Mất cơ hội vì công nghiệp phụ trợ yếu
Là nhà đầu tư số một của Việt Nam hiện nay với hơn 1.000 doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản than phiền đang gặp khó khăn trong việc mở rộng, phát triển sản xuất do ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu.
Đỏ mắt tìm nhà cung cấp
Vào Việt Nam từ năm 2005, Kubota Việt Nam (Đồng Nai) - công ty chuyên sản xuất máy gặt đập liên hợp, máy cấy, máy kéo - gặp khó khăn trong việc tìm nhà cung ứng phục vụ sản xuất tại Việt Nam. Đến nay, phần lớn linh kiện phải nhập khẩu, việc sản xuất tại Việt Nam chỉ mang tính lắp ráp linh kiện đơn thuần, vì vậy tỉ lệ nội địa hóa rất thấp. Nếu so với ngành công nghiệp ôtô, cái khó của Kubota gấp nhiều lần vì đặc thù ngành này không phổ biến và có nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam. Cũng không ít lần phòng thu mua Kubota tìm kiếm nhà cung ứng Việt Nam nhưng đều thất bại.
Ông Yasuzumi Hirotaka
Các nhà đầu tư Nhật Bản khi chọn Việt Nam xây dựng cơ sở sản xuất tin vào khả năng sử dụng nguyên liệu, phụ tùng tại chỗ, tuy nhiên đến nay doanh nghiệp Nhật Bản chỉ có thể kỳ vọng vào nhân công giá rẻ hay chi phí thuê hạ tầng thấp. Đại diện Công ty YKK Việt Nam cho biết với ngành sản xuất dây khóa kéo, không có nhiều lựa chọn nhà cung cấp nên 90% nguyên phụ liệu đều phải nhập khẩu. “Các loại khuôn kim loại, khuôn đúc gang chính xác cho các công đoạn sản xuất thì trình độ sản xuất của Việt Nam còn hạn chế”, đại diện YKK cho biết.
Giám đốc một khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thừa nhận thiếu nguồn nguyên liệu là câu chuyện hàng đầu mà các doanh nghiệp Nhật Bản không ngừng than phiền khi đầu tư tại các khu công nghiệp. Ở lĩnh vực điện - điện tử, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 90% về doanh thu và kim ngạch xuất khẩu nhưng phần lớn công nghệ phụ trợ đều do nhà máy vệ tinh của những doanh nghiệp này tự cung ứng.
Không giải quyết, sẽ chịu thiệt thòi
Theo ông Yasuzumi Hirotaka - giám đốc điều hành Trung tâm Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. Hồ Chí Minh, toàn bộ doanh nghiệp Nhật khi đầu tư vào Việt Nam đều hiểu họ sẽ gặp tình trạng thiếu hụt sự hỗ trợ từ ngành công nghiệp phụ trợ. Khó khăn của doanh nghiệp Nhật không nằm ở việc không thể sản xuất tại Việt Nam mà việc phải nhập khẩu nhiều linh kiện, nguyên liệu khiến chi phí sản xuất cao. “Nếu những linh kiện đó được sản xuất tại Việt Nam thì chi phí sản xuất sẽ giảm hơn nhiều. Các doanh nghiệp phản ảnh chi phí sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cao gấp đôi so với các nước khác”, ông Yasuzumi Hirotaka nói. Điều này cũng làm tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam rất thấp.
Theo khảo sát của Jetro năm 2012, tỉ lệ cung cấp nội địa hóa cho các công ty Nhật tại Việt Nam rất thấp, chưa đến 28% so với 61% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan. Ví dụ ở Thái Lan, một nhà máy sản xuất xe hơi luôn có các nhà máy khu vực xung quanh có thể sản xuất được những linh kiện phụ trợ, điều này giúp giá thành sản phẩm rẻ hơn. Nhưng ở Việt Nam doanh nghiệp sản xuất xe hơi phải nhập khẩu linh kiện từ các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia... và nhà máy ở Việt Nam chỉ làm công đoạn lắp ráp.
Trải qua hơn 10 năm, thông qua nhiều hoạt động trao đổi thương mại, công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn chưa mấy sáng sủa. Theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, công nghiệp phụ trợ Việt Nam thời gian gần đây có nhiều chuyển biến nhưng để đáp ứng được nhu cầu thì còn xa, chưa kể chênh lệch trình độ giữa các nhà cung cấp khá lớn. “Chúng ta phải nhập siêu với Trung Quốc hay các nước chủ yếu do Việt Nam phải nhập khẩu quá nhiều nguyên phụ liệu, Việt Nam vẫn thiếu những nhà cung cấp chất lượng” - ông Lộc nói. Theo đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, quá trình thiếu hụt sự hỗ trợ từ ngành công nghiệp phụ trợ còn diễn ra trong dài hạn và không thể giải quyết một sớm một chiều nếu không có chính sách khuyến khích phát triển kịp thời, nhất quán.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, nhiều chương trình hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ đã được triển khai thời gian gần đây. Vừa qua, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã làm việc với Công ty TNHH Takako Việt Nam về việc công ty này muốn xây dựng một khu công nghiệp phụ trợ dập đúc. Takako là một trong những công ty sản xuất thiết bị công nghiệp, điện tử lớn của Nhật. Trong khi đó, một khu công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp Nhật Bản cũng vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại tỉnh Bắc Giang...
Tại TP. Hồ Chí Minh, ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp cho biết trong chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong quý 3 này, đơn vị sẽ tập trung nghiên cứu và hoàn thiện đề án hình thành khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, tìm kiếm đối tác Nhật Bản đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp có tiềm năng.
Doanh nghiệp FDI: muốn xuất thì phải nhập chiếm hơn 55%
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết năm tháng đầu năm, không kể dầu thô, các doanh nghiệp FDI đã xuất khẩu 29,7 tỉ USD, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 59,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu của khối doanh nghiệp này là 28,7 tỉ USD, tăng 25,4% và chiếm 55,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Điều này phần nào nói lên được hàng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu.