Mạnh mẽ, quyết liệt về chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Ngọc Tú

Con số thống kê của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025, các lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giảm 21,45% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 10.836 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 79,34%); 36.313 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế (giảm 34,14%); 3.270 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) (tăng 8,64%); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.454,2 tỷ đồng (tăng 6,39%); khởi tố hình sự 1.899 vụ (tăng 192,15%), 3.271 đối tượng (tăng 70,99%).

Riêng trong tháng cao điểm từ ngày 15/5 - 15/6/2025, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 10.437 vụ. Trong đó, 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.631 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.278 tỷ đồng; khởi tố hình sự 204 vụ, 382 đối tượng bị khởi tố.

Trong tình hình mới, phương thức thủ đoạn của các đối tượng sẽ tinh vi hơn, bài bản hơn do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, thương mại thời công nghệ số… Trước thực trạng đó, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các lực lượng thực thi, doanh nghiệp, người tiêu dùng một cách toàn diện, trách nhiệm, triệt để và đồng bộ các giải pháp.

Nhân dịp này, Phóng viên Tạp chí Kinh tế - Tài chính đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vũ Quân - Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ KENFOX về vấn đề này.

Ông Nguyễn Vũ Quân - Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ KENFOX
Ông Nguyễn Vũ Quân - Giám đốc Công ty Sở hữu trí tuệ KENFOX

Phóng viên: Với những con số thống kê của cơ quan chức năng nêu trên, nhiều vụ hàng giả, xâm phạm quyền SHTT đã gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp mà còn là nỗi lo của của toàn xã hội. Ở góc độ là đơn vị tư vấn pháp lý, ông đánh giá thế nào về tình trạng này trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Vũ Quân: Với vai trò là đơn vị tư vấn pháp lý trong lĩnh vực SHTT, chúng tôi nhận định rằng những con số thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2025 phản ánh một thực trạng đáng lo ngại và đang diễn biến phức tạp theo chiều hướng mới, đặt ra những thách thức nghiêm trọng cả về pháp lý lẫn xã hội.

Mặc dù tổng số vụ kiểm tra, xử lý vi phạm có giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 21,45%), song số vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu lại tăng mạnh (tăng 79,34%) và số vụ xâm phạm quyền SHTT cũng tăng đáng kể (3.270 vụ, tăng 8,64%). Đặc biệt, việc khởi tố hình sự tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ (1.899 vụ, tăng 192,15%), phản ánh sự quyết liệt của cơ quan chức năng nhưng cũng cho thấy mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm.

Thương mại điện tử trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho các hành vi gian lận, hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là trên mạng xã hội và các nền tảng livestream.

Xâm phạm quyền SHTT không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, niềm tin của người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ở góc độ pháp lý, mặc dù hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng, đặc biệt với việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT năm 2022, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức trong thực thi như: việc xử lý vi phạm chủ yếu vẫn dừng lại ở mức hành chính, chế tài chưa đủ sức răn đe, quy trình xử lý kéo dài, và sự phối hợp liên ngành chưa thực sự hiệu quả. Hành vi làm giả ngày càng tinh vi, từ giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ đến giả cả tem chống hàng giả, khiến việc phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng xâm phạm quyền SHTT đã, đang và sẽ là một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế tri thức. Vì vậy, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ các bên liên quan là yếu tố then chốt để bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và thúc đẩy một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng và sáng tạo.

 

Cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT không đơn thuần là nhiệm vụ pháp lý, mà là một cuộc đấu tranh sống còn để bảo vệ nền kinh tế sáng tạo, gìn giữ thương hiệu quốc gia và giữ vững niềm tin của người tiêu dùng. Những con số ngày càng tăng, những thủ đoạn ngày càng tinh vi – từ biên giới đến thương mại điện tử – cho thấy đây không phải là một trận đánh ngắn hạn, mà là một cuộc chiến trường kỳ, không có hồi kết.

 

Phóng viên: Tình trạng xâm phạm quyền SHTT đang xảy ra nhiều từ biên giới tới nội địa và mức độ vi phạm ngày càng gia tăng. Với nhiều năm theo dõi về vấn đề thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, ông có thể cho biết công tác triển khai và thực thi SHTT trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Vũ Quân: Với nhiều năm theo dõi và đồng hành cùng doanh nghiệp trong lĩnh vực thực thi quyền SHTT tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy rằng công tác triển khai và thực thi quyền SHTT trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn tồn tại không ít hạn chế cần khắc phục.

Về những điểm tích cực:

Một là, khung pháp lý ngày càng hoàn thiện. Luật SHTT đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện vào năm năm 2022 nhằm nội luật hóa các cam kết quốc tế như CPTPP và EVFTA... Đồng thời, các văn bản hướng dẫn thi hành như Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, và Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN cũng được ban hành kịp thời, tạo nền tảng pháp lý cụ thể cho việc xử lý vi phạm. Chiến lược SHTT đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu ASEAN về bảo hộ và khai thác quyền SHTT.

