Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội:
Mô hình Sở Giao dịch chứng khoán hiện đại
Những ngày đầu Xuân Ất Mùi, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến đánh cồng, khai trương phiên giao dịch đầu Xuân. Đây cũng là năm kỷ niệm tròn một thập kỷ HNX ra đời và hoạt động. Chặng đường mười năm qua đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc của HNX, góp phần quan trọng tạo nền móng cho thị trường chứng khoán hoàn thiện và sôi động, đồng thời khẳng định vị thế của một Sở Giao dịch chứng khoán hiện đại, sánh ngang với các quốc gia trong khu vực.
Bước phát triển mạnh mẽ
Được thành lập khá sớm theo Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg, ngày 11/07/1998 của Thủ tướng Chính phủ, ít ai ngờ phải gần 7 năm sau, ngày 8/3/2005, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (viết tắt là HaSTC – tiền thân của HNX) mới có phiên giao dịch đầu tiên. Ngay tại thời điểm đó, nhiều người vẫn nghi ngờ sự thành công của Sàn niêm yết chứng khoán thứ 2 của Việt Nam này bởi lĩnh vực chứng khoán chưa thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư cũng như cộng đồng các doanh nghiệp. Băn khoăn này không phải là vô lý khi cả sàn niêm yết thời điểm đó chỉ mới có 6 mã cổ phiếu, hầu hết các phiên giao dịch thủa sơ khai đều diễn ra khá buồn tẻ với giá trị giao dịch thấp.
10 năm trôi qua, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không thể tin được những gì HaSTC hôm qua và HNX hôm nay đang có. Như chàng trai với sức vươn Phù Đổng, gần như ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, HNX đều có sự bứt phá mạnh mẽ. Cho đến bây giờ, ấn tượng lớn nhất với đông đảo công chúng đầu tư trong và ngoài nước vẫn là hình ảnh những phiên đấu giá cổ phần sôi động chưa từng thấy được HNX tổ chức rất thành công, đặc biệt như Nhiệt điện Phả Lại, Vinaconex, Tài chính Dầu khí...
Chính thành công này đã mở ra bước tiến trong việc cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN), xóa bỏ cơ chế CPH khép kín, giảm thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời góp phần cải tiến cơ chế quản trị DN, thúc đẩy cơ cấu nền kinh tế theo hướng đa thành phần, đa sở hữu. Với hàng trăm phiên đấu giá cổ phần trong 10 năm qua, HNX đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình tái chuyển đổi, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN gắn với niêm yết trên TTCK.
Sự thành công của hoạt động đấu giá cổ phần chính là chìa khoá giúp HNX gia tăng số DN niêm yết. Từ 6 mã cổ phiếu niêm yết thời điểm năm 2005, đến ngày 31/12/2014 đã có 367 doanh nghiệp với tổng giá trị niêm yết đạt 95.133 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường cũng tăng hàng trăm lần, từ 3,7 tỷ đồng/phiên trong thời kỳ đầu, năm 2014 giá trị giao dịch bình quân đạt 807,8 tỷ đồng/phiên. Thị trường cũng đã ghi nhận mức khối lượng giao dịch kỷ lục với 183,12 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch 1.652 tỷ đồng vào ngày 06/03/2012.
Trong 10 năm qua, HNX đã giúp các doanh nghiệp niêm yết huy động hơn 58.787 tỷ đồng vốn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tạo của cải vật chất cho xã hội thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu trên TTCK. Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn mặt bằng lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.
Không chỉ phát triển thị trường cổ phiếu mà HNX còn giúp Chính phủ huy động một lượng vốn lớn bằng nội tệ và ngoại tệ phục vụ cho đầu tư phát triển qua các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP). Từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2014, thông qua thị trường TPCP, ngân sách nhà nước (NSNN) đã huy động được một khối lượng vốn hiệu quả phục vụ cho đầu tư phát triển với tổng số 654.493 tỷ đồng, trong đó Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động được 513.292 tỷ đồng, gấp 13 lần so với giai đoạn 2000 - 2008.
