Lý do khiến giá dầu bất ngờ đảo chiều
(Tài chính) Giá dầu thế giới đang nhích lên từ mức thấp lịch sử vào tháng 1/2015. Nguyên nhân giá dầu tăng trở lại được cho là do nhu cầu dầu tăng trở lại, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ cùng với việc các nhà sản xuất dầu thế giới cắt giảm sản lượng khai thác.
Giá dầu Brent từng chạm mốc thấp kỷ lục 45 USD/thùng hồi tháng 1.2015 sau khi dao động quanh mức 50 USD/thùng ở những ngày cuối cùng của năm 2014. Chỉ trong vòng 6 tháng, giá dầu thế giới đã giảm hơn một một nửa, một sức giảm nhanh và mạnh chưa từng có kể từ khi dao động quanh mức 115 USD/thùng hồi tháng 6/2014.
Trước năm 2014, cùng với đà tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, các nhà sản xuất dầu đã cố gắng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hai quốc gia này. Trong thời kỳ giá dầu ở mức cao, nhiều công ty đã bắt đầu đi tìm kiếm lợi nhuận bằng cách chiết xuất dầu từ các nguồn khác nhau, dẫn đến bùng nổ dầu khí đá phiến tại Mỹ. Tuy nhiên, vào cuối năm 2014, cùng với tình trạng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ, nguồn cầu dầu giảm mạnh dẫn đến tình trạng dầu dự trữ vượt quá nhu cầu. Thông thường trước tình trạng này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gồm các nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ phải cắt giảm sản lượng để ngăn chặn đà giảm giá. Tuy nhiên, Ảrập Xêút nước xuất khẩu lớn nhất trong OPEC đã không chấp nhận giảm sản lượng để cạnh tranh thị phần với Mỹ. Kết quả là thế giới chứng kiến một đợt giảm giá dầu sâu và mạnh chưa từng có.
Tuy nhiên, trong vài tuần trở lại đây, giá dầu thế giới đã nhúc nhích tăng trở lại. Giá dầu thô Brent giao trên thị trường ngày 27/2 đạt mức 61 USD/thùng, tăng 16% và đây là lần tăng giá đầu tiên kể từ tháng 6/2014. Một trong những nguyên nhân khiến xu hướng giá dầu đảo ngược là do hoạt động khoan dầu giảm. Tình trạng giá dầu giảm sâu khiến nhiều công ty dầu khí ở Mỹ phải trì hoãn các kế hoạch khai thác, đầu tư, thậm chí sa thải công nhân. Động thái này cũng dẫn đến sản lượng khai thác thấp đi và nguồn cung tăng chậm hơn trong tương lai gần. Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ đã quyết định giảm sản lượng khai thác dầu thô từ 9,42 triệu thùng/ngày xuống còn 9,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2015.
Trong một báo cáo gần đây, hãng tin Reuteurs cho biết, nhu cầu dầu mỏ ở Trung Quốc dự báo sẽ tăng 3% trong năm 2015, cao hơn mức dự báo 2% của Cơ quan Năng lượng quốc tế. Thông tin về nhu cầu cao hơn của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá dầu bị đẩy lên.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng lưu ý, nhu cầu cao hơn chủ yếu do giá dầu ở mức thấp trong tháng 1/2015. Nói cách khác, sẽ có nguy cơ mức cầu yếu đi khi giá dầu tăng trở lại. Nhưng sau đó, sẽ không có khả năng giá dầu tăng mạnh nữa. Trong ngắn hạn, sau khi chạm mức thấp kỷ lục (vào tháng 1.2015), giá dâu bắt đầu tăng trở lại vào tháng 2. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những bất ổn và đà phục hồi của giá dầu liên quan đến nguồn cầu vẫn có thể khiến giá dầu quay đầu giảm trở lại. Về tổng thể, có thể dự đoán, giá dầu sẽ tương đối cao vào cuối năm 2015 so với năm 2014, mặc dù mức tăng sẽ không như mong đợi.