Mở rộng quyền tiếp nhận nợ, tài sản để tiếp tục đầu tư cho DATC
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 129/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Theo đó, Chính phủ đã mở rộng phạm vi hoạt động của DATC, trong đó có việc tiếp nhận nợ, tài sản để tiếp tục đầu tư hoặc xử lý thu hồi.
Nghị định số 129/2020/NĐ-CP ra đời đã nâng cao địa vị pháp lý và vị thế hoạt động mới cho DATC, sau 17 năm công ty ra đời và hoạt động, theo Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Điều này phù hợp với thực tiễn hoạt động của DATC cũng như định hướng phát triển thị trường mua bán nợ có sự tham gia của các định chế tài chính của Nhà nước.
Quy định của Nghị định mới cho phéo DATC được mở rộng hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân; tiếp nhận nợ và tài sản khác theo chỉ định để đầu tư, khai thác hoặc xử lý thu hồi; được hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tái cơ cấu...
Theo đó, DATC có chức năng, nhiệm vụ là hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản.
Hoạt động mua, xử lý các khoản nợ và tài sản trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại DATC; ưu tiên tập trung nguồn lực của DATC để hỗ trợ tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thông qua hoạt động tiếp nhận, mua, xử lý nợ và tài sản; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ và tài sản theo cơ chế thị trường.
Công ty này cũng thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu giao.
Ngành nghề kinh doanh chính của DATC là tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản; mua, xử lý nợ và tài sản; tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua hoạt động mua, bán, xử lý nợ.
Cụ thể, DATC tiếp nhận nợ tài sản theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ để xử lý theo quy định tại nghị định này.
Tiếp nhận theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gồm: nợ phải thu và các tài sản (bao gồm cả các tài sản tồn đọng, các tài sản gắn với xử lý nợ theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ) để tiếp tục đầu tư khai thác hoặc xử lý, thu hồi vốn cho Nhà nước theo quy định tại nghị định này.