Lương của Việt Nam đã "đập" theo nhịp của thị trường?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong chính sách về tiền lương, từ việc tách bạch giữa tiền lương cho khu vực hành chính, sự nghiệp dùng ngân sách và tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh theo thỏa thuận đến nâng lương... Tuy nhiên, hiện mức lương bình quân của khu vực sản xuất kinh doanh nước ta vẫn thuộc hàng thấp cho với khu vực.

 Lương của Việt Nam đã "đập" theo nhịp của thị trường?
Mức lương bình quân của khu vực sản xuất kinh doanh nước ta vẫn thuộc hàng thấp cho với khu vực. Nguồn: internet

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh tại Hội thảo chính sách tiền lương tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế do Bộ LĐTB-XH, Hội đồng Tiền lương quốc gia và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức trong hai ngày 25-26/11.

Lương chuyển biến theo thị trường

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, thời gian qua, nước ta đã có nhiều cải thiện đáng kể về chính sách tiền lương cho người lao động, theo đúng "nhịp đập" biến chuyển của thị trường.

"Trong nhiều năm qua, Nhà nước luôn cố gắng cải cách các chính sách tiền lương nhằm đáp ứng được nhu cầu của xã hội và phù hợp với nền kinh tế đang phát triển nhanh", bà Chuyền nhấn mạnh.

Nước ta đang mở rộng quan hệ tiền lương khu vực hưởng lương từ ngân sách theo ba mức tối thiểu, trung bình và tối đa, tương ứng với các mức 1 - 2,34 và 13. Đồng thời tách tiền lương đối với khu vực hành chính và sự nghiệp để giao tự chủ về tài chính, giảm dần từ ngân sách, tạo nguồn tăng lương cho hành chính.  

Theo ILO, hiện Việt Nam có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 10 triệu lao động. Thành tựu đáng kể đối với khu vực này là đã luật hóa xác lập mức lương tối thiểu qua cơ chế 3 bên (Hội đồng Tiền lương quốc gia, doanh nghiệp và người lao động) phù hợp nguyên tắc thị trường trong việc thỏa thuận tiền lương.

"Đặc biệt, doanh nghiệp và người lao động có thể áp dụng mức lương thông qua thỏa thuận, thương lượng, chỉ cần đảm bảo và căn cứ theo mức lương tối thiểu do nhà nước quy định", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết.

Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 70% mức sống tối thiểu

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá thì hiện mức lương bình quân của khu vực sản xuất kinh doanh nước ta vẫn thuộc hàng thấp cho với khu vực. "Hiện nay lương tối thiểu chỉ đáp ứng được khoảng 70% mức sống tối thiểu", ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.

Nguyên nhân được chỉ ra là do 95% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, phần lớn gia công, năng suất lao động thấp, giá trị tạo ra không cao, năng lực thương lượng, thỏa thuận tiền lương của người lao động hạn chế dẫn đến tiền lương có xu hướng bị ép...

"Hiện nay cơ chế tiền lương thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp lách luật, chỉ trả lương cho lao động bằng hoặc trên mức tiền lương tối thiểu một chút, dẫn tới thu nhập cũng như đời sống của người lao động không cao", ông Huân cho biết.

Nói về vấn đề này, ông Huân khẳng định, chúng ta đã xác định nguyên tắc tôn trọng và tăng cường thỏa thuận, thương lượng về tiền lương giữa doanh nghiệp và lao động. Để tăng lương cho mình, chính người lao động cũng cần có hiểu biết và kỹ năng thương lượng với doanh nghiệp.

"Vấn đề việc làm, thất nghiệp, tiền lương, thu nhập và đời sống người lao động đang đặt ra cần phải nghiên cứu trong quá trình chuyển đổi và hội nhập. Mục tiêu lâu dài của nhà nước là sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh nâng quy định mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi hài hòa cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động thì "nâng" cũng phải theo lộ trình chứ không thể tạo ra "cú sốc", ông Huân nhấn mạnh.

Mặt khác, theo đại diện Bộ LĐ - TB&XH, hiện nhiều doanh nghiệp cho biết, muốn kéo dài lộ trình đến năm 2020 lương tối thiểu mới bằng mức sống tối thiểu, trong khi lộ trình và đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là năm 2017 mức lương tối thiểu phải đảm bảo đủ nhu cầu sống tối thiểu.

Tại Hội thảo, bà Sandra Polaski, Phó Tổng giám đốc ILO đánh giá, để nâng lương cũng như đảm bảo quyền lợi hài hòa cho cả doanh nghiệp và người lao động thì cần sự hỗ trợ của Chính phủ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần hỗ trợ để có được một nền giáo dục và đào tạo nghề chất lượng cao cho lực lượng lao động, thông qua đầu tư công cho cơ sở hạ tầng, điều tiết giá năng lượng hợp lý và những biện pháp khác hỗ trợ cải tiến, nâng cấp công nghệ và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, năm 2015 đã có nghị định tăng lương tối thiểu vùng thêm 15%, mức tăng từ 300.000-400.000 đồng tùy theo từng vùng. Để đảm bảo được lộ trình đến năm 2017 lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu thì những năm tới, mỗi năm phải tăng khoảng 18-19%. Nếu chậm sang năm 2018 thì mỗi năm tăng khoảng 15%.

Đặc biệt, trong hai phương án lộ trình năm 2017 hay 2018 lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu thì sẽ quyết định dựa trên "sức khỏe" của nền kinh tế.