Tiến độ “rùa bò”…
Theo số liệu thống kê từ 90 tập đoàn, tổng công ty, có 42 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành như chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư, ngân hàng với giá trị ước tính khoảng 22.405 tỷ đồng và theo kế hoạch đề ra thì đến năm 2015, buộc phải thoái hết vốn này. Tuy nhiên, đã hơn một năm kể từ ngày đề án tái cơ cấu DNNN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay, ngoài việc phê duyệt một loạt đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty được triển khai tích cực thì việc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn chưa có bước tiến nào đáng kể.
Khó khăn lớn nhất của các DNNN khi thoái vốn ngoài ngành là thị giá nhiều cổ phiếu của DN đã đầu tư hiện xuống dưới mệnh giá (thấp hơn giá gốc 10.000 đồng/ cổ phiếu), trong khi các DN phải bảo toàn khoản vốn đã đầu tư, do đó thường chào bán cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trở lên. Trước khó khăn trên, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước liên tiếp thất bại khi thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành.
Ngày 1/8, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã hủy kế hoạch tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam tại Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng do đến ngày 25/7 là hết thời hạn đăng ký và đặt cọc nhưng không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá. Hơn 1,17 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đại lý Vận tải SAFI (SFI) được Vinalines đánh tiếng bán toàn bộ nhưng hết tháng 7 mới chỉ bán được hơn 172.000 cổ phiếu. Công ty vẫn còn hơn một triệu cổ phiếu SFI và lại tiếp tục kéo dài thời gian đăng ký bán đến ngày 22/8.
Trước đó, Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã thất bại trong thoái vốn tại Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIG), tổng số gần 2,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,13% vốn tại VIG đưa ra đấu giá, Vinachem không bán được cổ phiếu nào. Lý do thất bại là thị giá cổ phiếu quá thấp, dao động từ 2.300 - 2.600 đồng/cổ phiếu, trong khi giá được phê duyệt chuyển nhượng là tối thiểu 10.600 đồng/cổ phiếu.
Một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là khá nhiều khoản đầu tư ngoài ngành của các DNNN là do lãnh đạo DN quyết định, mà không có phương án kinh doanh cụ thể, không được các đơn vị chức năng xem xét, quyết định, trái với quy định của pháp luật. Nghĩa là, xuất phát từ quyết định đầu tư ban đầu không minh bạch, đến nay do thị giá của các khoản đầu tư ngoài ngành sụt giảm so với giá trị đầu tư ban đầu. Thoái vốn ở thời điểm này sẽ dẫn đến lỗ, nên lãnh đạo các DNNN sợ trách nhiệm.
“Bài toán” tiến độ
Theo TS. Bùi Kiến Thành - chuyên gia kinh tế, không thể thấy DN kêu khó, kêu lỗ mà không tiến hành thoái vốn. Thoái vốn để giải quyết “bài toán” đầu tư ngoài ngành lúc này là rất cần thiết và cần làm ngay. Cũng theo ông Thành: Bây giờ, thoái vốn thì chịu lỗ nhưng để lại còn mất tiền thêm và niềm tin. Vậy nên phải cắt lỗ. Nếu cứ tiếp tục đầu tư chẳng những không cắt được lỗ mà còn gây thất thoát thêm cho nền kinh tế. “Vấn đề thoái vốn sẽ đánh giá được hiệu quả và chất lượng của một DN. Nếu cứ để một DN làm ăn không hiệu quả tiếp tục hoạt động và “bơm” thêm tiền cho nó thì sẽ càng tạo thêm những mất mát” – Ông Thành nhấn mạnh.
Tính đến cuối tháng 7/2013, đã có 66 tập đoàn, tổng công ty xây dựng đề án tái cấu trúc trình bộ chủ quản, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó có 44 đề án được phê duyệt. Tháng 9/2013 là hạn cuối để các DNNN hoàn thiện đề án trình Chính phủ.
Trước thực trạng thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN còn chậm, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN tăng cường rà soát các quyết định đầu tư, góp vốn mở rộng kinh doanh phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của DN. Thủ tướng cho phép DN nghiên cứu các giải pháp và lộ trình để khẩn trương thoái vốn đã đầu tư vào các ngành nghề không thuộc ngành nghề kinh doanh chính.
Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính): Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thời gian qua Bộ Tài chính đã rất tích cực triển khai thực hiện, ngoài tập trung rà soát để đơn giản hóa thêm một bước các thủ tục về thoái vốn áp dụng đối với DN do Nhà nước sở h ữ u 100% vốn, Bộ Tài chính đang tổng hợp tiếp các vướng mắc liên quan đến cơ chế cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành để trình Chính phủ. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về các giải pháp gỡ khó cho DN trong quá trình triển khai đề án tái cơ cấu, trong đó có thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Mới đây, chuyện đầu tư ngoài ngành của các DNNN đã được quy định trong Nghị định 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, được ban hành ngày 11/7/2013 nhằm siết chặt quản lý đầu tư, sử dụng vốn nhà nước tại DN. Theo đó, kể từ ngày 1/9/2013, DNNN được quyền sử dụng tài sản thuộc quyền quản lý của mình đã được đầu tư bằng nguồn vốn của DN để đầu tư ra ngoài DN. Một nguyên tắc để đầu tư vốn ra ngoài DN, theo Nghị định nói trên, là DN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ những DN có lĩnh vực kinh doanh chính là bất động sản); không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, các quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư chứng khoán.
Thực tế hiện nay, nhiều DNNN chậm thoái vốn đầu tư ngoài ngành lấy lý do không muốn bán cổ phần ở thời điểm hiện tại khi giá cổ phiếu, bất động sản giảm và sẽ khiến họ thua lỗ. Điều này là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của phần lớn DNNN vẫn diễn ra ì ạch. Do đó, để giải quyết vấn đề này cần có các biện pháp hành chính mạnh để buộc các DNNN đẩy nhanh thoái vốn ngoài ngành.
Biện pháp mạnh này được ông Đặng Quyết Tiến cho hay: Bộ Tài chính đang soạn thảo các biện pháp “mạnh và phù hợp” để buộc các DNNN tiến hành thoái vốn ngoài ngành theo đúng lộ trình đã phê duyệt. Một trong những biện pháp hành chính Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ là có thể cách chức đối với lãnh đạo DNNN trì hoãn, không tiến hành thoái vốn ngoài ngành.
Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 8 - 2013
Lực đẩy thoái vốn ngoài ngành
(Tài chính) Năm 2015 là thời điểm cuối để các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thời gian không còn dài, nhưng đến nay việc triển khai công tác này vẫn thiếu quyết liệt. Giải pháp nào để việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đạt tiến độ đề ra đang là vấn đề đặt ra…
Xem thêm