Mặt bằng lãi suất đang giảm
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tuần cuối của tháng 5/2016, lãi suất qua đêm bình quân trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống mức 0,66%/năm, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua, bởi có những thời điểm dù giảm mạnh, nhưng mức lãi suất này vẫn xoay quanh ngưỡng 1%.
Còn trên thị trường 1, ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, lãi suất huy động được một số ngân hàng niêm yết tiếp tục giảm nhẹ, khoảng 0,2%.
“Mức giảm này sẽ không tạo nên làn sóng giảm lãi suất huy động, mà thể hiện xu hướng không có đà tăng mạnh trong thời gian tới”, giám đốc khối nguồn vốn và thị trường tài chính của một ngân hàng TMCP phân tích.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB chia sẻ: “Lãi suất huy động đang có xu hướng giảm sẽ là tiền đề quan trọng để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay”.
Nhận định về tình hình này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính do sức ép thanh khoản không lớn nhờ Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được NHNN ban hành. Trong đó, điểm nổi bật là cho phép các ngân hàng giữ nguyên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn ở mức 60% như hiện nay đến hết năm 2016. Kể từ 1/1/2017, tỷ lệ này giảm xuống mức 50% và từ đầu năm 2018 mới giảm xuống mức 40%.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhìn nhận: “Đây là một bước ‘nhượng bộ’ của NHNN, giúp các ngân hàng có thêm thời gian chuẩn bị nhằm đắp ứng các tỷ lệ theo yêu cầu của thông tư mới, tránh gây sốc cho hệ thống, sức ép thanh khoản đối với các ngân hàng sẽ được giảm bớt trong ngắn hạn”.
Đặc biệt, Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5 của Trung tâm nghiên cứu BIDV cho biết, nhà điều hành đã mua thêm khoảng 7 tỷ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đã có khoảng 150.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường, bên cạnh việc NHNN đã bơm ra hơn 72.000 tỷ đồng trong hai tháng 4 và 5, đã giúp thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào hơn, góp phần đưa lãi suất VND giảm.
Ở góc độ thị trường ngoại hối, cũng đã có những tác động gián tiếp đến xu hướng lãi suất VND ổn định và có thể hạ thấp hơn nữa. Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc kinh doanh ngoại tệ và trái phiếu Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam nhận định, quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp ngày 14 và 15/6 vừa qua đã được thị trường dự đoán trước, sau khi số liệu việc làm tháng 5 của Mỹ thấp hơn dự đoán khá nhiều, phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ có thể chậm hơn dự kiến, cùng với số liệu lạm phát khá thấp.
Một trong những điểm đáng chú ý của cuộc họp kỳ này là Fed đã hạ thấp triển vọng tăng lãi suất trong thời gian tới so với kỳ họp trước đây, với những quan ngại về triển vọng kinh tế Mỹ, năng suất lao động, tác động của đồng USD tăng giá đến nền kinh tế Mỹ, dân số ngày một già hơn, triển vọng kinh tế của các nước, nhu cầu đầu tư vào các tài sản ở Mỹ từ các nhà đầu tư nước ngoài và bầu cử ở Anh quyết định Anh sẽ ở lại Liên minh châu Âu (EU) hay không vào cuối tháng này... theo đó, nhiều khả năng Fed chỉ tăng lãi suất 1 lần trong năm 2016.
Cũng theo ông Khoa, với triển vọng kinh tế thế giới kém khả quan hơn, cùng với sự phục hồi của thị trường hàng hóa thế giới chưa thật sự vững chắc và việc các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới như EU, Nhật và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thả lỏng và đồng nội tệ yếu để thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế sẽ làm quyết định tăng lãi suất của Fed khó khăn hơn. Nhìn chung, quyết định không nâng lãi suất và thay đổi triển vọng về việc tăng lãi suất trong thời gian tới của Fed đã phản ánh kỳ vọng của thị trường. HSBC dự đoán, Fed sẽ tăng lãi suất 1 lần trong năm 2016 và 2 lần trong năm 2017.
“Đối với Việt Nam, sau quyết định của Fed, tâm lý thị trường được giải tỏa, tỷ giá USD/VND đã giảm dần và ổn định quanh mức 22.300-22.320 VND/USD. Việc tỷ giá ổn định trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện để lãi suất VND ổn định và có thể hạ thấp hơn đôi chút, góp phần hỗ trợ các DN và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Khoa nói.
Một thông tin đáng chú ý đó là, NHNN vừa có văn bản số 4393/NHNN-CSTT về việc báo cáo tình hình lãi suất cho vay bằng VND yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp theo kế hoạch, để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay bằng VND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 27/5/2016. Định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải báo cáo tình hình triển khai các giải pháp theo kế hoạch nêu trên; báo cáo tình hình lãi suất huy động và lãi suất cho vay bằng VND, bắt đầu từ kỳ báo cáo tháng 6/2016.