Lừa xin việc ở bệnh viện chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng
(Tài chính) Ngày 20/11, Đội Chống hàng giả thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an TP. Hà Nội đã bắt giữ hai đối tượng có hành vi giả danh cán bộ Bộ Y tế, nhận hồ sơ xin việc để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng.
Hai đối tượng này là Lê Thị Bích Hạnh (SN 1983, trú tại số 50, ngõ 158 Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) và Vương Thuý Nga (SN 1975, ở phố Nguyễn Đức Cảnh, Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội).
Thượng tá Thành Kiên Trung, Phó trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội cho biết, hai nữ đối tượng nói trên chuyên lừa đảo xin việc vào các bệnh viện Trung ương và Hà Nội. Ngoài việc giả danh cán bộ Bộ Y tế, các đối tượng còn cả gan thuê một người xe ôm đóng giả làm Thứ trưởng Bộ Y tế để tạo lòng tin cho khách hàng đưa tiền “chạy” việc.
Các đối tượng đã thừa nhận hành vi lừa đảo chạy việc vào các Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức…
Cụ thể, các đối tượng nói trên đã chi 5 triệu đồng thuê một người xe ôm đóng giả làm Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến để gọi điện, nhắn tin cho những người có nhu cầu xin việc vào các bệnh viện, đồng thời thuê một phụ nữ đóng giả thư ký của vị Thứ trưởng này để giao dịch công việc.
Trung bình, mỗi trường hợp xin việc phải nộp cho các đối tượng khoảng 300 triệu đồng. Khi thu tiền đặt cọc, các đối tượng cấp cho nạn nhân một phiếu thu giả có đóng dấu của các bệnh viện để làm tin, sau đó tự khắc dấu của Bộ Y tế để đóng hồ sơ xin việc và in thẻ nhân viên y tế tại các bệnh viện để đưa cho nạn nhân nhằm thu nốt tiền.
Các đối tượng khai nhận, vào khoảng tháng 12/2013, thông qua một người, Hạnh có quen với ông Đoàn Văn Tá. Dù không có nghề nghiệp nhưng Hạnh nói với ông Tá là mình đang làm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và có khả năng “chạy” việc cho nhiều người vào làm tại các bệnh viện... Muốn có việc làm, ông Tá phải giao hồ sơ và kèm theo “chi phí” cho Hạnh.
Tin tưởng vào đối tượng này, ông Tá đã giao cho Hạnh 21 bộ hồ sơ xin việc làm cùng số tiền là 3,11 tỷ đồng. Tiếp đó, để tạo lòng tin, Hạnh nhờ Vương Thuý Nga đóng giả làm nhân viên Phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và nhân viên của Sở Nội vụ Hà Nội để gặp gỡ, hứa hẹn, xin việc làm với một số người có nhu cầu xin việc.
Mỗi lần gặp gỡ, Hạnh trả công cho Nga 200.000 đồng. Hạnh còn tự khắc con dấu “Điều dưỡng Trung cấp” để đóng vào áo blouse và một con dấu “Bộ Y tế” để đóng vào hồ sơ xin việc, phát cho người nộp hồ sơ xin việc.
Do nhận thấy giả mạo chức danh công tác có thể chiếm đoạt được tiền với số lượng lớn, Nga đã trực tiếp liên lạc với ông Đoàn Văn Tá, giới thiệu với ông này là cán bộ Phòng Kế hoạch Tổng hợp của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, có nhiều quan hệ với lãnh đạo Bộ Y tế, có khả năng xin việc làm tại Bộ Y tế và các cơ quan Nhà nước. Nga đã làm giả tổng cộng 35 thẻ nhân viên y tế tại các bệnh viện. Từ tháng 4 đến tháng 7/2014, Nga đã nhận từ ông Tá tổng cộng 39 bộ hồ sơ xin việc làm để chiếm đoạt số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Tiếp tục mở rộng vụ án, công an tiến hành khám xét nhà riêng của Lê Thị Bích Hạnh đã phát hiện 2 hộp dấu khắc chữ “Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Sở Y tế” và “Điều dưỡng Trung cấp”, 9 điện thoại cùng một cặp tài liệu bên trong chứa nhiều giấy tờ liên quan đến việc nhận tiền, nhận hồ sơ xin việc làm tại các bệnh viện và cơ quan Nhà nước.