Công tác phát hành TPCP có nhiều cải cách mạnh mẽ. Thị trường luôn công khai thông tin về kế hoạch, lịch biểu, khối lượng, kỳ hạn, lãi suất, thông báo và kết quả đấu thầu. Quy trình đăng ký, lưu ký TPCP từ khi đấu thầu lên niêm yết, giao dịch được nghiên cứu, cải tiến liên tục và được rút ngắn dần từ 15 ngày xuống 10 ngày, 6 ngày và hiện này là 4 ngày. Quy mô niêm yết bình quân toàn thị trường trên từng mã đạt gần 1.124 tỷ đồng/mã vào cuối năm 2014), tăng 1,75 lần so với năm 2013. Trong đó, TPCP do KBNN phát hành đạt khoảng gần 4.462 tỷ đồng/mã, giúp hình thành hệ thống mã chuẩn và Đường cong lợi suất (ĐCLS) tham chiếu cho thị trường. Thanh khoản thị trường cũng tăng từ 365 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên 2.734 tỷ đồng/phiên năm 2013 và trong 6 tháng đầu năm 2014.
Đặc biệt, hệ thống đấu thầu TPCP, giao dịch, thông tin đã được triển khai hiện đại, đồng bộ, chính xác theo thời gian thực giữa các phân hệ cấu phần, tạo sự gắn kết và liên thông chặt chẽ giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp, qua đó tự động hóa hoàn toàn quy trình từ khi đấu thầu tới khi đưa trái phiếu vào niêm yết và giao dịch. Ngày 23/9/2014, hệ thống giao dịch TPCP phiên bản 3 đã chính thức được HNX đưa vào vận hành, đánh dấu bước phát triển mới về công nghệ do HNX nghiên cứu, ứng dụng cho thị trường này.
Sự phát triển và lớn mạnh của HNX còn thể hiện ở việc đưa thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết (OTC) vào vận hành, khắc phục sự lộn xộn đã tồn tại nhiều năm trên thị trường tự do, bảo vệ các NĐT khỏi rủi ro không đáng có. Ngày 24/6/2009, thị trường UPCoM đã chính thức đi vào hoạt động và đến 31/12/2014 đã thu hút trên 173 công ty đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt hơn 24.425 tỷ đồng, quy mô thị trường đạt 37.032 tỷ đồng, tăng gấp gần 9 lần so với cuối năm 2009.
Thanh khoản của thị trường cũng được cải thiện đáng kể, thời kỳ đầu giá trị giao dịch bình quân chỉ ở mức 4 tỷ đồng/phiên thì năm 2014, giá trị giao dịch bình quân tăng gần gấp 5 lần, đạt 21,9 tỷ đồng/phiên, thanh khoản trên thị trường UPCoM đã tăng khá so với năm 2013, bình quân khối lượng giao dịch đạt 2,12 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 20,5 tỷ đồng/phiên (tăng 6,6 lần về khối lượng giao dịch và 10,1 lần về giá trị giao dịch so với năm 2013). Mức độ vốn hóa thị trường UPCoM cuối năm 2014 đã đạt 36,5 nghìn tỷ đồng.
Hợp tác xây dựng sở giao dịch chứng khoán hiện đại
Với mục tiêu xây dựng Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) hiện đại, HNX đã đạt được nhiều thành công trong xây dựng mô hình một Sở ba thị trường. Việc tăng cường hợp tác quốc tế đã giúp Sở không ngừng hiện đại hóa về công nghệ, từng bước đưa các hệ thống vận hành, quản lý thị trường đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Nhận thức rõ hợp tác quốc tế là một lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK), việc gia nhập và hợp tác với các Sở GDCK thế giới sẽ giúp HNX rút ngắn khoảng cách với các Sở đi trước và tận dụng kinh nghiệm của đối tác để phát triển. Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc HNX cho biết: “Chúng tôi đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các Sở GDCK: New York, London, Tokyo, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…
Đây là các TTCK phát triển hoặc có nhiều nét tương đồng với TTCK Việt Nam. Chúng tôi học được từ các TTCK này nhiều kinh nghiệm về phát triển hệ thống công nghệ, mô hình phát triển, quản trị công ty, việc xây dựng một thị trường phái sinh hiệu quả… Thực tế, thành công của HNX hôm nay có sự hợp tác, hỗ trợ to lớn và hiệu quả của bạn bè quốc tế”.
