Margin sẽ tiếp tục tăng trong quý IV

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Dù chưa chạm đến mức đỉnh về giao dịch ký quý (margin) hồi tháng 4/2014, nhưng mức độ sử dụng margin tại nhiều công ty chứng khoán hiện đều đạt con số khá cao, đặc biệt kể từ tháng 7/2014 trở lại đây.

Margin sẽ tiếp tục tăng trong quý IV
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
“Cuộc đua” margin tại nhiều CTCK được dự báo tiếp tục tăng trong quý IV.

Ông Phạm Phú Khôi, Tổng giám đốc CTCK ACB (ACBS) cho biết, thời điểm cuối tháng 10/2014, mức margin tại Công ty dao động trong khoảng 1.400 - 1.500 tỷ đồng, tương đương với thời điểm cuối quý III và con số này vẫn thấp hơn nhiều so với “dư địa” cho vay ký quỹ của Công ty.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ các mức lãi suất cơ bản, TTCK đã có những phản ứng khá tích cực, dù thị trường có chịu ảnh hưởng tâm lý từ sự kiện cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương bị bắt.

“Nếu từ nay đến cuối năm, thị trường ổn định theo xu hướng tăng, chúng tôi sẽ xem xét nâng hạn mức margin lên cao hơn một chút so với hiện tại. Tuy nhiên, ACBS chỉ giới hạn trong tầm kiểm soát, không cho vay quá đà”, ông Khôi nói.

Đối với xu hướng thị trường hiện tại, rất nhiều nhà đầu tư không chỉ sử dụng “tiền tươi”, mà còn được sự hỗ trợ từ nghiệp vụ margin của các CTCK.

Trong giai đoạn thị trường bình ổn và nhận được nhiều kỳ vọng về một sóng tăng giá dịp các DN niêm yết có ước tính sơ bộ về kết quả kinh doanh cả năm, dịch vụ margin được dự báo sẽ tiếp tục hút khách.

CTCK MBS dự phóng, tổng margin toàn thị trường tại thời điểm này đã gần chạm vùng đỉnh tháng 4/2014. Và theo dự báo, thị trường quý IV sẽ hồi phục và tăng trưởng so với giai đoạn hiện tại, nên lượng sử dụng margin của nhà đầu tư có thể sẽ tăng thêm khoảng 30%. 

Luôn nằm trong top CTCK cấp margin cao của thị trường, tính tại thời điểm cuối tháng 9/2014, lượng tiền margin tại CTCK TP. Hồ Chí Minh (HSC) đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng gần 800 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý II.

HSC cho biết, Công ty vẫn đang hỗ trợ margin cho khách hàng với tỷ lệ dao động từ 20% đến 50%, nhưng đây là mức cho vay ban đầu, còn tỷ lệ duy trì có thể lên đến tối đa 70% như theo quy định của UBCK.

Đón đầu nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư, mới đây, HSC đã quyết định xin hạn mức từ 4 ngân hàng là HDBank, BIDV, Maritime Bank và Vietcombank tổng cộng lên đến 1.400 tỷ đồng.

Tại CTCK VNDirect (VND), nguồn tiền dành hoạt động margin hiện tại xấp xỉ 800 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với hồi đầu năm. Theo VND, tình hình sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức này cũng chỉ có thể tạo ra các phiên điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong ngắn hạn, bởi hiện tại, ngoài tiền margin, dòng tiền thật vẫn đều đặn được nộp ròng vào kênh chứng khoán, tỷ lệ vay nợ trên tổng tài sản của nhà đầu tư nhìn chung ở mức thấp.

Đã có những thận trọng nhất định khi thị trường điều chỉnh dưới áp lực tâm lý, đặc biệt là trong 2 tuần qua. Mặc dù vậy, theo CTCK MSBS, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức nào về lượng margin trên thị trường là bao nhiêu và chiếm bao nhiêu phần trăm giá trị giao dịch bình quân thị trường.

Vì vậy, những thông tin trên diễn đàn này nọ thường chỉ là những tin vỉa hè và nhà đầu tư không nên quá quan ngại. Hơn nữa, diễn biến dòng tiền margin sẽ không giống như những năm trước. Bởi hiện nay, nguồn vốn trong nền kinh tế đang dư thừa với lãi suất khá thấp, nên kể cả tỷ lệ margin trên thị trường ở mức cao thì rủi ro thanh khoản và chi phí vốn cũng khá thấp.

Cũng có ý kiến cho rằng, những con số margin thể hiện qua báo cáo tài chính của các CTCK chưa phải là số thực tế, mà còn tồn tại dưới dạng hợp đồng hợp tác ba bên giữa CTCK, ngân hàng và nhà đầu tư.

Do đó, mức margin thực tế vẫn có thể cao hơn các con số báo cáo của CTCK, nhưng dự báo tỷ lệ này sẽ ổn định hơn vào thời điểm cuối năm.

Nguyên nhân bởi cuối năm là thời điểm điểm tất toán các khoản tiền gửi nên dòng tiền từ kênh ngân hàng có thể sẽ chảy mạnh qua kênh chứng khoán. Khi đó, tỷ trọng “tiền tươi” của nhà đầu tư sẽ tăng lên và rủi ro margin vượt quá tầm kiểm soát sẽ giảm xuống.

Các CTCK đều khẳng định có thể kiểm soát được nguồn margin và điều này là không lạ, nhưng xét về dài hạn, “bong bóng” margin sẽ có thời điểm xảy ra nếu thị trường chỉ theo hướng một chiều cho nhà đầu tư vay tiền để mua, mà không cho phép họ vay chứng khoán để bán.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý nên sớm phát triển các công cụ phái sinh để giúp thị trường cân bằng hơn, tránh các cú đổ vỡ khi bong bóng vay nợ khiến chỉ số tăng quá xa thực tế.