Thứ nhất, quy định về đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đối với công ty cổ phần (CTCP) nhỏ chỉ thuần túy mang tính hình thức.
Trong số các loại hình doanh nghiệp (DN) mà nhân loại biết đến, thì CTCP là một loại hình hiện đại nhất, tiên tiến nhất, nhiều "công năng" nhất song cũng phức tạp nhất về mặt tổ chức và vận hành. Luật DN (2005) và các dự thảo sửa đổi Luật này đã dành hẳn một chương lớn với nhiều quy định chi tiết về CTCP (Chương 4, từ Điều 77 đến Điều 129, Luật DN 2005). Đáng tiếc là hầu hết các quy định chỉ "dùng được" cho các CTCP "kích cỡ" lớn, nghĩa là CTCP có số cổ đông từ 50-100 trở lên, còn đối vói các CTCP quy mô gia đình, từ 3-10 cổ đông thì nhiều trong chúng chỉ mang tính hình thức, hay nói cách khác là "có mà không để làm gì".
Chưa có cuộc khảo sát, điều tra thực tế nào kiểm nghiệm tính đúng đắn của nhận định trên, cho nên, tác giả sẽ chứng minh khẳng định này từ một số quan sát, trải nghiệm thực tiễn và lập luận logic của vấn đề. Ví dụ minh họa sau đây:
Giả sử một CTCP chỉ có 03 cổ đông cá nhân A, B và C (đều có quyền bỏ phiếu) với tổng vốn điều lệ là 100 triệu đồng và tỷ lệ cổ phần tương úng của A, B và C là 75%, 15% và 10% và cổ đông A là Chủ tịch ĐHĐCĐ.
Khi đó, theo quy định của Luật DN, ĐHĐCĐ của Công ty này sẽ bao gồm 03 cổ đông A, B và C; Hội đồng quản trị cũng sẽ có 03 vị (nói chung là 3 cô đông trên vì hiếm khi công ty loại này thuê người ngoài làm thành viên hội đồng quản trị). Theo Luật, quyết định của ĐHĐCĐ dựa vào tỷ lệ vốn của từng cổ đông, còn quyết định của hội đồng quản trị theo đầu người, nghĩa là mỗi thành viên một lá phiếu.
Trong trường hợp này, sẽ xảy ra những điều "kỳ cục" liên quan đến việc tô chức họp ĐHĐCĐ và hội đồng quản trị: cổ đông A với số cổ phần 75% có quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ mà không cần B và C đồng ý. Cô đông A này, theo luật, có thế tự họp "một mình" và tự thông qua tất cả các quyết định mà không phạm Luật. Cũng theo Luật DN, cổ đông B hoặc C cũng đều có quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ, vì có số vốn từ 10% trở lên. Nếu cổ đông A không đến, nếu triệu tập lần 2 cổ đông A vẫn không đến dự, thì bên B và C họp với nhau hoặc thậm chí từng người tự họp "một mình" nếu người kia không đến và có thể quyết định mọi việc, kể cả phế truất Chủ tịch ĐHĐCĐ, mà không cần quan tâm đến tỷ lệ vốn bao nhiêu.
Còn đối với hội đồng quản trị, theo Khoản 8 Điều 112, "Cuộc họp của hội đồng này được tiến hành khi có từ 3/4 số thành viên trờ lên dự họp". Nếu vậy, chỉ cần bất kỳ một thành viên nào trong số 3 vị này "tẩy chay" cuộc họp thì hội đồng quản trị sẽ không bao giờ tổ chức được cuộc họp thành công. Ngoài ra, do mỗi thành viên chỉ có một phiếu biểu quyết, cho dù sở hữu bao nhiêu phần trăm cổ phần đi nữa, nên nếu B và C liên kết với nhau thì họ đều có thể quyết định các vấn đề nhờ cơ chế "quá bán", trong khi đó A chiếm 75% vốn điều lệ.
Ví dụ nêu trên, có thể xảy ra đối với hầu hết các CTCP có ít cổ đông (dưới 10 cổ đông) và nó cũng giải thích nguyên nhân vì sao rất nhiều DN mang danh là CTCP nhưng quản lý theo kiểu "gia đình" hay cùng lắm như công ty TNHH quy mô nhỏ.
Dự thảo Luật DN (sửa đổi) mới nhất, tuy cũng đã điều chỉnh tỷ lệ dự họp hợp lệ xuống 51% lần 1 và 33% lần 2 song vẫn không giải quyết được những tình huống "kỳ cục" nêu trên. Chúng tưởng như vô hại nhưng khi phát sinh mâu thuẫn hay tranh chấp trong các CTCP nhỏ thì lại trờ thành chuyện lớn!
Quyền lực trong CTCP, theo Luật DN, được phân định cho ĐHĐCĐ và hội đồng quản trị theo nguyên tắc: Quyền lớn hơn, quan trọng hơn thì giao ĐHĐCĐ, các quyền còn lại giao hội đồng quản trị. Như vậy, giả sử để bán chiếc ô tô tải của công ty có giá 510 triệu đồng (lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty) thì một mình cổ đông A quyết. Bởi vì, vị này nắm 75% vốn. Còn nếu chiếc ô tô đó có giá 490 triệu đồng thì hai cổ đông B và C liên kết với nhau, có thế bán được vì thẩm quyền bán tài sản dưới 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty thuộc hội đồng quản trị - nơi hai vị này nắm 2 phiếu biểu quyết (mặc dù họ chỉ sở hữu có 25% vốn điều lệ).
