Mở rộng thêm kênh giải quyết tranh chấp

Theo Đầu tư

Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 mở rộng kênh giải quyết tranh chấp trong hoạt động của doanh nghiệp. Luật sư TRẦN HỮU HUỲNH, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) trao đổi về những điểm nên lưu ý khi áp dụng Luật Trọng tài thương mại.

Thưa ông, Luật Trọng tài thương mại tương thích với Luật Trọng tài thương mại quốc tế, đặc biệt là Luật mẫu Uncitral của Liên hợp quốc...

Điều này sẽ thuận cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh với doanh nghiệp nước ngoài, trong quyết định lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó, so với Pháp lệnh Trọng tài vừa hết hiệu lực, tính an toàn trong thỏa thuận trọng tài cao hơn; tính vô hiệu của thỏa thuận trọng tài đã được hạn chế, để gần hơn với thực tiễn trọng tài thương mại; hội đồng trọng tài được bổ sung một số quyền, như quyền được áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trực tiếp, quyền triệu tập các nhân chứng để hỗ trợ cho trọng tài...

Điểm nữa khiến phán quyết trọng tài trở nên hấp dẫn hơn, đó là căn cứ để hủy phán quyết trọng tài rõ ràng, minh bạch hơn. Trước đây, một số bên thua kiện không muốn thi hành phán quyết trọng tài có thể yêu cầu tòa án hủy và do phán quyết trọng tài còn có một số nhược điểm, nên căn cứ hủy có thể bị lạm dụng. Một ưu điểm nữa là phán quyết trọng tài là một lần và chung thẩm.

Với những điểm đổi mới như vậy, tôi tin rằng, Luật Trọng tài thương mại sẽ mở thêm kênh giải quyết tranh chấp nhanh hơn, bí mật hơn cho doanh nghiệp.

Theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại, phạm vi tranh chấp được áp dụng có mở rộng hơn, thưa ông.

Đúng vậy. Theo Luật Trọng tài thương mại, không chỉ có tranh chấp giữa các doanh nhân, giữa các tổ chức có hoạt động đăng ký kinh doanh, mà còn có cả tranh chấp giữa doanh nhân và tổ chức cá nhân khác. Điều đó có nghĩa là, người tiêu dùng, cộng đồng dân cư, tổ chức xã hội..., nếu có hoạt động kinh tế, giao dịch thương mại, cũng có thể lựa chọn trọng tài, thay vì chỉ lựa chọn tòa án như trước. Thậm chí, các tổ chức nhà nước như các cơ quan chính phủ, các cơ quan công, nếu có tranh chấp với thương nhân, cũng có thể lựa chọn kênh trọng tài để giải quyết.

Một điểm mới nữa là trọng tài có thể tham gia ngay, nếu luật chuyên ngành quy định những tranh chấp có thể giải quyết bằng tố tụng trọng tài.

Nếu chọn trọng tài, doanh nghiệp cần lưu ý gì để đảm bảo phán quyết trọng tài đạt hiệu quả cao nhất?

Điểm đầu tiên mà các doanh nghiệp khi ký thỏa thuận trọng tài cần lưu ý là, khi đã có thỏa thuận trọng tài, tòa án sẽ không thụ lý các vụ tranh chấp, trừ khi thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được. Chính vì vậy, nếu doanh nghiệp đã chọn trọng tài, thì trong hợp đồng, phải thể hiện một thoả thuận về trọng tài độc lập, có hiệu lực.

Thứ hai, khi đã có thoả thuận trọng tài, phải coi đây như là “trận chung kết”, do đây là phán quyết chung thẩm, không có cơ hội để sửa chữa, vì vậy, doanh nghiệp nên tham gia ngay từ đầu và dồn sức để tham gia.

Điểm thứ ba, dù các vụ kiện ở nước ngoài có xa xôi đến mấy và khi đã lựa chọn trọng tài, nếu có triệu tập, thì doanh nghiệp phải có mặt để thực hiện quyền bảo vệ mình.