Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa
(Tài chính) Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, song song với việc quyết tâm cao nhất để thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013 đã được Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ đã trình ra Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII. Việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này đặc biệt đề cao mục tiêu đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch bảo đảm sự kiểm tra giám sát của nhà nước và xã hội.
Tinh thần đó đã được thể hiện trong các nội dung sửa đổi chính của dự thảo Luật, cụ thể:
Thứ nhất, dự thảo Luật bổ sung làm rõ nguyên tắc thực hành tiết kiệm chống lãng phí: Xác định chống lãng phí là trọng tâm, trên cơ sở thực hiện tốt thực hành tiết kiệm, được quán triệt xuyên suốt từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện. Nguyên tắc này xuất phát từ thực trạng trong những năm gần đây, lãng phí vẫn diễn ra phức tạp và gây những ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng chính là một biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để phòng, chống lãng phí.
Thứ hai, bên cạnh việc kế thừa những nội dung, quy định của Luật hiện hành còn phù hợp và luật hóa các quy định dưới Luật đã được thực hiện ổn định và có hiệu quả, dự thảo Luật “tập trung nghiên cứu, làm rõ hơn các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tất cả các lĩnh vực. Trong đó, đặt ra yêu cầu cao độ về chống lãng phí trên cả nước, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong tổ chức thực hiện”.
Dự án Luật quy định rõ việc xác định mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí chung trên cả nước gắn với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trong chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn, đồng thời đặt ra yêu cầu cho các Bộ ngành, Ủy ban Nhân dân các cấp là phải xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá thực hành tiết kiệm chống lãng phí thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý. Đây là vấn đề có tính chất cốt lõi trong việc đổi mới cơ chế tổ chức điều hành thực hành tiết kiệm, chống lãng phí qua đó, sẽ đánh giá được hiệu quả, kết quả cụ thể của từng địa phương, ngành, lĩnh vực và của cả nước.
Thứ ba, dự thảo Luật đổi mới toàn diện các nội dung theo hướng gia tăng các quy định về cơ chế, giải pháp, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung và cụ thể hóa các quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu lực của các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ví dụ như về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN), tài sản nhà nước của các cơ quan, tổ chức, dự thảo Luật đưa ra nhiều quy định cụ thể để bảo đảm việc sử dụng nguồn kinh phí này chặt chẽ, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm xây dựng kế hoạch và các biện pháp thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong các hoạt động. Đối với các hoạt động có yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí cao như sử dụng phương tiện thiết bị làm việc, phương tiện đi lại… Bên cạnh những quy định về quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm, dự thảo Luật (sửa đổi) đã có quy định rất mới đó là phải thực hiện kiểm toán nội bộ và công khai đối với các khoản chi tiêu liên quan để có sự nhìn nhận chung, từ đó có ý thức tiết kiệm hơn.
Thứ tư, dự thảo Luật đưa ra yêu cầu công khai các hoạt động quản lý NSNN, vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên. Biện pháp này không chỉ bảo đảm thực hành tiết kiệm mà còn có ý nghĩa quan trọng trong ngăn chặn, phòng ngừa lãng phí. Những lĩnh vực, hoạt động phải thực hiện công khai bao gồm: Dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán NSNN; các đơn vị sử dụng NSNN, các quỹ có nguồn gốc NSNN; Mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN; Động viên vào NSNN, huy động vốn cho NSNN và cho tín dụng nhà nước; các quỹ có nguồn huy động đóng góp của nhân dân…
Thứ năm, để tăng cường sự kiểm tra giám sát của nhà nước và xã hội, dự thảo Luật bổ sung quy định về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân và công dân phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí; quy định trách nhiệm của người phát hiện lãng phí về tính trung thực của các thông tin; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi có lãng phí trong việc xem xét xử lý, khắc phục kịp thời và thực hiện việc giải trình về việc để xảy ra lãng phí.
Thứ sáu, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí được phát hiện nhưng không xử lý được, dự thảo Luật lần này đưa ra nhiều quy định cụ thể về hành vi gây lãng phí và cơ chế xử lý đối với các hành vi gây lãng phí trong các lĩnh vực tập trung vào các nhóm hành vi như: hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN; hành vi lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc; hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng; hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng tài nguyên; hành vi lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; hành vi lãng phí trong quản lý vốn nhà nước, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Việc quy định về hành vi lãng phí và chế tài xử lý vừa mang ý nghĩa răn đe, vừa đảm bảo có công cụ rõ ràng để xử lý, đảm báo tính nghiêm minh của pháp luật.
Thứ bảy, để tăng cường hiệu quả, tiết kiệm trong việc sử dụng nguồn kinh phí NSNN, hạn chế tối đa việc thành lập quỹ có nguồn từ NSNN, Dự án Luật đã bổ sung thêm quy định về thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng quỹ có nguồn từ NSNN, trong đó quy định việc thành lập các quỹ có nguồn từ NSNN phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện như (i) Có đề án thành lập quỹ trong đó nêu rõ cơ sở pháp lý, sự cần thiết, ý nghĩa kinh tế -xã hội và tính không thay thế được bằng các hình thức cấp phát ngân sách; (ii) Phù hợp với khả năng của NSNN; (iii) Không trùng lặp về mục đích, tôn chỉ của quỹ; (iv) Bảo đảm thành lập theo đúng trình tự, thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, để khuyến khích việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bên cạnh kế thừa các quy định hiện hành, dự án Luật đã rà soát các quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng để đảm bảo phù hợp. Theo đó, đã bổ sung quy định về việc cơ quan, tổ chức, cá nhân: (i) hoàn thành, hoàn thành vượt mức mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm được giao; (ii) có sáng kiến trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; (iii) phát hiện, ngăn chặn hành vi gây lãng phí NSNN, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên thì bên cạnh nguồn kinh phí theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng, việc khen thưởng đối với thành tích thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn được sử dụng nguồn kinh phí từ tiết kiệm do áp dụng giải pháp sáng kiến, rút ngắn tiến độ mang lại; nguồn kinh phí do ngăn chặn được lãng phí khi được phát hiện và khắc phục kịp thời để khen thưởng.
Có thể nói trong nhiều đích đến đặt ra, đích đến về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đã được quy định rất rõ. Song song với việc trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Luật và sớm đưa vào cuộc sống, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa, thực hiện công khai minh bạch để bảo đảm tăng cường sự kiểm tra giám sát của nhà nước và xã hội sẽ mang lại những kết quả tốt trong điều hành ngân sách, giúp ngành tài chính hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Quốc hội giao phó.