Lựa chọn nào cho chính sách tiền tệ?
Sau nhiều năm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, từ nửa cuối năm 2018 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu tỏ dấu hiệu thắt chặt trở lại với việc kiểm soát cho vay chặt chẽ hơn và giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2019.
Bối cảnh thay đổi
Tuy nhiên, việc lựa chọn thắt chặt chính sách tiền tệ không phải là dễ dàng, khi chính sách tiền tệ từ trước đến nay vẫn đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh mà hoạt động của nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng.
Cũng cần phải nhìn lại bối cảnh trước đây khiến nhà điều hành muốn thắt chặt tiền tệ trở lại, đó là các ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn trên thế giới đều theo đuổi hoặc có kế hoạch thắt chặt tiền tệ, từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho đến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Tuy nhiên, tình hình hiện nay đã thay đổi, trong khi FED ngày càng cho thấy dấu hiệu tạm dừng lộ trình tăng lãi suất và sớm kết thúc việc thu hẹp bảng cân đối kế toán, thì ECB cam kết sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức thấp đến cuối năm nay và tiếp tục duy trì các gói cho vay.
Định hướng thắt chặt tiền tệ trước đây của NHNN cũng diễn ra trong bối cảnh áp lực lạm phát và tỷ giá rất lớn, có thể vượt mục tiêu kiểm soát đặt ra. Nhưng điều đó đã không xảy ra, khi mà kết thúc năm 2018, lạm phát và tỷ giá đều cách xa mục tiêu đề ra, trong khi diễn biến những tháng đầu năm nay cho thấy khả năng các biến số trên sẽ tiếp tục được kiểm soát ổn định, với các yếu tố gây áp lực đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước.
Lựa chọn nào?
Chính vì vậy, không loại trừ khả năng NHNN có thể áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn theo diễn biến thực tế, chứ không cố định vào những cam kết hay định hướng đặt ra ban đầu - quan điểm mà NHTƯ lớn nhất thế giới là FED đã nhiều lần đưa ra.
Theo đó, với yêu cầu mở rộng tín dụng, NHNN có thể nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay cao hơn mục tiêu đặt ra ban đầu là 14%, nếu như chịu nhiều áp lực phải đạt kế hoạch, nhu cầu vốn trong nền kinh tế vẫn rất cao, trong khi thị trường chứng khoán có thể rơi vào chu kỳ điều chỉnh và do đó càng khiến doanh nghiệp khó gọi vốn thêm từ cổ đông.
Mở rộng tín dụng có thể còn được hiểu là cần phải tích cực đẩy nhanh việc cho vay ngay từ đầu năm để kích thích sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ tăng trưởng, tránh dồn vào cuối năm. Thật ra, với mục tiêu tín dụng bị hạn chế, các ngân hàng cũng cần tối ưu hóa vòng quay vốn để đạt được suất sinh lời tốt hơn, theo đó nếu có thể cho vay nhiều ngay từ những tháng đầu năm và tập trung ở kỳ hạn ngắn, thì vòng quay vốn tín dụng giải ngân có thể đạt được từ 2 - 3 lần.
Đối với lời kêu gọi giảm lãi suất, được lặp đi lặp lại trong thời gian qua và cũng là mong muốn không chỉ của cơ quan quản lý mà còn là cả nền kinh tế, thì có thể gặp nhiều thách thức hơn. Bởi việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động của mỗi ngân hàng, chi phí vốn đầu vào, lĩnh vực cho vay, tính rủi ro trong nền kinh tế và của từng phân khúc khách hàng.
Chính vì vậy mà mới đây, trong lời kêu gọi giảm lãi suất, Thủ tướng Chính phủ chỉ cân nhắc dừng lại ở “các lĩnh vực ưu tiên”, những ngành có sức lan tỏa lớn và là mũi nhọn của nền kinh tế cần được hỗ trợ. Dù vậy, thực tế là ngay từ đầu năm nay, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã sớm cam kết giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN, theo đó các khoản vay ngắn hạn sẽ được giảm lãi suất thấp hơn 0,5% với mức quy định trần.
Do đó, không loại trừ khả năng NHNN sẽ quyết định chính thức giảm trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này thêm 0,5%, để các ngân hàng phải đồng loạt hưởng ứng lời kêu gọi của người đứng đầu Chính phủ.
Mới đây, NHNN đã ban hành dự thảo điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thêm nguồn vốn kinh doanh cho một số nhà băng. Việc linh hoạt điều chỉnh tỷ lệ lãi suất chủ chốt cũng có thể góp phần định hướng cho thị trường và tạo tâm lý tích cực cho nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.
Chính sách tiền tệ của Việt Nam có thế khó là vừa có nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô lại vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, do đó việc dung hòa, cân đối cho cả hai mục tiêu này không phải đơn giản. Việc lựa chọn mục tiêu nào cần ưu tiên hơn tùy vào tình hình và xét đến bối cảnh cụ thể thời điểm đó là điều rất quan trọng, bởi vì khó có thể có được một lựa chọn nào tốt cho tất cả.