Mai Linh tìm cửa sinh
(Tài chính) Câu chuyện Mai Linh không mới nhưng bài học về việc vực dây một doanh nghiệp từ những bước đi sai lầm vẫn còn mang tính thời sự.
Sai lầm của Mai Linh đã bộc lộ rõ vào cuối năm 2012, khi tổng số nợ của tập đoàn này lên đến 4.631 tỉ đồng, gấp gần 10 lần vốn chủ sở hữu. Tập đoàn cũng thừa nhận sai lầm trong đường lối kinh doanh và đã lên kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp.
Đầu tiên, Mai Linh nhanh chóng định hình lại hoạt động, thoái vốn khỏi các ngành nghề không cốt lõi để tập trung vào lĩnh vực taxi, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Nha Trang.
Tại Đại hội cổ đông thường niên tổ chức hồi tháng 6, ông Hồ Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Mai Linh, cho biết từ năm 2008, Tập đoàn đã nhận thấy những rủi ro từ đầu tư đa ngành, nhưng 3 năm gần đây, mới quyết định dần thoái vốn khỏi các ngành nghề không cốt lõi để tập trung vào mảng taxi.
Mai Linh đã tiếp tục thực hiện chính sách kinh doanh taxi dưới hình thức thương quyền. Hoạt động này của Mai Linh đã được thực hiện từ năm 2000 và cho đến nay, đã có khoảng 40% lượng xe thương quyền trên các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, miền Trung.
Ông Robert Trần, Giám đốc Điều hành tập đoàn tư vấn chiến lược Robeny (Canada), cho rằng: “Việc quan trọng đối với Mai Linh là phải định hướng đúng ngành nghề kinh doanh, từ đó mới có thể đưa ra các giải pháp cụ thể. Nhưng có một điều cần lưu ý là không phải cứ lĩnh vực kinh doanh nào đang bị lỗ thì cắt bỏ luôn, mà phải có cái nhìn trong dài hạn. Có thể hiện tại lĩnh vực đó đang bị lỗ nhưng lại có tiềm năng về sau này”.
Một điểm nhấn quan trọng khác trong kế hoạch tái cấu trúc của Mai Linh là tinh gọn bộ máy hoạt động để giảm thiểu chi phí. Tập đoàn thừa nhận trước đây bộ máy của Mai Linh khá cồng kềnh khi đều có văn phòng, bộ máy riêng cho các hoạt động vận tải đường dài, thương mại và du lịch, khiến chi phí quản lý bị phình ra. Giờ thì Tập đoàn đã đề ra phương châm hoạt động mới với tiêu chí “Một Mai Linh”. Ông Hồ Huy cho hay đã giảm nhân sự văn phòng từ 300 người xuống còn có 80 người vào cuối tháng 6/2013 và “sẽ còn tinh gọn hơn nữa”.
Kế hoạch tiến sang thị trường Lào và Campuchia cũng được tạm dừng. “Mai Linh đang khảo sát thị trường và vì thế sẽ tạm dừng chưa đầu tư tiếp vào đây”, ông Hồ Huy cho biết thêm.
Ông Robert Trần, Robeny, đánh giá cao nỗ lực tinh gọn bộ máy hoạt động ở Mai Linh. Tuy nhiên, ông lưu ý: “Việc cắt giảm nhân sự là cần thiết nhưng cần phải giữ lại những người giỏi. Một công ty có đúng người, đúng việc luôn là điều ưu tiên”.
Giải quyết khoản nợ lớn cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Mai Linh. Đại hội cổ đông của Tập đoàn đã thông qua việc phát hành thêm hơn 3,6 triệu cổ phần cho VOF Investment Limited (chậm nhất là tháng 12.2013). Tập đoàn cũng sẽ phát hành 100 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn thêm 1.000 tỉ đồng.
Phát hành cổ phần cho VOF là một cách để cơ cấu lại khoản nợ khi Mai Linh dùng 54,9 tỉ đồng công nợ phải trả đối với VOF để phát hành. Về việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược nhằm huy động vốn, Ban lãnh đạo Tập đoàn cho biết đã có cổ đông chiến lược muốn tham gia góp vốn đầu tư.
Một giải pháp khác để xử lý món nợ cũng đã được Mai Linh cân nhắc. ”Chúng tôi đang vận động các cá nhân đã cho Mai Linh vay trước đây chuyển nợ thành vốn đầu tư dài hạn, hoặc vốn cổ phần”, ông Hồ Huy cho biết.
Việc này không phải là chưa có tiền lệ. Trước đây Công ty Thủy sản Bình An đã vượt khó bằng cách thuyết phục chủ nợ Habubank chuyển nợ thành vốn cổ phần. Nhưng có lẽ Mai Linh sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thuyết phục các cá nhân cho vay chấp nhận giải pháp này.
Hiệu quả và cách triển khai kế hoạch tái cơ cấu của Mai Linh vẫn còn phải chờ thời gian trả lời. Ông Robert Trần cho rằng Mai Linh cần phải đi một cách thận trọng. “Hãy xem Mai Linh như một bệnh nhân. Cần từng bước điều trị và dùng đúng phương pháp. Phải thận trọng khi cho người bệnh này uống thuốc nếu không sẽ bị sốc”, ông nói.