Luật Nhãn hiệu mới của Trung Quốc: Thắt chặt bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Trung Quốc vừa đưa vào áp dụng đạo luật mới với những quy định ngặt nghèo hơn nhằm hạn chế vi phạm trong đăng ký nhãn. Văn bản pháp lý này được kỳ vọng sẽ giúp chính quyền Bắc Kinh tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, một trong những vấn đề vốn là điểm nghẽn trong đàm phán thương mại với Mỹ.
Luật mới đưa ra các chế tài mạnh tay đối với những hành vi chiếm nhãn hiệu và những cá nhân bị kết tội vi phạm nhãn hiệu. Đây chính là nguồn cơn gây bất bình đối với các nhãn hiệu nước ngoài, cũng như là điểm gây tranh cãi trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Luật đưa ra các quy định nhằm ngăn chặn những ý đồ xấu ngay trong giai đoạn nộp đơn xin cấp bản quyền nhãn hiệu.
Trong đó, đáng chú ý là điều khoản mới đã được bổ sung vào Điều 4, ghi rõ “việc đăng ký nhãn hiệu khống, không có ý định sử dụng sẽ bị từ chối”. Trước đây, tận dụng những kẽ hở trong hệ thống quản lý nhãn hiệu của Trung Quốc, một số lượng lớn nhãn hiệu được đăng ký nhái theo các nhãn hiệu nổi tiếng hoặc được đăng ký tích trữ sẵn để trục lợi. Điều này gây ra tình trạng tranh chấp sở hữu trí tuệ, khiến các chủ sở hữu nhãn hiệu nước ngoài bức xúc.
Để xóa bỏ hiện tượng đó ngay tại đầu nguồn, luật mới trao quyền cho Văn phòng Thương hiệu Trung Quốc (TMO) từ chối các hồ sơ sai trái ở giai đoạn kiểm tra ban đầu. Theo Điều 33, sau khi nộp đơn, trong thời gian thông báo ba tháng, bất kỳ ai, không chỉ là chủ sở hữu nhãn hiệu, có thể gửi đơn phản đối tới TMO nếu họ phát hiện có trường hợp nộp đơn sai trái.
Còn theo Điều 44, TMO có thể thu hồi đăng ký của nhãn hiệu đã đăng ký với mục đích xấu. Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào khác có thể yêu cầu Hội đồng Đánh giá và điều chỉnh nhãn hiệu (TRAB) tuyên bố nhãn hiệu như vậy là không hợp lệ.
Ngoài ra, luật cũng tăng cường nghĩa vụ pháp lý cho các cơ quan quản lý thương hiệu. Cụ thể, cơ quan thương hiệu không thể đồng ý cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nếu họ biết hoặc gần như biết rằng nhãn hiệu đó được đăng ký bởi những khách hàng “không thiện chí”. Cơ quan nào vi phạm có thể phải chịu phạt hành chính.
Điều 63 quy định, ngoài các trường hợp đặc biệt, theo yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu, hàng hóa mang nhãn hiệu giả, và các công cụ, vật liệu được sử dụng để sản xuất hàng giả đó có thể bị tòa án hủy bỏ.
Có thể nói, những thay đổi của Luật Nhãn hiệu Trung Quốc mang lại sân chơi bình đẳng hơn, tạo sự công bằng cho cả chủ sở hữu nhãn hiệu trong và ngoài nước.