Lực lượng hải quan tiếp tục nâng cao năng lực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại
Năm 2021, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng hải quan đã thực hiện hiệu quả các giải pháp, phát hiện và triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại... Phát huy kết quả đạt được, năm 2022, ngành Hải quan sẽ tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Xác định rõ tuyến, địa bàn trọng điểm buôn lậu
Trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh song hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp ở một số tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm như: Tuyến biên giới đất liền; tuyến biển, cảng biển; tuyến hàng không và bưu chính quốc tế. Đây là 3 tuyến được xác định là trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại thường được các đối tượng lợi dụng để vận chuyển trái phép hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam.
Cụ thể, đối với tuyến biên giới đất liền, tại các tỉnh biên giới phía Tây Nam, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng qua biên giới vẫn diễn ra phức tạp và có xu hướng tăng mặc dù có sự kiểm soát chặt chẽ bởi các lực lượng chức năng.
Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép hàng giữa các tỉnh có biên giới giáp ranh hoạt động tinh vi và phức tạp, như: Xé lẻ hàng cất giấu trong mặt hàng thiết yếu sau đó thuê vận chuyển bằng phương tiện xe tải nhỏ hoặc xe gắn máy; tình trạng một số lượng hàng hóa tạm nhập tái xuất, quá cảnh thực tế đã làm thủ tục và xuất qua biên giới, nhưng sau đó thẩm lậu ngược trở lại Việt Nam...
Trên tuyến biển, cảng biển, lợi dụng dịp trước Tết Nguyên đán nhu cầu hàng hóa của người dân tăng mạnh, các đối tượng tăng cường mức độ hoạt động. Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép mặt hàng có lợi nhuận cao như dầu DO, than, hàng thủy sản, pháo nổ, hàng điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng đông lạnh (nội tạng động vật, thịt trâu, thịt bò, chân gà...)... diễn ra khá phức tạp.
Tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không và bưu chính quốc tế có chiều hướng giảm, do các chuyến bay quốc tế tiếp tục bị gián đoạn, ngưng trệ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Các đối tượng buôn lậu tập trung vào các loại hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu, như: Sản phẩm từ động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, ma túy, xì gà, điện thoại di động, các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế thông qua các bưu kiện hàng hóa là quà tặng, quà biếu... được gửi từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ.
Phát hiện, bắt giữ, xử lý 13.413 vụ vi phạm pháp luật hải quan
Trước tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan triển khai thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng và lĩnh vực cụ cụ thể như: Hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội: vũ khí, ma túy, xăng dầu, vật liệu nổ, pháo các loại, động vật hoang dã...; Hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...; Hàng nhập khẩu phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết: thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, dược phẩm, dược liệu, điện thoại di động, hàng may mặc...
Đồng thời, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát để chủ động phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời những vụ việc lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để buôn lậu các mặt hàng thuốc tân dược, thiết bị y tế, sinh phẩm y tế và các loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2...
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp trên, từ ngày 16/12/2020 đến 15/11/2021, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 13.413 vụ vi phạm pháp luật hải quan, giảm 5,22 % so với cùng kỳ năm 2020.
Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính là 2.554 tỷ 747 triệu đồng, giảm 39,63% so với cùng kỳ 2020. Số tiền thu nộp NSNN là 270 tỷ 420 triệu đồng, giảm 43,12 % so với cùng kỳ 2020.
Cơ quan Hải quan đã khởi tố 29 vụ, giảm 21,62% so với cùng kỳ 2020. Chuyển cơ quan khác khởi tố 155 vụ, tăng 19,23 % so với cùng kỳ 2020, ma túy 211 vụ, tăng 2,93% so với cùng kỳ năm 2020.
05 nhiệm vụ trọng tâm trong đấu tranh chống buôn lậu năm 2022
Phát huy kết quả đạt được, để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong năm 2022, ngành Hải quan sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, bám sát quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế địa bàn quản lý.
Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về hải quan nói chung và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng.
Ba là, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo; tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cả bề rộng và chiều sâu về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại vào hàng giả để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này.
Năm là, đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng kiểm soát hải quan vững mạnh, đảm bảo trang thiết bị, vũ khí, phương tiện đáp ứng nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực cho lực lượng kiểm soát hải quan.