Mô hình giám sát mới đảm bảo sự phát triển bền vững của tài chính doanh nghiệp
(Tài chính) Hiện nay, vấn đề quản lý giám sát tài chính nói chung và doanh (DN) có vốn Nhà nước nói riêng không những được Chính phủ Việt Nam cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà người dân cũng rất quan tâm, đặc biệt là vấn đề giám sát đối với khu vực có vốn Nhà nước. Đây là một trong những khu vực vẫn nắm nguồn lực lớn của quốc gia từ nay đến 2020. Do đó, một sự đổ vỡ của các DN có vốn Nhà nước sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của nền kinh tế cũng như toàn xã hội.
Những bất cập của mô hình giám sát hiện hành…
Về mô hình quản lý giám sát, ngay từ năm 2001, khi chúng ta triển khai vấn đề đổi mới, sắp xếp và cải cách DN, Chính phủ Việt Nam đã có sự quan tâm và tập trung rất mạnh vào vấn đề giám sát và quản lý phi tài chính đối với DN có vốn Nhà nước.
Cũng trong giai đoạn đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và Bộ Tài chính cũng đã có một số văn bản hướng dẫn quản lý và giám sát tài chính đối với vốn nhà nước tại các DNNN, như: Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003, khi ra đời Luật DNNN 2003, Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 6/10/2006, khi chúng ta sửa đổi để phù hợp với việc hội nhập. Tiếp đó là Quyết định số 169/2007/QĐ-TTg ngày 8/11/2007 (thay thế Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg) để giám sát những DN có rủi ro về tài chính.
Trong vấn đề về ban hành văn bản, chúng ta cũng đưa ra một nguyên tắc cơ bản để DN tự chủ, tự giám sát, cơ quan quản lý và giám sát của Nhà nước là Bộ Tài chính sẽ là cơ quan tổng hợp về báo cáo giám sát đó, định kỳ báo cáo cho Chính phủ và Quốc hội.
Kết quả đạt được đã tạo dựng được cơ chế cho DN chủ động giám sát. Những DN nào quan tâm đến việc giám sát rủi ro, an toàn về tài chính, đã tiếp cận với những cơ quan tư vấn, các hiệp hội, đặc biệt các cơ quan kế toán, kiểm toán, kết hợp với việc hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin ở trong DN… thì đảm bảo được vấn đề giám sát tốt và hiệu quả.
Ngược lại, do sự tự chủ của cơ chế này nên nếu những DN nào không quan tâm, không chú trọng các vấn đề trên thì sẽ dẫn đến việc kiểm soát phòng ngừa rủi ro không thực hiện được. Trách nhiệm kiểm soát của cơ quan nhà nước tiến hành chủ yếu là giám sát tuân thủ, vậy, nó hoàn toàn không có tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa, cảnh báo.
Qua đánh giá, chúng tôi rút ra được một số vấn đề bất cập của mô hình này như sau:
Thứ nhất, về nội dung giám sát, trong các quy chế đã quy định tương đối cụ thể về vấn đề đánh giá hiệu quả, do đó, các DN, các chủ sở hữu là các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung đánh giá các chỉ tiêu hiệu quả để phân loại, sau đó tiến hành các cơ chế khen thưởng, phân chia các nguồn thu nhập sau thuế. Dần dần, những tiêu chí đánh giá hiệu quả đã trở thành tiêu chí để quay lại giám sát. Như vậy là chúng ta đã làm ngược, xem kết quả rồi mới giám sát. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi bộ tiêu chí giám sát này phân theo ngành nghề và đồng thời lại có cả những tiêu chí hiệu quả của hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, bộ tiêu chí giám sát chỉ tập trung vào việc đánh giá hiệu quả, còn các tiêu chí giám sát để phòng ngừa rủi ro lại giao cho DN tự xây dựng, căn cứ vào những quy định của các chuẩn mực kế toán, của DN dẫn đến tình trạng mỗi DN có một bộ tiêu chí khác nhau. Nếu lãnh đạo DN không quan tâm hoặc vì một lý do tư lợi nào đó sẽ rất dễ dẫn đến việc biến bộ tiêu chí phục vụ cho lợi ích bản thân trong DN. Trên thực tế cũng đã xảy ra tình trạng một số DNNN có vi phạm trong vấn đề sản xuất kinh doanh, đầu tư và quản lý vốn, tài sản nhà nước nhưng chưa kịp thời phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu.
Về quy định trách nhiệm, trong cơ chế hiện hành, chúng ta cũng chưa quy định rõ đâu là trách nhiệm của DN, đâu là trách nhiệm chủ sử hữu, đâu là của cơ quan quản lý, dẫn đến tình trạng chủ sở hữu không nắm được và cơ quan quản lý nhà nước xuống giám sát thì cũng không có công cụ để tiến hành.
Chế tài xử lý đối với các vi phạm trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả DN cũng chưa đầy đủ, rõ ràng và chưa đảm bảo được tính răn đe.
