Luật pháp hay quan tòa xuê xoa thu hồi tài sản tham nhũng?

Theo phaply.net.vn

(Tài chính) Trong các vụ tham ô nổi tiếng thời gian qua như vụ Lã Thị Kim Oanh, Tăng Minh Phụng và gần đây nhất là Dương Chí Dũng…tài sản mà bị cáo tham ô, làm thất thoát theo cáo trạng là hàng nghìn tỉ, tuy nhiên khi thi hành án thì chỉ thu về “vài trăm”. Phải chăng luật pháp còn quá nhân nhượng với tội phạm tham nhũng?

Luật pháp hay quan tòa xuê xoa thu hồi tài sản tham nhũng?
Phải chăng luật pháp còn quá nhân nhượng với tội phạm tham nhũng? Nguồn: internet

Tình trạng tham ô nghìn tỷ, thi hành án thu về chỉ được “vài trăm”

Theo báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng, chỉ tính riêng năm 2011, hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra khoảng 11.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ thu hồi khoảng 300 tỷ đồng (chỉ 2,6% thu hồi được còn 97,4% là chưa và không thu hồi được – PV). Đầu năm 2012, tình hình cũng không có nhiều chuyển biến khi con số kiến nghị thu hồi hơn 6.400 tỷ đồng nhưng thực tế mới thu về được 141 tỷ đồng (thu hồi 2,2%, chưa và không thu hồi được 97,8% – PV).

Trong khi đó Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 và BLHS năm 1999 có quy định đối với việc xử lý tài sản tham nhũng như sau: “Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu, trả lại cho chủ sở hữu, quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước”; “Người phạm tội có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”….

Nhìn nhận về thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, lý do là Tòa án hiếm khi áp dụng “tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” là hình phạt bổ sung bắt buộc đối với bị cáo phạm tội về tham nhũng. Thêm vào đó, trong nhiều vụ án tham nhũng cho thấy, người phạm tội này đã có sự tính toán từ trước, tài sản không đứng tên họ mà đứng tên người thân, tiền của thì gửi ra nước ngoài… Thậm chí khi bị cơ quan điều tra phát hiện, họ trốn ra nước ngoài và sống sung túc.

Gần đây nhất có thể kể tới vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng của Dương Chí Dũng. Ngoài mức án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội còn tuyên buộc hai bị cáo này phải bồi thường dân sự, mỗi bị cáo là 110 tỉ đồng. Thực tế vụ án cho thấy, 2 bị cáo đã bị kê biên 3 căn nhà để đảm bảo thi hành án. Nhưng giá trị 3 căn nhà là rất nhỏ so với số tiền 220 tỉ mà 2 bị cáo phải thi hành.

Khoản 5 Điều 165 (cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng) quy định: “Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”. Khoản 5 Điều 278 (tội tham ô tài sản) quy định: “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Có ý kiến cho rằng, nếu xử lý mạnh tay, các tòa hoàn toàn có quyền tuyên tịch thu toàn bộ tài sản (dù đó là tài sản hợp pháp) của kẻ phạm tội để răn đe.

Một vướng mắc khác, theo luật sư Phạm Văn Tiến, phó giám đốc Công ty Luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự, thì về nguyên tắc, các tài sản bất hợp pháp đều phải tịch thu sung công quỹ. Nhưng nhiều trường hợp rất khó chứng minh tài sản của bị cáo có nguồn gốc hợp pháp hay không hợp pháp.
Nhiều Đại biểu Quốc hội lại cho rằng, có vấn đề trong công tác thi hành án và thực tế đang tồn tại hiện tượng “phạm tội chồng lên tội phạm”. Có nghĩa là người thi hành án dân sự trong vụ án tham nhũng cũng có khả năng tham nhũng trong khi thi hành án. Họ cố tình bưng bít thông tin hoặc làm không đến nơi đến chốn dẫn tới không thể truy thu số tiền mà các bị cáo buộc phải bồi hoàn lại cho Nhà nước.

