Margin cần cơ chế thông thoáng hơn
Giao dịch ký quỹ (margin) sau hơn một năm triển khai được nhiều CTCK nhận xét là cứng nhắc và kiến nghị, cơ chế cho margin cần thông thoáng, linh hoạt hơn.
Kiến nghị “linh hoạt”
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect (VND) cho rằng, nên để CTCK tự xây dựng danh mục các mã chứng khoán được phép margin, bởi CTCK là người trực tiếp quản lý khách hàng nên hiểu rõ nhu cầu, cũng như kiểm soát được mã chứng khoán đó.
Đối với tỷ lệ margin, hiện đang quy định là 40:60 (tỷ lệ cho vay trên mức ký quỹ), theo một số CTCK là hơi cứng nhắc, do vậy nên quy định mức trần - sàn (mức cho vay tối đa và mức ký quỹ tối thiểu), còn tỷ lệ cụ thể sẽ do CTCK tự đưa ra đối với từng mã cổ phiếu, bởi suy cho cùng, nếu có rủi ro thì CTCK vẫn là đối tượng chịu trách nhiệm.
Theo ông Giang, điều quan trọng là CTCK phải duy trì tỷ lệ an toàn tài chính theo quy định, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro đối với hoạt động này như quy trình kiểm soát nội bộ, quy trình nghiệp vụ cho vay...
Theo tìm hiểu của ĐTCK, hiện tại, vẫn có CTCK cung cấp margin cho NĐT ngay cả với những chứng khoán nằm trong danh sách không được margin mà HOSE và HNX công bố. Một số CTCK cung cấp tỷ lệ margin 50:50, có CTCK cho vay với tỷ lệ 60:40, tùy từng mã cổ phiếu.
Giám đốc chi nhánh một CTCK trực thuộc ngân hàng cho biết, nghiệp vụ margin đã được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư số 74/2011/TT-BTC, nhưng thông tư này có một số điểm chưa thật hợp lý như tỷ lệ margin khá cứng nhắc, quy định về các mã chứng khoán không được phép margin chưa linh hoạt.
“Khi xây dựng Thông tư, cơ quan quản lý đã tính đến mức độ rủi ro của thị trường. Tuy nhiên, khi đưa vào thực hiện được hơn một năm, cơ quan quản lý cũng nên xem xét lại yêu cầu thực tiễn của thị trường để có những bước nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp”, vị này nói và cho rằng, CTCK hơn ai hết là người biết được nhu cầu và rủi ro của khách hàng, nên để CTCK tự xây dựng danh mục mã chứng khoán được phép margin. Hơn nữa, việc lập danh sách các mã cổ phiếu không được margin, ở một khía cạnh nào đó cũng gây ra tình trạng “phân biệt đối xử” giữa các DN đang niêm yết, trong khi khách hàng vẫn có nhu cầu margin với những mã cổ phiếu nằm trong danh sách “cấm”. Như vậy, nếu muốn đáp ứng nhu cầu của NĐT để giữ chân họ, CTCK sẽ phải lách luật.
Nhìn chung, ý kiến của đa số CTCK là danh sách chứng khoán được phép margin mà hai Sở giao dịch đưa ra chỉ là cơ sở để các CTCK tham khảo, còn danh sách cụ thể thì nên để từng CTCK tự liệt kê và tự chịu trách nhiệm về nghiệp vụ của mình.
Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, Tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội chia sẻ quan điểm, cần phải nhìn lại “lịch sử”, trước khi Thông tư về margin có hiệu lực, một số CTCK đã rất mạnh tay cung cấp nghiệp vụ giao dịch cho vay chứng khoán (bản chất là margin), với tỷ lệ rất “thoáng” như CTCK Sacombank, CTCK Thăng Long (nay là CTCK MB), cho vay phổ biến ở mức 80:20 và bản thân các CTCK này đã phải lãnh phần rủi ro về mình rất nhiều. Do vậy, tỷ lệ margin 40:60 như hiện tại tuy hơi chặt, nhưng phần nào giảm thiểu rủi ro đối với các CTCK. Trong một số trường hợp, khi thị trường đi xuống, một số NĐT có thể sẵn sàng bỏ luôn cổ phiếu để không phải nộp thêm khoản ký quỹ.
Vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc
Ở góc độ cơ quản quản lý, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, các CTCK là người cung cấp dịch vụ nên đòi hỏi nghiệp vụ margin thông thoáng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhưng về phía cơ quan quản lý thì vấn đề quản trị rủi ro nhằm đảm bảo an toàn hệ thống phải đặt lên hàng đầu. Khi xây dựng Thông tư 74/2011/TT-BTC, UBCK đã lấy ý kiến CTCK và có sự thống nhất ý kiến của các CTCK về tỷ lệ ký quỹ. Về số lượng cổ phiếu, ngoài danh sách cấm margin của hai Sở, thì dư địa Chứng khoán được margin hiện nay rất rộng.
Trong một cuộc trao đổi với ĐTCK?gần đây, một đại diện UBCK cho biết, để triển khai bất cứ một sản phẩm mới nào, cơ quan quản lý từ các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký đến CTCK phải chuẩn bị kỹ thuật khá phức tạp, tốn kém, nhằm giảm thiểu những tác động không mong muốn cho TTCK, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích cho các thành viên thị trường.
“Những CTCK nào cố tình cung cấp margin cho các chứng khoán không được margin mà HOSE và HNX công bố sẽ bị xử lý nghiêm khắc”, đại diện UBCK nhấn mạnh.