M&A khủng quay trở lại
(Tài chính) Sau nhiều năm “né” các thương vụ M&A lớn, các nhà điều hành bắt đầu quay trở lại bàn đàm phán với các thương vụ có giá trị khủng. Chẳng hạn, việc Comcast tuyên bố thâu tóm Time Warner Cable Inc. với giá 45 tỉ USD hay hãng dược Valeant Pharmaceuticals International Inc. ra giá xấp xỉ 46 tỉ USD mua lại Allergan Inc.
Tính từ đầu năm đến nay, đã có 14 thương vụ hoặc đề nghị mua lại trị giá ít nhất 10 tỉ USD được công bố, theo Dealogic, mức cao nhất kể từ năm 2007. Con số này chưa bao gồm thông tin hồi cuối tháng 4 rằng Pfizer ngỏ ý mua AstraZeneca trong một thương vụ có thể lên tới 100 tỉ USD, hay việc General Electric đang đàm phán mua bộ phận năng lượng của Alstom SA với giá hơn 12 tỉ USD (Siemens cũng tỏ ra hứng thú với việc mua lại bộ phận năng lượng của Alstom).
Trong khi đó, các thương vụ được công bố có giá trị chưa tới 500 triệu USD chiếm chỉ 21% tổng giao dịch từ đầu năm đến nay, xét theo giá trị đồng USD, thấp nhất trong lịch sử theo dõi M&A của Dealogic.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, các nhà điều hành đã không còn hứng thú đối với các cuộc đi thâu tóm, nhất là các thương vụ có giá trị lớn mà thay vào đó, họ trữ tiền mặt. Nhưng giờ đây, niềm hứng khởi đã quay trở lại, nhờ đà phục hồi ở Mỹ và châu Âu, việc giá chứng khoán tăng lên cũng như những thay đổi trong chính sách thuế quốc tế (giúp cho việc sáp nhập với các công ty nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn về mặt tài chính).
Theo Michael Shaoul, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng tư vấn đầu tư Marketfield Asset Management LLC, các CEO (sở hữu tổng cộng hơn 4.000 tỉ USD tiền mặt) đã đi từ chỗ e ngại thực hiện các thương vụ lớn đến chỗ bị áp lực phải thực hiện các thương vụ thâu tóm nếu không muốn mất cơ hội về tay đối thủ. “Trong tuần cuối tháng 4, có thể nói chúng ta đã bước vào một cơn sốt M&A”, ông nhận xét.
Tổng giá trị M&A đã đạt mốc 1.000 tỉ USD trong 4 tháng đầu năm nay, tốc độ nhanh nhất trong vòng 7 năm qua, theo Bloomberg (chưa bao gồm các đề nghị mua lại từ các công ty như Pfizer, Mylan…).
Phần lớn thương vụ thâu tóm gần đây tập trung ở châu Âu. Với việc nền kinh tế của Liên minh châu Âu đã tăng trưởng trở lại, đạt 0,1% năm ngoái, một số nhà điều hành ở Mỹ và các nơi khác cho rằng giai đoạn tồi tệ nhất của khu vực này đã qua đi. Trong khi đó, mức định giá doanh nghiệp ở châu Âu vẫn còn hấp dẫn.
Chỉ trong tuần cuối của tháng 4, đã có nhiều thỏa thuận và đàm phán giữa các công ty Mỹ và châu Âu có thể trị giá lên tới hơn 115 tỉ USD. Ngoài thương vụ General Electric - Alstom và Pfizer - AstraZeneca đã nói ở trên, hồi cuối tháng 4, Eli Lilly & Co. cho biết sẽ mua bộ phận chăm sóc sức khỏe gia súc, gia cầm của Novartis với giá 5,4 tỉ USD. Mylan Inc cũng đang theo đuổi thương vụ mua lại hãng dược Thụy Điển Meda AB (hồi cuối tháng 4, Meda đã từ chối dù Mylan đã nâng mức ra giá mua lại lên tới 6,7 tỉ USD).
Các quy định thuế quốc tế cũng đang khiến cho các thương vụ thâu tóm ra nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp Mỹ, vì họ có thể được đánh thuế thấp hơn bằng cách “chuyển” trụ sở sang một quốc gia ở nước ngoài thông qua việc mua lại một công ty ở nước đó.
