M&A ngân hàng "nóng" trở lại?
Sau giai đoạn trầm lắng, năm nay kế hoạch mua bán, sáp nhập (M&A) lại "gây bão" tại đại hội cổ đông thường niên của các ngân hàng, trong đó nhiều thương vụ gây bất ngờ cho thị trường và hứa hẹn sẽ có thêm những thương vụ hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Nhiếu ngân hàng lên kế hoạch M&A
Ngày 21/4, trong cuộc họp đại hội cổ đông của HDBank và PGBank diễn ra cùng ngày, 100% cổ đông PGBank đồng ý sáp nhập vào HDBank trong khi tỷ lệ đồng ý ở HDBank là 94,28%. Theo đề án, việc sáp nhập sẽ được 2 ngân hàng triển khai trong tháng 4, tháng 7 sẽ tiến hành hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ 1: 0,621 và tháng 8/2018 sẽ hoàn tất việc sáp nhập.
Thông tin trên là bất ngờ đối với giới tài chính, khi mà ngày 29/3, trong cuộc họp đại hội cổ đông của Ngân hàng Thương mại CP Quân đội (MBBank), khi trả lời cổ đông về việc sáp nhập với một ngân hàng, Tổng giám đốc MBBank Lưu Trung Thái cho biết vẫn đang nghiên cứu một số đơn vị, trong đó có PGBank. Với việc PGBank đã về tay của HDBank thì MBBank dĩ nhiên sẽ phải tìm đối tác khác.
Tại đại hội cổ đông vừa qua, Lienvietpostbank cho biết ngoài việc tăng vốn, Ngân hàng đang nghiên cứu phương án kết hợp với tái cơ cấu cổ đông, trong đó có đối tác nước ngoài, nghiên cứu M&A, tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Được biết cựu Chủ tịch HĐQT Lienvietpostbank trước đây là ông Dương Công Minh hiện đang làm Chủ tịch HĐQT Sacombank, và mới nhất là thông tin ông Nguyễn Văn Huynh - người vừa từ nhiệm HĐQT LienVietPostBank đã tham gia thành viên HĐQT của Sacombank.
Riêng Vietinbank, sau khi hủy bỏ thương vụ nhận sáp nhập với PGBank thì tại đại hội cổ đông vừa qua cho biết sẽ tìm một ngân hàng khác để thay thế thương vụ với PGBank. Lý giải về nguyên nhân không sáp nhập với PGBank, lãnh đạo Vietinbank cho biết do quá trình đàm phán kéo dài, thay đổi diễn biến thị tường nhanh nên 2 bên đã không đi đến đồng thuận. VPBank gần đây cũng cho biết muốn tăng mạnh vốn điều lệ là để chuẩn bị cho các kế hoạch M&A và nhiều kế hoạch khác.
M&A được xem là giải pháp nhanh chóng để tăng quy mô và vốn về mặt cơ hữu, đảm bảo cho việc đáp ứng các hệ số an toàn vốn mới theo chuẩn Basel 2 sẽ có hiệu lực từ 2020.
Các ngân hàng nằm trong mục tiêu M&A, một là nhóm ngân hàng yếu kém như đã bị mua 0 đồng và đang bị kiểm soát đặc biệt, hai là những ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ thấp nhưng không thể tăng thêm vốn trong những năm qua.
Cần nhớ rằng mục tiêu trước đây của Ngân hàng Nhà nước là chỉ còn khoảng 15 -17 ngân hàng, trong khi hiện tại trên thị trường vẫn còn đến 35 ngân hàng.
Thời điểm thích hợp cho M&A?
Dù vậy, không chỉ dừng lại ở việc nhận sáp nhập ngân hàng nhỏ, các ngân hàng lớn cũng có kế hoạch đón nhận, thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài để sớm hoàn thành lộ trình tăng vốn. BIDV sau khi nhận sáp nhập MBBank cách đây vài năm thì hiện nay đang chuẩn bị bán 15% cổ phần cho Ngân hàng KEB Hana, Hàn Quốc.
Trong khi đó, phương án bán 10% vốn cho đối tác ngoại của VCB cũng đã được Chính phủ đồng ý. Techcombank cũng đang đàm phán với Quỹ GIC của Singapore và Dragon Capital để bán cổ phần cho đợt IPO sắp tới.
Bối cảnh hiện nay cũng có nhiều yếu tố hỗ trợ M&A từ nguồn vốn nước ngoài. Với kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực, tỷ giá và lạm phát ổn định, môi trường cạnh tranh và pháp lý ngày càng cải thiện, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ mạnh vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến thuận lợi. Tình hình của các ngân hàng Việt Nam hiện nay đã khác nhiều so với trước đây, sau khi đã trải qua cuộc "đại phẫu thuật" trong giai đoạn tái cơ cấu quyết liệt, đã lành mạnh hơn nhiều.
M&A được xem là giải pháp nhanh chóng để tăng quy mô và vốn về mặt cơ hữu, đáp ứng các hệ số an toàn vốn mới theo chuẩn Basel 2 sẽ có hiệu lực từ 2020. Với áp lực nâng cao các tỷ lệ an toàn theo chuẩn mực mới, các ngân hàng nhỏ hoặc kém hiệu quả phải chịu áp lực tăng vốn nhanh, nếu không tất yếu phải sáp nhập vào các ngân hàng lớn để có thể tồn tại, khi chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, như đã nói, sẽ giảm dần số lượng, đồng thời tăng sức mạnh của các ngân hàng để cạnh tranh được trong khu vực.
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng cũng đang trong giai đoạn tích cực nhất, trong đó nhiều ngân hàng đã xử lý gần hết nợ xấu, nợ bán cho VAMC, lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ nên đây là thời điểm tốt nhất nếu muốn hợp nhất hay nhận sáp nhập các ngân hàng yếu hơn.
Chẳng những vậy, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 ngoài việc hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi đến 0% cho các ngân hàng yếu kém, thì những ngân hàng nào tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém có thể nhận được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi tương tự, thông qua các hình thức như cho vay đặc biệt, cho vay tái cấp vốn.
Rõ ràng những quy định mới này có thể khuyến khích các tổ chức tín dụng khác mua lại, nhận chuyển giao, hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém khi nhận thấy khả năng phục hồi sẽ nhanh hơn với những ưu đãi tiếp cận vốn giá rẻ.