Ở những CTCP lớn, có vốn đến hàng trăm nghìn tỷ thì việc một nhóm người quyết định "số phận" cả một khối tài sản quá lớn dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, ngoài quy định về tỷ lệ vốn tương đối, Luật cần bổ sung quy định tuyệt đối, tức là phải khống chế giới hạn giá trị tài sản được phép xử lý đối với hội đồng quản trị.
Thứ hai, quy định về công ty hợp danh và thành viên hợp danh tại Luật DN tưởng là thông thoáng nhưng thực ra lại gây nhiều rắc rối và phức tạp trong thực tế.
Theo quy định của Luật DN, công ty hợp danh có tối thiếu 2 thành viên hợp danh là cá nhân và không hạn chế số lượng tối đa. "Các thành viên hợp danh đều có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty" (Khoản 1, Điều 137, Luật DN). Ở đây, theo tác giả, các nhà làm luật đã thiết kế các quy định với suy diễn là các công ty hợp danh ở Việt Nam sẽ chỉ là những DN nhỏ với 5-7 thành viên hợp danh. Quy định là thế song cuộc sống lại rất đa dạng, cho nên không loại trừ một ngày nào đó, xuất hiện công ty hợp danh với hàng trăm thành viên hợp danh hay nhiều hơn nữa? Khi đó, công ty hợp danh sẽ là một "con mãng xà trăm đầu", vì có cả trăm người đại diện theo pháp luật (có quyền ký tên, đóng dấu, làm nguyên đơn, bị đơn đại diện cho công ty). Thậm chí, còn có cả trăm giám đốc, vì hàng trăm thành viên này đều có quyền tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty và ai cũng có quyền triệu tập họp hội đồng thành viên. Quyền lực của chủ tịch hội đồng thành viên và giám đốc công ty hợp danh hầu như không có gì khác biệt so với bất kỳ thành viên hợp danh nào.
Ai đó sẽ phản đối nói rằng, làm gì có công ty hợp danh nào lớn như vậy và nếu có thì chắc cũng không gây lộn xộn, rắc rối gì! Nhưng luật thì phải chặt chẽ, càng ít kẽ hở càng tốt, có như vậy mới giảm thiểu những tranh chấp xung đột pháp luật không đáng có.
Thứ ba, địa vị pháp lý của tập đoàn kinh tế (TĐKT) không rõ ràng.
Luật DN (2005) đã luật hóa khái niệm TĐKT, coi nó là nhóm công ty có quy mô lớn (Điều 149). Còn nhóm công ty, theo quy định tại Điều 146, là tập hợp các công ty có mối quan hệ lâu dài với nhau về lợi ích kinh tế công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác. Luật không đề cập tới tư cách pháp nhân của TĐKT và cũng hàm ý là TĐKT không phải là một loại hình DN.
Dự thảo Luật DN (sửa đổi) lần thứ 4 bổ sung khá nhiều nội dung mới cho Chương quy định về nhóm công ty, trong đó khẳng định: Nhóm công ty không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký DN.
Thời gian qua đã không ít cuộc tranh luận về địa vị pháp lý của TĐKT: Một bên gồm, các nhà lập pháp thì giải thích rằng, TĐKT không có tư cách pháp nhân và không phải là loại hình DN; Bên thứ hai gồm, nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và học giả thì có ý kiến ngược lại Còn bên thứ ba gồm, những doanh nhân và những người làm thực tiễn thì không tham gia tranh luận nhưng họ cứ thành lập TĐKT (cả loại TĐKT nhà nước lẫn TĐKT tư nhân) như một chủ thế kinh doanh lớn có đầy đủ bộ máy tổ chức, điều hành và các chức danh quan trọng như chủ tịch tập đoàn, hội đồng quản trị của tập đoàn...
Luật DN thuộc ngành Luật Kinh tế. Mặc dù, nội dung của nó hàm chứa các phạm trù kinh tế - xã hội nhưng cũng như nhiều luật khác, Luật này đòi hỏi sự chuẩn xác cao và tính logic chặt chẽ như một sản phẩm toán học. Quan trọng hơn, các quy định của nó phải được cuộc sống chấp nhận, hay nói cách khác là phải đi vào thực tiễn cuộc sống. Dự thảo Luật DN (sửa đổi) lần thứ 4 bổ sung khá nhiều nội dung mới cho Chương quy định về nhóm công ty, trong đó khẳng định: Nhóm công ty không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký DN. Điều này có nghĩa các nhà làm luật khẳng định TĐKT không phải là một loại hình DN. Trong khi đó, cuộc sống vẫn diễn ra theo hướng ngược lại: Nhà nhà đua nhau lập TĐKT, coi chúng như những DN "siêu lớn, hùng mạnh" và là những "quả đấm thép" trên thương trường cạnh tranh khốc liệt. Thiết nghĩ, các nhà làm luật nên cân nhắc kỹ, để làm sao luật phải phản ánh được cuộc sống, nếu không các quy định đưa ra sẽ mãi "nằm trên giấy".
Tài liệu tham khảo:
1. Dự thảo Luật DN (sửa đổi) lần 4 của Tổ biên tập Dự án Luật DN (sửa đổi), trình bày tại Hội thảo về sửa đổi Luật DN, ngày23/4/2014;
2. Luật DN số60/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày29/11/2005.
Luật Doanh nghiệp: Những quy định cần sửa đổi
(Tài chính) Luật Doanh nghiệp (2005) hiện hành được dư luận đánh giá là một đạo luật tốt, thông thoáng và thật sự hữu ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định, xem ra rất tường minh về mặt hình thức nhưng lại không đúng với "logic cuộc sống". Quan trọng hơn, những quy định này đã chưa được đưa vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Xem thêm