Máy ATM sẵn sàng… đợi khách

Theo Thời báo Ngân hàng

Đến hẹn lại lên, vào những ngày cận Tết, người dân lại lo ATM bị nghẽn, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay tại các khu công nghiệp. Liệu năm nay tình trạng này có tiếp diễn? Các ngân hàng đã vào cuộc như thế nào để tháo “điểm nghẽn” này cho người tiêu dùng.

Máy ATM sẵn sàng… đợi khách
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo MaritimeBank cho biết, dịp Tết này, Maritime Bank đã có kế hoạch bố trí trực giám sát và luôn sẵn sàng tiếp quỹ cho ATM khi có nhu cầu hay mỗi khi lượng tiền tại ATM đó chạm ngưỡng hạn mức tối thiểu cho phép.

Đối với các ATM phục vụ công tác trả lương, ngân hàng phối hợp với các doanh nghiệp (DN) xác định quỹ lương thưởng và ngày chi trả để làm căn cứ chuẩn bị lượng tiền cũng như tần suất tiếp quỹ phù hợp, đáp ứng nhu cầu rút tiền tăng đột biến trong thời gian này.

Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho biết, năm nào vào mùa cao điểm Tết, ngân hàng đều thành lập ban thường trực hỗ trợ tiếp quỹ, xử lý các vướng mắc đối với hoạt động ATM. Trong trường hợp xảy ra sự cố như nuốt thẻ, máy không nhả tiền… khách hàng có thể gọi đến dịch vụ Call Center của ngân hàng hoạt động 24/7.

Bà Nguyễn Thanh Hằng khuyến cáo, các DN nên sắp xếp chi trả lương thưởng cho công nhân vào nhiều ngày khác nhau thay vì chỉ dồn vào một số ngày cận Tết.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần có thị phần thẻ lớn cho hay, trường hợp phải rút tiền trong các ngày cao điểm, khách hàng nên tránh rút tiền vào cuối ngày hoặc đầu giờ làm việc bởi khi đó lượng giao dịch thường tăng mạnh. Ngoài ra, khi rút tiền xong, cần nhận lại thẻ ngay, tránh trường hợp có thể bị nuốt thẻ.

Trong dịp Tết áp lực nhất là đối với các ngân hàng có thị phần thẻ lớn như Vietcombank, Agribank… Giám đốc Trung tâm thẻ Vietcombank Nguyễn Thanh Hằng cho biết, cứ vào dịp Tết, DN tại khu công nghiệp, khu chế xuất thường chờ tới ngày cuối mới chi lương, thưởng. Điều này gây nhiều khó khăn cho công nhân trong việc rút tiền mặt từ máy ATM. Nhưng năm nay, ngân hàng đã lường trước và “lên chương trình” sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Theo đó, Vietcombank Trung ương đã có công văn chỉ đạo chi nhánh tăng lượng tiền tiếp quỹ trong những ngày này nhất là những ngày cận Tết. Thông thường, mỗi ngày các máy ATM chỉ “nhận tiền” 1 lần nhưng đến dịp Tết tần suất tăng gấp 3 – 5 lần mới đảm bảo đủ tiền chi trả cho khách hàng. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi giao dịch ngắt quãng do máy hết tiền. Bởi để hoàn tất việc tiếp quỹ thêm cho mỗi máy cũng mất khoảng một giờ đồng hồ.

Bà Hằng cho biết, để giảm áp lực, ngân hàng chủ động đàm phán với DN trả thưởng dịp Tết thưởng làm nhiều lần có thể theo ca kíp của công nhân để tránh hiện tượng ùn tắc tại các ATM. Hoặc có thể thương lượng với DN về việc trả lương, thưởng cho công nhân bằng tiền mặt và ngân hàng sẽ cử cán bộ đến hỗ trợ DN chi trả một cách nhanh nhất. Qua đó, vừa đảm bảo công nhân có thể nhận tiền thưởng kịp thời vừa tránh hiện tượng tắc nghẽn ATM.

“Dù có trang bị tới 20 máy ATM tại một khu chế xuất nhưng nếu với số lượng 1.000 công nhân rút cùng một thời điểm thì ngân hàng có cố gắng thêm nữa thì tắc vẫn hoàn tắc”, bà Hằng chia sẻ. Tuy áp dụng nhiều phương án nhưng lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận nếu khách hàng cứ đổ dồn vào rút tiền mấy ngày cận Tết thì không thể “đỡ” nổi tình trạng nghẽn, hết tiền, xếp hàng…

Để đảm bảo phục vụ tốt nhất, bà Hằng cho biết, ngân hàng tăng cường bộ phận tra soát khiếu nại, riêng bộ phận trực đường dây hotline 24/24 giờ cũng được tăng cường nhân lực. Qua đó, đối với những sự cố giao dịch nội mạng như tài khoản thẻ trừ tiền nhưng khách chưa nhận được tiền, nuốt thẻ… sẽ được xử lý kịp thời trả tiền lại cho khách hàng. Nhưng với trường hợp giao dịch ngoại mạng, việc xử lý sẽ chậm trễ hơn do còn phải chờ ngân hàng mà khách hàng giao dịch.

Ví như, nếu chủ thẻ Vietcombank rút tiền tại ATM của ngân hàng khác gặp sự cố thì Vietcombank phải chờ phản hồi từ ngân hàng này sau khi họ kiểm tra soát xét rồi mới trả lại tiền cho khách hàng được. Song, Vietcombank và các ngân hàng khác cũng đã thống nhất sẽ rút ngắn thời gian trả lời các khiếu nại khách hàng một cách tối đa.

Còn tại Maritime Bank để hạn chế hiện tượng tắc nghẽn, Maritime Bank đã căn cứ số lượng khách hàng nhận lương qua thẻ để xác định số lượng ATM cần thiết lắp đặt tại các điểm này. Đồng thời, các ATM của Maritime Bank cũng đã được cài đặt thuật toán chi trả đảm bảo ATM có thể trả các mệnh giá thích hợp tùy thuộc vào lượng tiền khách hàng yêu cầu rút mỗi lần.

Để đảm bảo an toàn hoạt động tại các cột ATM, Maritime Bank bố trí giám sát an ninh tập trung từ Hội sở và bảo vệ tại chỗ. Bên cạnh đó, các ATM của Maritime Bank cũng được trang bị hệ thống báo động, cảnh báo kịp thời nếu có xảy ra hiện tượng phá hoại.

Các ngân hàng cũng khuyến khích công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất đến giao dịch tại các chi nhánh ngân hàng gần nơi làm việc để lĩnh tiền thưởng Tết. Mặc dù vậy, các ngân hàng cũng khuyến cáo, dù có tăng tần suất tiếp quỹ, thậm chí tăng cường ATM cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Về lâu dài cần phải đẩy nhanh hơn giải pháp thanh toán hiện đại như giao dịch qua ngân hàng điện tử, POS… mới hạn chế tối đa tiền mặt trong lưu thông. Qua đó, giảm áp lực lớn cho các máy ATM và không còn điệp khúc cứ mỗi dịp Tết đến… ATM lại nghẽn.