Ngân hàng nhỏ khó tránh M&A khi tuân thủ Basel II
Tăng vốn đang là yêu cầu bức thiết đối với các ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ. Nếu ngân hàng không tăng được vốn sẽ dẫn đến áp lực mua bán - sáp nhập (M&A) để tăng năng lực cạnh tranh và tồn tại.
Theo mục tiêu đẩy mạnh tái cấu ngành ngân hàng đến năm 2020, bên cạnh cắt giảm nợ xấu, giảm số lượng ngân hàng thương mại yếu kém là phải đảm bảo 70% số ngân hàng thực hiện đầy đủ Basel II. Thế nhưng, trong 10 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước thực hiện thí điểm, hiện mới chỉ có Vietcombank, VIB và một nhà băng nằm ngoài danh sách thí điểm là OCB công bố hoàn tất việc thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II.
Trên thực tế, không phải nhà băng không muốn tăng vốn, mà kế hoạch này đã được trình đại hội đồng cổ đông thông qua trong các kỳ đại hội trước, song khó có thể thực hiện.
Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN, ngoài việc tính vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng, các ngân hàng sẽ cần phải tính vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động mà trước đây chưa có quy định. Do đó, phần vốn yêu cầu đối với các ngân hàng sẽ tăng lên là điều tất yếu.
Theo tính toán của Fitch Ratings, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần 20 tỷ USD vốn tăng thêm, tương đương 9% GDP để đáp ứng việc triển khai Basel II. Khó tăng vốn cổ phần (vốn cấp 1), buộc các nhà băng phải tính tới chuyện tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu. Một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, nhiều ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu thời gian gần đây có 2 nguyên nhân chính.
Một là, những trái phiếu kỳ hạn dài có thể được tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng, từ đó làm tăng vốn tự có, giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) đang khá thấp. Hai là, các ngân hàng phải huy động vốn trung và dài hạn nhiều hơn nữa, vì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giảm còn 40% từ đầu năm 2019.
Thế nhưng, làn sóng tăng vốn tiếp tục trở thành cuộc đua tranh gay gắt giữa các ngân hàng do nhu cầu lớn mà nguồn lực lại có hạn và trong cuộc đua này, lợi thế vẫn thuộc về ngân hàng lớn.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Ðại học Fulbright Việt Nam cho rằng, trong nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua, các ngân hàng tự cải thiện lợi nhuận để có nguồn xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, điều quan trọng để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn là các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu để nâng tỷ lệ an toàn vốn. Nhưng việc tăng vốn phải tránh được bài học trước đây là có những ngoại lệ được “khất”, “hoãn”, hoặc tăng vốn bằng hình thức sở hữu chéo, đầu tư chéo.
Theo ông Thành, để đảm bảo tỷ lệ CAR theo tiêu chuẩn Basel II, nhu cầu tăng vốn của ngân hàng rất lớn, nhất là đối với các ngân hàng thương mại nhà nước. CAR của các ngân hàng có vốn nhà nước đã tiệm cận mức 9%, nếu áp dụng Basel II, CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.
Trong năm qua, hầu hết các nhà băng đều đặt ra kế hoạch tăng vốn, song đến nay, mới chỉ có các ngân hàng tầm trung và lớn thực hiện được mục tiêu đề ra. Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, “cửa” cạnh tranh để tăng vốn của các ngân hàng nhỏ rất hẹp. Thứ nhất, lợi nhuận của các ngân hàng này thấp nên chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng không giúp vốn điều lệ tăng được nhiều. Thứ hai, thông tin của các ngân hàng này kém minh bạch, thị giá cổ phiếu quá thấp nên việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu không dễ dàng.
Vòng xoáy đó sẽ khiến sự phân hóa giữa các ngân hàng diễn ra mạnh mẽ và nhóm ngân hàng nhỏ có nguy cơ bị tụt lại phía sau ngày càng xa hơn. Trong bối cảnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, tài chính cho rằng, M&A để gia tăng năng lực cạnh tranh là bài toàn cần được tính tới của các ngân hàng nhỏ.
TS.LS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, Ngân hàng Nhà nước sẽ thúc đẩy các tổ chức tín dụng thực hiện M&A trên cơ sở tự nguyện, trở thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn. Ðó là một trong những giải pháp cơ cấu lại ngân hàng được nêu ra tại Ðề án 1058 về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt. Trong năm 2018, M&A lĩnh vực ngân hàng tương đối im ắng. Tuy nhiên, hoạt động này có thể sắp sôi động trở lại.
“Các ngân hàng phải áp dụng theo chuẩn mực vốn của Basel II là áp lực rất lớn, nhưng cũng là động lực để nhiều nhà băng phải nghĩ tới bài toán sáp nhập để lớn mạnh hơn. Cách đây vài năm, cơ quan điều hành đã có gợi ý tới khả năng toàn hệ thống chỉ cần 15 - 17 ngân hàng có quy mô tương đối lớn và có sức khoẻ tài chính vững vàng là đủ”, TS. Tín cho biết.
Các nhà phân tích tài chính nhận xét, hiện nay, số lượng ngân hàng trong hệ thống vẫn còn nhiều. Trong câu chuyện tuân thủ các chuẩn mực an toàn vốn của Basel II, chỉ cần thực hiện đúng lộ trình đã đề ra, chắc chắn sẽ khiến hệ thống tự động có sự sàng lọc. Những ngân hàng nhỏ không đủ nội lực đáp ứng được yêu cầu về vốn sẽ phải tính tới phương án sáp nhập.