Hai là, tăng cường xử lý vi phạm. Các cơ quan thực thi như Quản lý thị trường, Hải quan, Công an Kinh tế, Thanh tra chuyên ngành đã tăng cường hoạt động kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Số vụ khởi tố hình sự về hàng giả, xâm phạm quyền SHTT cũng tăng đáng kể trong thời gian gần đây – điều này cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật đang dần được nâng cao.

Ba là, nhận thức doanh nghiệp được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chủ động đăng ký và thực thi quyền SHTT, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Những tồn tại, hạn chế:

Các hành vi vi phạm quyền SHTT trên môi trường thương mại điện tử, mạng xã hội ngày càng phổ biến nhưng công cụ giám sát và cơ chế xử lý hiện còn nhiều bất cập. Thương mại điện tử và livestream bán hàng tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái lan rộng từ biên giới vào nội địa. Kiểm soát hàng hóa tại biên giới chưa hiệu quả, dù hải quan đã được trao quyền chủ động kiểm tra hàng hóa liên quan đến SHTT.

Năng lực cán bộ thực thi còn hạn chế, gần 90% cán bộ được khảo sát cho rằng cần đào tạo chuyên sâu về SHTT. Sự phối hợp giữa các cơ quan như quản lý thị trường – công an – tòa án – hải quan đôi khi chưa đồng bộ, dẫn đến chồng chéo hoặc kéo dài thời gian xử lý.

Xử lý vi phạm vẫn chưa triệt để. Phần lớn vụ việc mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, thiếu tính răn đe, đặc biệt là trong các vụ vi phạm có tổ chức hoặc tái phạm nhiều lần.

Tóm lại, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT. Tuy nhiên, để đối phó với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, cần tiếp tục cải cách pháp luật, tinh giản bộ máy thực thi, tăng cường phối hợp liên ngành và ứng dụng công nghệ số.    

Phóng viên: Để đẩy lùi tình trạng nhập khẩu, buôn bán hàng vi phạm quyền SHTT, bảo vệ quyền hợp pháp của doanh nghiệp, người dân, theo ông, trong thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp nào?

Ông Nguyễn Vũ Quân: Để đẩy lùi tình trạng nhập khẩu, buôn bán hàng hóa vi phạm quyền SHTT và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng, theo quan điểm của tôi – với vai trò là đơn vị tư vấn pháp lý lâu năm trong lĩnh vực SHTT – cần tập trung triển khai một loạt giải pháp tổng thể, đồng bộ và có chiều sâu như:

 

Muốn chiến thắng, không thể trông chờ vào riêng một lực lượng nào. Đây là lúc cần một tổng lực đồng lòng, nơi Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, doanh nghiệp hành động chủ động, và người tiêu dùng trở thành hàng rào cảnh giác vững chắc. Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân đều là một “mũi tiến công” quan trọng trong mặt trận chung này.

Thứ nhất, tăng cường thực thi pháp luật và xử lý vi phạm. Mở các đợt cao điểm kiểm tra toàn quốc, như chiến dịch từ 15/5 đến 15/6/2025 do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, kể cả hành vi tiếp tay, bao che, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Tăng cường khởi tố hình sự đối với các vụ việc nghiêm trọng, đặc biệt là hàng giả trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật. Cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật về SHTT, đặc biệt là trong môi trường số và thương mại điện tử. Tiếp đến, xây dựng cơ sở dữ liệu hàng hóa, phục vụ truy xuất nguồn gốc, định hướng chiến lược và chống hàng giả. Phân định rõ trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý, tránh chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ.

Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ biên giới và thương mại điện tử. Cần tăng cường kiểm tra tại cửa khẩu, kho ngoại quan, đặc biệt với hàng hóa có nguy cơ xâm phạm SHTT. Giám sát hoạt động thương mại điện tử, livestream bán hàng, xử lý quảng cáo sai sự thật, hàng giả mạo xuất xứ. Ứng dụng công nghệ số, AI, dữ liệu lớn để phát hiện vi phạm trên môi trường mạng.

Thứ tư, phối hợp liên ngành và huy động toàn xã hội. Cần thành lập các tổ công tác liên ngành, do lãnh đạo cấp cao trực tiếp chỉ đạo. Phát động phong trào toàn dân tố giác hàng giả, thông qua báo chí, mạng xã hội. Tuyên truyền sâu rộng về tác hại của hàng giả, nâng cao nhận thức người tiêu dùng và doanh nghiệp.

 

Chống hàng giả không chỉ là bảo vệ pháp luật, đó là bảo vệ danh dự quốc gia, uy tín doanh nghiệp và sự an toàn của cộng đồng. Đã đến lúc phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và cùng nhau – hành động ngay hôm nay, để xây dựng một thị trường minh bạch, công bằng và phát triển bền vững cho tương lai.