Về tính kịp thời của việc giám sát: việc giám sát theo Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg thực hiện mỗi năm một lần, sau khi DN đã hoàn tất việc kiểm toán độc lập báo cáo tài chính. Vì thế, tính kịp thời trong giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DN còn hạn chế, tính cảnh báo phòng ngừa chưa được phát huy, kết quả giám sát đánh giá chủ yếu để khắc phục hậu quả.
…và sự an toàn trong mô hình giám sát mới
Từ năm 2010, khi Luật DNNN đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chúng ta bước sang thời kỳ các DN có vốn nhà nước, các DN 100% vốn nhà nước được hoạt động bình đẳng với các loại DN khác thì Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu một mô hình giám sát theo hướng giám sát và cảnh báo, phòng ngừa; còn hệ thống giám sát tuân thủ đã có các cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước thực hiện.
Ngày 25/6/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn Nhà nước.
Mục tiêu của Nghị định số 61/2013/NĐ-CP:
Một là, giám sát tài chính nghĩa là đánh giá đúng được thực trạng tài chính của DN, những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến rủi ro tài chính. Tập trung vào vấn đề giám sát trước và trong, thay vì chỉ giám sát sau và giám sát tuân thủ. Trong quá trình giám sát, các cơ quan chủ thể giám sát sẽ được tiếp cận báo cáo của các cơ quan thanh tra và kiểm toán của Nhà nước đối với khu vực có vốn Nhà nước.
Hai là, phân định rõ mối quan hệ giữa các chủ thể thực hiện giám sát tài chính:- Đối với DN: tập trung vào hệ thống quản lý, Hội đồng quản trị và các ban điều hành, trong đó DN phải tự xây dựng được hệ thống kiểm soát hay kiểm toán nội bộ và xây dựng được mẫu biểu hệ thống thu thập thông tin từ công ty con đến công ty mẹ hoặc công ty bộ phận đến công ty độc lập.
- Đối với chủ sở hữu DN: phải thường xuyên giám sát trước và trong đối với DN có vốn Nhà nước. Trong trường hợp DN gặp những rủi ro thì phải tiến hành vấn đề giám sát đặc biệt. Trong quy chế đặc biệt, Nghị định cũng đã đưa ra những dấu hiệu, quy trình và xử lý sau khi giám sát đặc biệt.
- Đối với cơ quan quản lý tài chính DN: phải có trách nhiệm giám sát kiểm tra việc tổ chức thực hiện giám sát của chủ sở hữu DN, giám sát việc chấp hành pháp luật và tổng hợp báo cáo để công khai trước Quốc hội và nhân dân.
Ba là, hệ thống các tiêu chí giám sát tài chính đảm bảo đầy đủ nội dung cần thiết, có tính đến tính chất ngành nghề, đảm bảo yêu cầu của từng chế độ báo cáo.
Bốn là, hệ thống chế tài được thiết kế cụ thể, đủ mạnh và rõ ràng đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời phải gắn với quyền và trách nhiệm của từng chủ thể giám sát. Chế tài xử lý phân cấp trên cả ba khâu, từ DN, chủ sở hữu gồm các bộ, ngành và các Ủy ban nhân dân và các cơ quan quản lý nhà nước.
Năm là, thực hiện công khai minh bạch thông tin về tình hình tài chính của DN theo từng đối tượng tiếp nhận thông tin (chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước, người lao động, nhà đầu tư) để các đối tượng tiếp nhận thông tin nắm bắt được thực trạng tài chính DN.
Quy chế giám sát tài chính kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP đã khắc phục các khiếm khuyết của cơ chế hiện hành. Cụ thể là:
- Ban hành các tiêu chí giám sát tài chính cụ thể tại DN;
- Nội dung các tiêu chí giám sát theo hướng đánh giá đúng, đủ và sát tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN và một bước tách bạch các yếu tố xã hội;
- Làm rõ các chỉ tiêu báo cáo giúp DN thực hiện đúng quy định về báo cáo, công khai tình hình tài chính, minh bạch chính xác hơn kết quả hoạt động của DN;
- Quy định cụ thể về trách nhiệm về quản lý và giám sát tài chính DN của chủ sở hữu, của DN và của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính;
- Đưa ra các chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân nếu như không thực hiện nghiêm túc các nội dung giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động DN mà Quy chế đã nêu.
Tóm lại, với một Quy chế mới ban hành, cần phải trải qua thời gian mới có thể đánh giá được hiệu quả. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị từ năm 2011 đến nay, hi vọng những quy định của Nghị định số 61/2013/NĐ-CP sẽ đáp ứng được yêu cầu và nhu cầu của hiện tại và trong tương lai sắp tới.
Tất nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn cần tiếp tục phải nghiên cứu hoàn thiện, nhưng trước mắt Nghị định này sẽ giúp cho chúng ta tin tưởng hơn vào hệ thống số liệu mà các DNNN công bố và có bộ phận kiểm chứng để lấy lại niềm tin đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong xã hội.