Các giải pháp cần phải đưa ra đồng bộ

Như đã đề cập ở trên, khó xác minh tính hợp pháp hay không hợp pháp của tài sản, yếu kém trong khâu thi hành án và lỗ hổng về mặt pháp luật…là những nguyên nhân chính dẫn đến sự kém hiệu quả trong công tác tịch thu, thu hồi tài sản tham nhũng. Để khắc phục tình trạng này, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, phó cục trưởng cục thi hành án dân sự TP. Hà Nội cho rằng sự minh bạch là một biện pháp hữu hiệu nhất, không chỉ đối với công tác xử lý tài sản tham nhũng mà còn hữu hiệu đối với toàn bộ công tác Phòng chống tham nhũng nói chung. Bà Thoa đề xuất: Việc cần làm ngay lúc này là phải chấn chỉnh việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Bởi trong thời gian qua, việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Kê khai tài sản để chống tham nhũng nhưng đến thời điểm hiện nay chưa có vụ án tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Thực tế, hiện vẫn chưa có biện pháp kỹ thuật để xác định giá trị tài sản kê khai mà chủ yếu dựa vào sự trung thực của cán bộ, công chức nên việc kê khai chưa bảo đảm độ chính xác. Bởi đối tượng tham nhũng thường có thủ đoạn tinh vi đối phó, che giấu, tẩu tán tài sản nên số tài sản, tiền kê biên ít, việc thu hồi tài sản trong thi hành án gặp nhiều khó khăn.

Đối với công tác thi hành án, cần có các biện pháp quyết liệt, quy trách nhiệm người thực thi nhiệm vụ mà không thực hiện đến nơi đến chốn. Ngoài ra yêu cầu về hoàn thiện pháp luật cũng rất gấp gáp. Luật sư đại diện Công ty luật Hồng Bách cho rằng, các quy định liên quan đến phòng chống tham nhũng nói chung và xử lý tài sản tham nhũng nói riêng còn nhiều lỗ hổng cần được “lấp”. Cụ thể, ngay trong Bộ Luật Hình sự năm 1999, tại một số điều luật quy định về các Tội phạm tham nhũng cũng đã chứa đựng sự bất hợp lý khi dùng từ “có thể” để áp dụng “tịch thu tài sản” đối với người phạm tội, điều này kéo theo việc Tòa áp dụng cũng được mà không áp dụng thì cũng không sai.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác chống tham nhũng, các bộ ngành liên quan cần ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào của án tham nhũng bắt buộc tòa án phải tuyên tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của quan chức phạm tội. Thậm chí nên quy định “tịch thu toàn bộ tài sản cho dù là hợp pháp” để có sức răn đe mạnh nhất đối với loại tội phạm này.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 mới chỉ quy định việc xử lý đối với người kê khai không trung thực hoặc kê khai không đầy đủ, chưa có quy định về việc xử lý đối với người không kê khai tài sản. Với việc kê khai tài khoản ở nước ngoài, pháp luật hiện hành còn thiếu quy định về việc xác định số dư tài khoản ở nước ngoài, không quy định rõ về thẩm quyền cần thiết để có được lệnh thu hồi tài sản từ phía tòa án đối với bất động sản đang nằm ở nước khác…

Vì vậy, để có hiệu quả thu hồi, xử lý tài sản tham nhũng, cần sớm có hướng dẫn cụ thể việc xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc; tăng cường các biện pháp quản lý tài sản, thu nhập của công chức, nhất là người giữ vị trí then chốt trong bộ máy nhà nước. Đối với việc kê khai tài khoản ở nước ngoài, cần bổ sung quy định về việc xác định số dư tài khoản ở nước ngoài; bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai…

Quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục về hợp tác quốc tế trong việc thực hiện ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài, đồng thời cho phép Chính phủ yêu cầu nước ngoài thu hồi tài sản tham nhũng bắt nguồn từ Việt Nam hiện nằm tại nước khác, thuộc quyền tài phán của nước khác.

Ngoài ra, cần nhanh chóng bổ sung vào Bộ luật hình sự các hành vi tham nhũng mới được quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng.