Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam cho mục tiêu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, lượng container phế liệu vẫn tiếp tục gia tăng với số lượng lớn.
Theo Tổng cục Hải quan, từ ngày 27/6 (thời điểm triển khai các biện pháp tăng cường quản lý phế liệu nhập khẩu) đến ngày 4/9, Cục Kiểm định hải quan đã tiếp nhận 2.762 mẫu phế liệu nhập khẩu, ban hành 2.761 thông báo kết quả kiểm định, trong đó phát hiện 40 trường hợp không đạt điều kiện nhập khẩu.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng phế liệu tại các cảng biển, gây bức xúc dư luận trong thời gian qua, đồng thời ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả tình trạng nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện nghiêm kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Thực tế cho thấy, để nhập khẩu được phế liệu hay thậm chí là rác thải về Việt Nam, không ít doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng của chính sách cũng như sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn vi phạm pháp luật rất tinh vi. Tình trạng kê khai sai không phải là hiếm, nhưng liều lĩnh và tinh vi hơn, có doanh nghiệp còn tẩy xóa, làm giả cả hồ sơ nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tại Điều 3 Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các loại phế liệu thuộc Phụ lục Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có ba mặt hàng phế liệu nhập khẩu có quy chuẩn gồm: Phế liệu sắt, thép, nhựa. Việc thiếu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong những năm qua đã gây nên khó khăn cho cơ quan quản lý có liên quan, trong đó có cơ quan Hải quan khi xác định phế liệu có thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường hay không; đồng thời đây là cơ hội để các doanh nghiệp lợi dụng nhập khẩu các phế liệu không thực sự đạt tiêu chuẩn vào Việt Nam, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trước tình hình ngày càng phức tạp do hậu quả về môi trường, kinh tế... do tình trạng nhập lậu phế liệu vào Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gần đây các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, mạnh tay hơn với tình trạng vi phạm này.
Cụ thể, ngày 12/9 mới đây, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hải Phòng Nguyễn Tiến Lộc đã ký quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "vận chuyển trái phép phế liệu qua biên giới" đối với 2 công ty có trụ sở tại Hải Dương.
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên Hương Quỳnh Cẩm Hưng (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) bị khởi tố theo Quyết định 2525/QĐ-HQHP khởi tố vụ án hình sự về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” do Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng ký ngày 12/9. Công ty cổ phần DFG (phường Quang Trung, TP. Hải Dương) cũng bị khởi tố về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” theo Quyết định 2526/QĐ-HQHP.
Theo kết quả điều tra, trong 2 năm 2016 và 2017, Công ty TNHH một thành viên Hương Quỳnh Cẩm Hưng đã sử dụng nhiều giấy tờ giả để nhập khẩu trái phép phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam qua cảng Hải Phòng. Đây cũng chính là công ty đã từ chối nhận hơn 420 container phế liệu nhập khẩu hiện đang tồn đọng tại cảng Cát Lái.
Trong khi đó, năm 2016, Công ty cổ phần DFG đã có hành vi tự ý sửa chữa giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu và sử dụng văn bản thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu giả, nhập khẩu trái phép phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam, cũng thông qua cảng Hải Phòng.
Trước đó, vào trung tuần tháng 7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hải Phòng đã ban hành quyết định khởi tố Công ty TNHH dịch vụ xuất nhập khẩu Đức Đạt, có địa chỉ tại tỉnh Ninh Bình. Công ty này đã làm giả giấy phép nhập khẩu và 156 văn bản các loại để hợp pháp hóa cho 13.000 tấn phế liệu, trị giá 35 tỷ đồng nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngày 29/8, Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã phối hợp với Tổng cục Hải quan tiến hành rà soát, phát hiện một số đơn vị, cá nhân có sai phạm trong việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Sau quá trình lập án điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đủ căn cứ xác định: Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Bao bì Trường Thịnh (địa chỉ tại Ninh Bình) do Nguyễn Văn Sơn làm Giám đốc và Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (địa chỉ tại quận 4, TP. Hồ Chí Minh) do Lê Hữu Thiêm làm Giám đốc có dấu hiệu làm giả các giấy tờ, tài liệu để nhập khẩu trái phép phế liệu vào Việt Nam.
Sau đó, cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Trường – Giám đốc Công ty TNHH Đức Đạt; Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc và Dương Văn Phương – nhân viên doanh nghiệp tư nhân Trường Thịnh; Dương Tuấn Anh – quản lý điều hành Công ty Hồng Việt để điều tra về hành vi hành vi “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”.
Hiện nay, ngoài các bị can trong vụ án, cơ quan điều tra cũng đang khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị cá nhân khác có liên quan đến hơn 10.000 container đang tồn tại tại các cảng biển để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Sự vào cuộc mạnh mẽ và biện pháp cứng rắn của các cơ quan chức năng đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của xã hội. Nhiều người dân cũng bày tỏ kỳ vọng tình trạng nhập khẩu phế liệu sẽ bị ngăn chặn trước các biện pháp mạnh tay của cơ quan chức năng để tránh tình trạng Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.