HNX đã ký biên bản hợp tác với 17 Sở GDCK trên thế giới và là thành viên của nhiều tổ chức có uy tín trong ngành chứng khoán, trong đó có Liên đoàn các Sở GDCK thế giới, Liên đoàn các Sở GDCK châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, HNX còn mở rộng quan hệ với các tổ chức quốc tế khác như với tổ chức GIZ (hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu) hay tổ chức ISTDA (hỗ trợ về công nghệ thông tin)…
Tăng cường hợp tác quốc tế đa phương cũng gia tăng vị thế của HNX trên TTCK quốc tế và mở ra những cơ hội hợp tác phát triển mới cho việc xây dựng và phát triển thị trường tài chính Việt Nam.
Tiếp bước những thành công
Nếu như năm 2014 khép lại với HNX thật ý nghĩa khi ngày 29/12/2014, chứng chỉ quỹ ETF lần đầu tiên mô phỏng theo chỉ số HNX30 được đưa vào giao dịch thì ngay những ngày đầu năm 2015, hàng loạt sự kiện đã được Sở hoàn thành đó là công bố bộ chỉ số HNX mới và ra đời chỉ số Bond - Index cho thị trường TPCP. Rồi tuần lễ quản trị công ty quý I/2015 được tổ chức từ ngày 19-23/1/2015, giúp các doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng nâng cao chất lượng quản trị công ty, tiếp đó là việc nghiên cứu triển khai các sản phẩm phái sinh...
Nói về bộ chỉ số vừa ra đời, với cách tính mới, chỉ số HNX Index sẽ phản ánh chính xác hơn diễn biến giao dịch trên thị trường cổ phiếu niêm yết, loại bỏ ảnh hưởng của những cổ phiếu có khối lượng niêm yết lớn nhưng tỷ lệ tự do chuyển nhượng thấp. Sau hơn một năm vận hành thử nghiệm trên chỉ số HNX FF Index với kết quả ổn định, phản ánh sát diễn biến thị trường nên đầu năm 2015, Sở đã chính thức đưa vào áp dụng.
Đánh giá về tác động của bộ chỉ số mới do HNX đưa ra, PGS.,TS. Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hội đồng Chỉ số độc lập cho biết, đây là công cụ giúp các tổ chức tài chính, nhà đầu tư quản trị danh mục đầu tư tốt hơn, có thể xây dựng danh mục đầu tư trái phiếu mô phỏng chỉ số trái phiếu với tỷ trọng tương ứng rổ chỉ số.
Các nhà đầu tư cũng có thể sử dụng chỉ số trái phiếu làm công cụ tham chiếu để so sánh hiệu quả đầu tư trái phiếu với các kênh đầu tư tài chính khác. Đặc biệt, thông qua chỉ số trái phiếu, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài có thể so sánh mức độ hấp dẫn của trái phiếu Việt Nam với các thị trường khác.
Bộ chỉ số trái phiếu được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch hóa thông tin trên thị trường trái phiếu; hỗ trợ Chính phủ, cơ quan quản lý đánh giá tác động của chính sách vĩ mô lên thị trường; hỗ trợ công tác phân tích, dự báo, nghiên cứu, quản trị danh mục trái phiếu của thành viên, tổ chức trên thị trường; là công cụ quảng bá về mức độ phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam tới các nhà đầu tư quốc tế. Trong tương lai, chỉ số trái phiếu là cơ sở để phát triển các sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn.