Miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng da trăn nuôi
Thủ tướng Chính phủ vừa mới có văn bản đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính, theo đó miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng da trăn nuôi. Theo mức sàn của Biểu khung thuế xuất khẩu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thì mặt hàng này có mức thuế xuất khẩu là 5%.
Trước đó, ngày 26/4/2013, Bộ Tài chính đã có công văn số 5191/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị miễn thuế xuất khẩu của 9 trại nuôi và doanh nghiệp gây nuôi sinh sản trăn, xuất khẩu da trăn tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
Theo các chủ trại này, nhiều năm qua, việc gây nuôi sinh sản thành công các loại trăn gồm trăn đen, trăn vàng đã mang lại lợi ích lớn cho các hộ dân và cơ sở nuôi trăn ở Nam Bộ, tạo công ăn việc làm và tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ tự nhiên. Da trăn chủ yếu được xuất khẩu thu ngoại tệ và đảm bảo các quy định của quốc gia và quốc tế. Việc thu thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng da trăn đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình gây nuôi và xuất khẩu da trăn, trong khi đó những người nuôi trăn gặp không ít khó khăn vì không được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Bộ Tài chính cũng cho biết những thông tin về nghề nuôi trăn lấy da xuất khẩu của Việt Nam, nói chung quy mô không lớn, chỉ dừng lại ở mức hộ gia đình có trang trại với cơ sở chế biến tại gia hoặc liên kết nhiều trang trại, hộ gia đình, chứ chưa có nhà máy chế biến. Từ 2011 đến nay, ngành này cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới, nhu cầu và giá xuất khẩu da trăn thô ngày càng giảm, bình quân giá xuất khẩu da trăn thô từ Việt Nam năm 2009 là 27,7 USD/tấm, giảm xuống còn 19,8 USD/tấm vào năm 2011; trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi năm 2011 tăng gấp đôi so với năm 2010, năm 2012 tăng khoảng 17% so với 2011. Nguồn thức ăn cho trăn chủ yếu như chuột đồng, ếch nhái ngoài tự nhiên cũng ngày càng khan hiếm. Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh mạnh về giá cả với các nước như Indonesia và Malaysia do họ chủ yếu bắt từ tự nhiên, không phải chịu chi phí gây nuôi.
Kim ngạch xuất khẩu da trăn năm 2012 chỉ còn khoảng 55,17% so với năm 2011. Hiện lượng da trăn còn tồn kho trong các hộ nông dân ước tính 14.000 đến 15.000 tấm, sản lượng nuôi trồng năm 2012 còn khoảng 60% so với 2011. Các sản phẩm da trăn xuất khẩu hiện nay của Việt Nam được xác định có tính pháp lý phù hợp với Công ước Cites đối với việc nuôi trăn lấy da ở Việt Nam.
Xuất phát từ thực trạng đó, Bộ Tài chính nhận định, các hộ nuôi trăn đang rất khó khăn về vốn, thị trường xuất khẩu, quy mô nuôi bị thu hẹp. Bên cạnh đó, dự án nuôi và chế biến da trăn không thuộc dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Mức thuế xuất khẩu 5% đối với nhóm mặt hàng da sống của các loài động vật, trong đó có da trăn, hiện nay là mức sàn của Biểu khung thuế xuất khẩu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định tại Nghị quyết số 295/2007/NQ-UBTVQH12 ngày 28/9/2007 nên không thể điều chỉnh giảm xuống còn 0% như kiến nghi của các chủ trại.
Vì vậy, theo Bộ Tài chính, để tháo gỡ khó khăn cho người nuôi trăn, căn cứ theo thẩm quyền quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 thì việc có thể áp dụng trường hợp miễn thuế nhập khẩu “đối với các trường hợp cụ thể khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Trước khi trình Chính phủ, Bộ Tài chính cũng có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Ý kiến tham gia của các Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương và Ngân hàng Nhà nước cơ bản đều thống nhất với ý kiến của Bộ Tài chính.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý với phương án miễn thuế xuất khẩu đối với mặt hàng da trăn nuôi, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện cụ thể.