“Có một số yếu tố thúc đẩy các thương vụ tăng mạnh, đặc biệt là lợi ích về thuế liên quan đến các thương vụ chuyển trụ sở như trên”, Kevin Cox, một nhà điều hành cấp cao tại Citigroup, nhận xét. Đó là một phần lý do cho việc Pfizer (Mỹ) muốn thâu tóm AstraZeneca, có trụ sở ở London, Anh. Nếu thương vụ được thông qua, một công ty mẹ mới ở Anh sẽ sở hữu công ty mới sau sáp nhập, khiến cho công ty mới này dễ dàng chuyển đi các khoản thu nhập có thể bị đánh thuế ở Mỹ.
Cũng theo Dealogic, nhờ thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh, tỉ lệ phần trăm giá trị của các thương vụ giao dịch hoàn toàn bằng cổ phiếu đã ở mức cao nhất kể từ năm 2003. Tính từ đầu năm đến nay, 18% các thương vụ M&A được công bố, tính theo giá trị USD, là các thương vụ mua lại chỉ bằng cổ phiếu. Năm ngoái, con số này chỉ là 9%. Còn các thương vụ giao dịch chỉ bằng tiền mặt, xét theo giá trị đồng USD, đã giảm tới 48% từ đầu năm đến nay, mức thấp nhất kể từ năm 2001.
“Xu hướng mua bán hoàn toàn bằng cổ phiếu này đặc biệt thấy rõ ở các thương vụ trong ngành công nghệ”, Chris Gaertner, đứng đầu bộ phận tài chính doanh nghiệp toàn cầu tại Credit Suisse Group, nhận xét. Theo ông, các thương vụ giao dịch bằng cổ phiếu giúp bên đi thâu tóm giữ được các nhân tài hàng đầu ở bên bị thâu tóm bằng cách cho họ cổ phiếu trong công ty mới sáp nhập. Ông cũng cho biết 75% các cuộc đàm phán thỏa thuận mà ông đang thực hiện cho khách hàng là chỉ bằng cổ phiếu, so với mức thông thường khoảng 25% trước đây.
Thương vụ Facebook mua lại ứng dụng nhắn tin WhatsApp hồi tháng 2 với giá 19 tỉ USD là một ví dụ. Theo đó, Facebook sẽ trả 12 tỉ USD bằng cổ phiếu và 4 tỉ USD bằng tiền mặt. Ngoài ra, Facebook đồng ý trả thêm 3 tỉ USD cổ phiếu hạn chế cho nhân viên và các nhà sáng lập WhatsApp. Lúc đó, giá cổ phiếu Facebook đang được giao dịch gần ở mức cao mọi thời đại.
Một lý do khác khuyến khích các thương vụ lớn là gần đây, giá cổ phiếu của các bên đi thâu tóm thường tăng lên sau khi một thương vụ mua lại được công bố. Điều này đã giúp các công ty có thêm tự tin để thực hiện các cuộc thập tự chinh. Chẳng hạn, hồi cuối tháng 4, khi hãng sản xuát thiết bị y tế Zimmer Holdings đồng ý mua lại đối thủ Biomet Inc. với giá 13,35 tỉ USD trong một giao dịch vừa bằng cổ phiếu vừa bằng tiền mặt thì cổ phiếu của công ty này đã tăng tới 11,5%.
Theo dự kiến, các cuộc thâu tóm có thể sẽ tiếp tục nhộn nhịp trong những tháng còn lại của năm. Báo cáo Triển vọng M&A 2014 của hãng kiểm toán KPMG, vốn lấy ý kiến của các nhà đàm phán thương vụ và các nhà điều hành doanh nghiệp, cho thấy 63% người được hỏi cho biết họ dự kiến sẽ đi thâu tóm công ty khác trong năm nay.
Nếu tốc độ thâu tóm tiếp tục như tốc độ của tháng 4 cho đến hết năm, thì năm 2014 sẽ chứng kiến có xấp xỉ 4.000 tỉ USD giá trị thương vụ được công bố, trở thành năm M&A nhộn nhịp đứng thứ hai chỉ sau năm 2007, theo Bloomberg.