Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Cung cấp số tài khoản ngân hàng để công tác quản lý thuế tốt hơn
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 có nhiều nội dung mới, quan trọng và được dư luận quan tâm. Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế - Tổng cục Thuế đã trao đổi về một số nội dung mới tại dự thảo Luật này.
PV: Một trong những điểm đáng chú ý và được đánh giá cao của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) là những quy định liên quan đến quản lý thuế thương mại điện tử, trong đó quy định về việc ngân hàng thương mại phải cung cấp số tài khoản của khách hàng cho cơ quan Thuế. Ông có thể lý giải cụ thể hơn về điều này?
Ông Lưu Đức Huy: Từ tiếp thu ý kiến góp ý, dự thảo dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) chỉ yêu cầu ngân hàng cung cấp số tài khoản có gắn với mã số thuế của khách hàng chứ không phải cung cấp số dư tài khoản, thông tin giao dịch của tài khoản như trước đây. Mục đích là để quản lý thuế tốt hơn, đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế cho ngân sách nhà nước.
Như trường hợp người nộp thuế nợ thuế đến mức phải cưỡng chế chẳng hạn, cơ quan Thuế sẽ phải thực hiện các biện pháp phong tỏa tài khoản hay trích tiền từ tài khoản. Thực tế, một người có thể mở tài khoản tại rất nhiều ngân hàng, mà nếu không có thông tin tài khoản của họ thì không thể thu được thuế với trường hợp trây ỳ, cố tình trốn thuế.
Qua tham khảo kinh nghiệm của các nước, hầu hết đều quy định ngân hàng cung cấp số tài khoản của khách hàng gắn với mã số thuế của người nộp thuế cho cơ quan Thuế. Còn ở nước ta thì chỉ thực hiện khi cơ quan Thuế yêu cầu. Hay với những trường hợp có dấu hiệu rủi ro về thuế, ngân hàng cũng cung cấp các giao dịch thanh toán của người nộp thuế.
Dự kiến khi Luật sửa đổi có hiệu lực, cơ quan Thuế sẽ hướng dẫn người nộp thuế bổ sung tài khoản tại các ngân hàng và ngân hàng có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Thuế tài khoản tương ứng với mã số thuế của khách hàng để sau này ngành Thuế sẽ có dữ liệu của người nộp thuế. Việc cung cấp số tài khoản ứng với mã số thuế của người nộp thuế là chỉ nhằm việc quản lý của ngành Thuế được tốt hơn, và trách nhiệm của cơ quan quản lý là phải bảo mật thông tin này.
Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), dư luận cũng đánh giá cao những quy định về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về những quy định này và mục đích mà cơ quan Thuế hướng tới khi xây dựng Luật?
Dự thảo Luật sửa đổi quy định những hộ có không quá 10 lao động và doanh thu tối đa 3 tỷ đồng/năm ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng; 10 tỷ đồng/năm với lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì phải thực hiện theo chế độ kế toán và nộp thuế kê khai thay vì khoán như lâu nay.
Những hộ kinh doanh đáp ứng đủ tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ nhưng "trốn" không lên doanh nghiệp thì sẽ phải áp dụng chế độ kế toán và nộp thuế như doanh nghiệp. Việc áp dụng kê khai thuế như nêu trên giúp quản lý thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của những hộ có quy mô lớn minh bạch và hiệu quả hơn.
Còn đối với những hộ quy mô nhỏ hơn vẫn dùng chế độ khoán như lâu nay và sẽ được công khai tại trụ sở xã, phường, chi cục thuế, chợ… để các hộ, cá nhân kinh doanh giám sát lẫn nhau, ngăn chặn tình trạng thất thoát thuế, vì thế quản lý thuế chắc chắn tốt hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế số hộ kinh doanh ở nước ta là khá lớn trong khi số đóng góp vẫn còn nhỏ. Vậy, những quy định mới tại dự thảo Luật sửa đổi có góp phần nâng cao quản lý thuế khu vực này?
Trên thực tế, đóng góp của hộ, cá nhân trong ngân sách nhà nước không lớn, chỉ 2-3% trên tổng số thuế dù số lượng rất đông đảo. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng chúng ta vẫn thất thu từ hộ kinh doanh này và ngành Thuế phải có biện pháp ngăn chặn. Việc áp dụng chế độ kế toán và thuế kê khai với hộ kinh doanh như doanh nghiệp bên cạnh việc chống thất thu thuế còn nhằm mục đích minh bạch trong quản lý thuế.
Mặt khác, Chính phủ đang khuyến khích các hộ lên doanh nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ nên quy định này cũng nhằm đồng bộ với chính sách phát triển doanh nghiệp.
Một điểm đáng chú ý trong công tác quản lý thuế đó chính là vấn đề nợ thuế. Hiện nay, số nợ đọng của ngành Thuế là không hề nhỏ. Ngành Thuế có những chế tài xử phạt như thế nào đối với hành vi này, thưa ông?
Tại dự thảo Luật sửa đổi, cơ quan soạn thảo không nâng mức xử phạt vi phạm hành chính vì thực tế mức xử phạt hiện hành cũng đã khá nặng. Đơn cử như việc khi người nộp thuế kê khai thuế sai thì bị xử phạt 20% số tiền phải nộp, cộng thêm bị phạt chậm nộp 0,03%/ngày.
Trường hợp khai sai dẫn đến hành vi trốn thuế thì bị phạt 1-3 lần số thuế trốn. Chẳng hạn ông Nguyễn Văn A. kê khai thiếu 1 tỷ đồng sẽ bị xử lý do kê khai sai là 20% của 1 tỷ đồng là 200 triệu đồng, mỗi ngày bị phạt chậm nộp 0,03% số tiền thuế nộp thiếu là 300.000 đồng, rồi còn bị phạt 1-3 tỷ đồng nữa vì trốn thuế.
Trước đây, tại dự thảo Luật Quản lý thuế lần đầu công bố lấy ý kiến, cơ quan soạn thảo đã thêm chức năng điều tra thuế cho cơ quan Thuế. Tuy nhiên, vì còn nhiều ý kiến trái chiều nên những dự thảo công bố lần sau đã được rút lại nội dung này. Vậy, trong dự thảo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần này có nội dung này nữa hay không, thưa ông?
Bộ Tài chính đã rút nội dung bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan Thuế ra khỏi dự Luật. Hiện tại, hệ thống thuế đang sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chi cục thuế khu vực, do đó, nội dung này có thể được nghiên cứu và kiến nghị sau năm 2025.