Mở cửa nhưng thận trọng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Theo nhận định của các chuyên gia, tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại thời gian qua đã có những thành công. Việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua nợ xấu cũng như nới rộng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các ngân hàng thương mại của các nhà đầu tư ngoại là cần thiết trong bối cảnh chúng ta cần nguồn lực và kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc nới “room” cần phải thực hiện thận trọng, theo lộ trình để tránh những cú sốc ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia.

Mở cửa nhưng thận trọng
Việc nới “room” cần phải thực hiện thận trọng, theo lộ trình để tránh những cú sốc ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia. Nguồn: internet

Nới “room” có chọn lọc

Trong quá trình xử lý nợ xấu nhằm tái cơ cấu các ngân hàng thương mại cổ phần, Chính phủ dự định sẽ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng nội địa lên 49% trong thời gian tới. Đây là một trong những thông tin được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm.

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả Vũ Đình Ánh cho rằng, việc xem xét nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết. Bởi trong điều kiện các nguồn lực tài chính trong nước còn nhỏ thì những nguồn lực về tài chính, nguồn lực về khả năng quản trị kinh doanh, thương mại của các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần được huy động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống tài chính của Việt Nam thời gian tới cũng như các cam kết về hội nhập.

Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh lưu ý, hệ thống tài chính cực kỳ quan trọng và nhạy cảm đối với nền kinh tế. Vì vậy, việc tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài cả về mức độ và tính chất đối với thị trường tài chính cần phải được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng. Đối với một số trường hợp ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ nhưng lại yếu kém thì có thể xem xét tăng mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49% và thậm chí là 100%.

Tuy vậy, không nên đưa một giới hạn chung, “room” chung cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các ngân hàng thương mại cổ phần một cách quá cao. Bởi, dù mở cửa nhưng hệ thống tài chính trong nước vẫn phải giữ được “chủ quyền” cũng như khả năng can thiệp thực thi các chính sách tiền tệ thông qua các ngân hàng thương mại cổ phần. Điều này sẽ không đơn giản nếu như các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng quá lớn, thậm chí chi phối một số ngân hàng thương mại lớn, thông qua đó chi phối cả nền tài chính đất nước.

Nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, Chính phủ nên sớm cho phép tăng “room” đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong tài chính- ngân hàng. Việc nới “room” cần có chọn lọc, bảo đảm khả năng can thiệp các chính sách tiền tệ đối với thị trường tài chính trong các điều kiện nhất định, tránh những cú sốc và những rủi ro có thể có cho hệ thống tài chính quốc gia.

Đối với các ngân hàng nhỏ, yếu kém, có thể nới “room” cho nhà đầu tư ngoại lên đến 70% hay 100% để các nhà đầu tư nước ngoài thay đổi cung cách quản trị, điều hành và hoạt động có hiệu quả hơn. Việc tham gia cố vấn, quản lý hay điều hành một số định chế tài chính này của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần thúc đẩy việc hoàn thiện các nguyên tắc thị trường trong hệ thống tài chính của đất nước.

Nhà đầu tư ngoại đang chờ mua nợ xấu

Việc thành lập Công ty Quản lý và khai thác tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) trực thuộc Ngân hàng nhà nướcđược cho là một trong các giải pháp quan trọng để giải quyết nợ xấu trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần. Theo kế hoạch, trong năm nay, VAMC có thể mua từ 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Mục tiêu của VAMC là "làm sạch" bảng cân đối của các ngân hàng thương mại càng nhanh càng tốt. Để có nguồn lực mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại, VAMC sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt.

Dư luận băn khoăn là việc phát hành trái phiếu đặc biệt của VAMC có ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô cũng như lạm phát hay không? Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt có thể ảnh hưởng nhất định đến chính sách tiền tệ nên VAMC cần phải cân nhắc phối hợp với Ngân hàng nhà nướcđể xem xét đưa ra một tốc độ bán nợ xấu vừa thỏa mãn nhu cầu rất lớn của khách hàng mua, đặc biệt là khách hàng quốc tế, lại vừa không gây ra hiệu ứng lạm phát. Nếu như cho bán nợ xấu một cách tự do, thì từ nay đến cuối năm con số nợ xấu được bán có thể gấp đôi, gấp ba con số từ 30-35 nghìn tỷ đồng mà Ngân hàng nhà nướccho phép.

TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định, rất nhiều nhà đầu tư lớn của quốc tế đã có mặt tại Việt Nam chờ đợi để mua nợ xấu như Blackstone Group và các quỹ đầu tư chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài thì tỏ ra nhanh nhạy và sẵn sàng mua nợ xấu trong khi VAMC chỉ mới thành lập và trung bình mỗi tuần mua được khoảng 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Điều mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm chính là mong muốn mua được những khoản đầu tư lớn, đồng thời thủ tục mua và thủ tục bán tài sản phải thật nhanh. Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài còn muốn trực tiếp tham gia vào VAMC nhằm hỗ trợ VAMC trong quản lý với vai trò cố vấn hoặc CEO để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài trong việc mua lại nợ xấu.

Tuy nhiên, hiện VAMC mới đang tiến hành mua và phân loại nợ xấu. Còn các quy định liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm như thế nào, bán nợ như thế nào, cơ chế và tỷ lệ bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài ra sao vẫn chưa có. TS. Vũ Đình Ánh nhận định, việc thành lập VAMC để mua các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại như một biện pháp tạm thời, chứ chưa thể giải quyết dứt điểm nợ xấu.

Ngoài ra, đây cũng là cách để chuyển nợ xấu sang một điều kiện thuận lợi hơn và dễ dàng xử lý hơn. Cụ thể, quy định của Luật Dân sự hiện hành không cho phép các ngân hàng thương mại được bán tài sản bảo đảm khi chưa có đồng ý của chủ tài sản. Tuy nhiên, VAMC thì có quyền năng để có thể thực hiện bán tài sản bảo đảm mà không cần sự đồng ý của chủ tài sản.

Ngoài ra, theo ông Lê Xuân Nghĩa, các nhà đầu tư ngoại cũng đang bày tỏ băn khoăn về quyền đối với tài sản khi mua. Hơn nữa, mong muốn thủ tục liên quan đến mua và bán tài sản nhanh gọn của nhà đầu tư ngoại cũng sẽ gặp trở ngại bởi quy định thủ tục sang tên tài sản hiện nay nằm ở các cấp chính quyền địa phương chứ không phải của VAMC, trong khi hoạt động này hiện rất rườm rà và chậm chạp.

Theo các chuyên gia, việc mở cửa để cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại của Việt Nam là cần thiết. Cùng với đó, mỗi ngân hàng cũng cần phải tự tái cơ cấu về quản trị, về khả năng kiểm soát rủi ro… và xử lý các khoản nợ xấu trong phạm vi của mình.

Đồng thời, Chính phủ cần có những cam kết và hành động thiết thực để giải quyết các khoản nợ xây dựng cơ bản. Trên cơ sở phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực quan trọng từ bên ngoài, cùng với hành động quyết liệt, linh hoạt, tin tưởng rằng nền tài chính, ngân hàng của Việt Nam sẽ lành mạnh và bền vững hơn.