Mấy vấn đề cần lưu ý trong dự thảo Hiến pháp
(Tài chính) Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới nhất, một số vấn đề như quy định nguyên tắc về thu hồi đất, vai trò kinh tế nhà nước, về tổ chức chính quyền địa phương... đã được xem xét, chỉnh lý lại để đưa ra biểu quyết.

Về vấn đề thu hồi đất đai
Ông Phan Trung Lý cho biết: "Để tránh lạm dụng và hạn chế việc thu hồi đất tùy tiện, Hiến pháp chỉ quy định nguyên tắc về thu hồi đất và các trường hợp được thu hồi đất; còn thẩm quyền xem xét, phê duyệt, quyết định cụ thể và xác định như thế nào là trường hợp thật cần thiết để thu hồi đất sẽ do luật Đất đai quy định" do đó, quy định về thu hồi đất được giữ nguyên: "Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật".
Do nhiều ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn các trường hợp trưng dụng đất, dự thảo được chính lý: "Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai".
Về vai trò chủ đạo của Kinh tế nhà nước
Đây là một vấn đề được bàn bạc nhiều trong các phiên thảo luận tại các tổ. Vấn đề này được quy định trong dự thảo như sau: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể hoạt động kinh tế thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.
Về tổ chức chính quyền địa phương
Việc tổ chức chính quyền địa phương trong dự thảo chỉ quy định chung: Cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.
Theo ông Phan Trung Lý, quy định như vậy một mặt cơ bản giữ ổn định mô hình tổ chức của chính quyền địa phương hiện hành. Mặt khác, tạo điều kiện cho việc tiếp tục đổi mới, tạo cơ sở hiến định cho việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương sau khi có kết quả tổng kết, đánh giá việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và bước đầu thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở một số địa phương.
Quyền tự bào chữa của công dân
Có ý kiến đề nghị bỏ từ “kịp thời” và thay đoạn “xét xử kịp thời, công bằng, công khai” bằng đoạn “xét xử khách quan, công khai, công bằng, đúng pháp luật" đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, đánh giá nguyên tắc “xét xử kịp thời” là có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng, dự thảo đã giữ nguyên quy định "Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai. Trường hợp xét xử kín theo quy định của luật thì việc tuyên án phải được công khai".
Về quyền bào chữa thì được tiếp thu và chỉnh lý thành: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Dự thảo cũng quy định: "Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật".
Sáng 28/11, dự thảo này sẽ được biểu quyết.