tra giám sát thuộc NHNN, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

TS. Nguyễn Tú Anh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ cho rằng mô hình này không an toàn trong bối cảnh hiện nay. Trong khi hầu hết tập đoàn tài chính đều có xu thế kinh doanh nhiều lĩnh vực (chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…), sự phân tán trong giám sát và thiếu vắng tinh thần phối hợp của các cơ quan giám sát có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống. Ví dụ, khi thanh tra chứng khoán thực hiện nghiệp vụ tại tập đoàn thì không thể kiểm soát được nghiệp vụ ngân hàng, thanh tra ngân hàng không thể giám sát được hoạt động bảo hiểm, chứng khoán... Nếu ví tập đoàn là cơ thể sống, mỗi cơ quan thanh tra là một bác sỹ thì giám sát tài chính hiện nay chỉ như người khám phần tay, người khám phần chân… rất khó chẩn đoán bệnh của cơ thể.

Theo quan điểm của TS. Nguyễn Đại Lai, mô hình giám sát tài chính hiện nay thiếu một sự giám sát tổng thể đủ hiệu lực. Ông lưu ý, nếu theo mô hình cát cứ truyền thống sẽ khó “quy trách nhiệm” về tính an toàn của toàn hệ thống tài chính cho bất cứ cơ quan thanh tra giám sát chuyên ngành nào. Bởi vì, rủi ro có thể đến từ đồng thời nhiều nguyên nhân.

Trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội hồi tháng 5 vừa qua, Cố vấn tài chính cao cấp của tổ chức KPMG, nguyên Phó chủ tịch Cơ quan Giám sát tài chính Thụy Sỹ Daniel Zuberbuhler gợi ý việc hợp nhất các cơ quan giám sát. Ông cho biết, rất nhiều nước đã thực hiện điều này sau khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra năm 2008.

Tuy nhiên, chia sẻ của ông Daniel Zuberbuhler cũng vấp phải những quan điểm ngược chiều. Một chuyên gia của NHNN cho rằng, đến nay chưa ai khẳng định được mô hình giám sát hợp nhất là một bước tiến của phát triển để Việt Nam phải theo. Vì vậy, theo vị chuyên gia này, phải rất thận trọng trong việc lựa chọn mô hình giám sát tài chính quốc gia tối ưu. Hơn nữa, khi hợp nhất sẽ tạo nên khối lượng công việc quá đồ sộ, có thể ảnh hưởng đến chất lượng mô hình giám sát tài chính.

Việc lựa chọn xây dựng và phát triển hệ thống giám sát tài chính nhằm tối ưu việc thúc đẩy tài chính, kinh tế quốc gia luôn là một nhiệm vụ lớn đối với bất kỳ Chính phủ nào. Trên thế giới, xu hướng những năm gần đây, ngày càng hình thành nhiều mô hình giám sát tài chính hợp nhất. Mô hình này đang được thúc đẩy, mở rộng ra nhiều quốc gia. Chiếm khoảng 20% tổng các hệ thống giám sát tài chính toàn thế giới cách đây 15 năm, hiện nay hệ thống giám sát tài chính hợp nhất đã chiếm 31% tổng số. Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc tiến tới xây dựng hệ thống giám sát tài chính hợp nhất hoặc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực của hệ thống giám sát tài chính chức năng hiện hành.

Đã có những cuộc hội thảo bàn về vấn đề này với nhiều mô hình giám sát được đưa ra, song vẫn chưa chọn được mô hình phù hợp. Một lần nữa, vấn đề này sẽ được tập trung bàn luận tại Hội thảo – triển lãm Vietnam Finance lần thứ 10 do Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 27/8 tới đây. Ban Tổ chức cho biết, các phiên hội thảo sẽ đưa ra những khả năng và ý tưởng nhằm phát triển hệ thống giám sát tài chính hợp nhất thông qua chia sẻ từ những diễn giả là đại diện Chính phủ từ các bộ, ngành liên quan và chuyên gia đến từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Hiện nay cũng xuất hiện một luồng ý kiến khá xác đáng cho rằng, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay không phải là cách thức tổ chức theo mô hình nào, mà là chất lượng của hoạt động giám sát tài chính và sự hợp tác giữa các đơn vị thanh tra, giám sát để có được kho thông tin quản lý minh bạch và hiệu quả.